Những bông hồng trên vườn cây ngày 8/3

CSVN – Năm 2016 vừa qua, tôi hân hạnh được gặp khá nhiều thợ giỏi của ngành, trong đó có chị Phan Thị Bích Thủy ở NT Thái Hiệp Thành (Đồng Nai) và chị Rơmah Klơng ở NT Suối Mơ (Chư Prông). Hai chị đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi bởi trong cuộc trò chuyện, người thì luôn nở những nụ cười, còn người thì lại giọt dài giọt vắn…
Tổ trưởng Phan Thị Bích Thủy
Tổ trưởng Phan Thị Bích Thủy
 Đứng nhất toàn NT là công của tập thể

Chị Phạn Thị Bích Thủy (SN 1969), Tổ trưởng Tổ 1 Đội 3 NT Thái Hiệp Thành (Đồng Nai) đã cho chúng tôi biết như vậy khi tổ của chị đã hoàn thành kế hoạch năm 2016 khai thác 118 tấn/90,050 tấn kế hoạch, về trước thời gian 46 ngày, đứng nhất toàn NT.

Chị nói tiếp: “Công nhân tổ tôi rất siêng năng, đoàn kết, chẳng những luôn bám trụ vườn cây mà những khi trong tổ có công nhân bận việc hoặc bệnh ốm phải nghỉ đều tổ chức cạo choàng. Ngoài ra thì các loại mủ bèo mủ tạp ai nấy đều tích cực tận thu, không bỏ phí; cùng công tác luyện tay nghề được chú trọng thường xuyên nên ngày càng xuất hiện nhiều thợ giỏi như các anh, chị Nguyễn Thị Vân, Phan Thị Hồng Hà, Nguyễn Danh Văn, Phan Văn Hiền…”.

Từ tình cảm tốt đẹp trên nên khi được Tổng Công ty Cao su Đồng Nai thưởng cho tổ trưởng giỏi 3 tháng lương x 1.2 lương bình quân với tổng cộng trên 19 triệu đồng, chị đã “thưởng” lại cho 17 công nhân trong tổ mỗi người 500.000 đồng, ngoài ra còn đặt một bữa tiệc ngay tại lô để “khao” anh em. Gặp chị Thủy tại vườn cây Tổ 1, tôi thầm mến phục một phong cách đầy tự tin của chị trong trao đổi với công nhân, cũng như với một số đồng chí lãnh đạo Tổng Công ty và NT.

Vậy mà, khi nghe tôi hỏi thêm đôi nét về gia cảnh, chị chợt trở nên trầm tư rồi đỏ hoe con mắt cùng những giọt lệ vắn dài. Một vài anh em cùng đi cho biết đôi nét về hoàn cảnh của chị: Chị từ Quảng Bình vào làm cao su ở NT Thái Hiệp Thành năm 1994, khi đó ôm theo hai đứa con là Nguyễn Minh Triều (SN 1988) và Nguyễn Minh Nghĩa (SN 1994). Người chồng tệ bạc đã chối bỏ gia đình, bỏ vợ con mà theo về bến mới…

Đơn thân độc mã nơi đất khách quê người, chị cố giấu nỗi đau riêng, làm lụng hết mình tằn tiện nuôi con ăn học. Ngoài việc làm cao su chị còn tích cóp mua được 7 sào đất trồng điều, mỗi năm thêm thu nhập khoảng vài chục triệu đồng. Đến nay thì cuộc sống gia đình ngày một ổn định, con trai lớn đang làm trong một xí nghiệp ở Bình Dương, còn con trai k ế thì đang học đại học.

 Phấn đấu trở thành một gia đình có 3 thế hệ làm công nhân cao su
Công nhân Rơmah Klơng
Công nhân Rơmah Klơng

Đến NT Suối Mơ (Chư Prông), khi được giới thiệu cô thợ xuất sắc Rơmah Klơng (SN 1986) ở Tổ 2 Đội 16, điều khiến tôi ấn tượng nhất là cô thợ trẻ luôn nở trên môi nụ cười tươi tắn.

Những nụ cười như tiềm tàng niềm hạnh phúc, yêu công việc, yêu đời. Tuy mới vào làm công nhân cao su năm 2010 nhưng cô đã sớm trở thành một thợ giỏi xuất sắc của NT, bình quân mỗi năm vượt trên 1 tấn mủ, năm 2016 nhận cạo 5 tấn mủ, đến ngày 25/11 đã hoàn thành.

Khi được hỏi do đâu mà có được năng suất cao, Klơng cười, thì chủ yếu là mình luôn cố gắng học hỏi, rèn luyện, tay nghề có vững thì mới có được nhiều mủ mà không phạm lỗi, không bị phạt! Ngoài giờ làm cao su, Klơng cùng chồng là anh Kpah Hiet làm thêm nương rẫy, hiện có 5 sào cà phê, 200 trụ tiêu, nhờ vậy mà có thêm tiền nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Cô cho biết từ tiền lương, tiền thưởng và dành dụm được từ làm rẫy, vợ chồng sẽ mua thêm đất để mở rộng kinh tế phụ. Klơng tỏ ra rất tự hào khi có bố là ông Kpui Pum (SN 1952), cũng từng là công nhân cao su NT Suối Mơ, nay đã nghỉ hưu.

Cô lại nở một nụ cười thật tươi: “Khi con tôi trưởng thành, tôi cũng xin cho nó vào làm công nhân cao su. Như thế, gia đình tôi sẽ có được ba thế hệ làm công nhân cao su, vinh d ự lắm!”. Từ thành tích xuất sắc chung, Rơmah Klơng có tên trong Lễ tuyên dương công nhân lao động đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ I – năm 2016 do Công đoàn Cao su VN tổ chức vào tháng 4/2016.

Bài, ảnh: Đăng Minh