Một người lãnh đạo, một hình ảnh đẹp trong ngành cao su

CSVN – Đồng chí (đ/c) Ba Trung (Dương Kỳ Trung – Nguyên Bí thư Đảng ủy – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị  Tổng Công ty Cao su VN (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN), một trong những người anh cả của ngành cao su đã đi vào cõi vĩnh hằng. Trong quãng thời gian sống và làm việc trong ngành cao su, đ/c Ba Trung để lại một hình ảnh đẹp trong các thế hệ ngành cao su Việt Nam cho hôm nay và mai sau.
Đ/c Dương Kỳ Trung (thứ 2 từ phải qua) tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và làm việc với ngành cao su.
Đ/c Dương Kỳ Trung (thứ 2 từ phải qua) tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và làm việc với ngành cao su.

Đã lâu lắm rồi, tôi không gặp được đ/c, hay gọi là anh Ba Trung. Tôi được gặp và tiếp cận anh thân tình như các đồng nghiệp khác trong ngành cao su, bởi lẽ tôi làm nghề báo, làm thơ, thường gặp anh là lúc tổ chức gặp gỡ thân mật với anh em. Khi nghe đ/c Ba Trung mất đi, lòng tôi sững sờ, nhớ thương người anh, người lãnh đạo của ngành cao su một thời đã về cõi vĩnh hằng. Trong tôi trỗi dậy ký ức, những kỷ niệm cùng những trang tiểu sử của đ/c Ba Trung. Tôi viết với tấm lòng, để người làm cao su, từ những người già đến lớp trẻ hiểu được tâm tình, tấm lòng của đ/c Ba Trung đối với ngành cao su Việt Nam.

Đ/c Ba Trung sinh ngày 3/10/1939 tại xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Từ nhỏ đ/c Ba Trung theo gia đình vào khu kháng chiến, sớm được Đảng rèn luyện, đ/c đã nhanh chóng trưởng thành. Từ tháng 6/1953, đ/c là nhân viên Ủy ban Kháng chiến huyện Trần Văn Thời, tỉnh Bạc Liêu. Tháng 4/1955, đ/c là học sinh các Trường Miền Nam và Bổ túc Công Nông Trung ương ở miền Bắc. Tháng 9/1961, đ/c là sinh viên Đại học Bách khoa, tu nghiệp tại Liên Xô.

Trở về nước, từ tháng 7/1967, đ/c tham gia bộ đội, làm nhiệm vụ trợ lý tham mưu Tổng cục Kỹ Thuật, cấp bậc từ thiếu úy đến đại úy. Đ/c được kết nạp vào Đảng ngày 30/7/1969 tại Chi bộ Kỹ thuật Cơ Điện – Đảng ủy Cục Quản lý xe – Tổng Cục Hậu cần – Bộ Quốc Phòng. Đ/c Ba Trung đã tham gia các chiến dịch lớn như: Đường 9 Nam Lào năm 1971, Quảng Trị năm 1972, Buôn Mê Thuột năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng Phnôm Pênh từ năm 1978 – 1979…

Bước ngoặt cuộc đời và sự đóng góp to lớn của đ/c Ba Trung là từ năm 1981 – 1989, từ Tổng Cục Kỹ thuật Phía Nam, đ/c chuyển sang làm Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Vật tư Thiết bị trực thuộc Tổng Cục Cao su VN. Từ năm 1989 – 1991, đ/c giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Cao su trực thuộc Tổng Cục Cao su VN.

Từ năm 1991 – 2000, đ/c kinh qua các vị trí quan trọng là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su VN, Bí thư Đảng ủy – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cao su VN (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN) cho đến lúc nghỉ hưu.

Có thể khẳng định, trong suốt 19 năm công tác trong ngành cao su, đ/c Ba Trung đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển cao su. Nhất là thời kỳ Tổng Cục Cao su Việt Nam hợp tác với Liên Xô trồng mới cao su ở miền Đông Nam bộ, đến Tây Nguyên và ra tận miền Trung. Bộ máy xuất nhập khẩu do đ/c Ba Trung lãnh đạo đã đưa về ngành cao su tổng giá trị hàng hóa hơn 180 triệu rúp và đô la để mở rộng, trồng mới cao su tại Việt Nam. Sau thời kỳ Liên Xô, đ/c lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, xây dựng ngành cao su Việt Nam lớn mạnh như ngày nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN.

Đ/c Dương Kỳ Trung Bí thư Đảng ủy - chủ tịch Hội đồng quản trị kiểm tra công tác trồng mới cao su.
Đ/c Dương Kỳ Trung (bìa phải) kiểm tra công tác trồng mới cao su.

Về đời thường, đ/c Ba Trung, hay lứa như chúng tôi thường gọi cái tên hết sức thân mật, trìu mến “Anh Ba Trung”. Anh sống rất giản dị, chân thành, dễ mến và cởi mở xây dựng lớp đàn em lãnh đạo trong ngành cao su, những cán bộ bình thường hay các anh lái xe trong ngành cao su như anh Xuân, anh Quang, anh Sen, anh Tuấn luôn khâm phục, mến mộ và luôn nhận được sự giúp đỡ chân tình, từ anh Ba Trung. Những người làm công tác xuất nhập khẩu trong ngành cao su như anh Đinh Vạn Tiến, Trần Ngọc Thanh là những người em mẫu mực với sự giúp đỡ của anh Ba Trung. Sống và làm việc trong ngành cao su, anh Ba Trung để lại một hình ảnh đẹp trong các thế hệ ngành cao su Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Hơn 28 năm trong quân đội và với ngành cao su, khi về hưu, đ/c vẫn thường xuyên dõi theo, đóng góp ý kiến và kỳ vọng vào thế hệ sau. Đ/c Ba Trung đã được phong tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác của nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương. Đối với quê hương Sóc Trăng, đ/c Ba Trung là người tiên phong khởi xướng và đứng ra vận động các mạnh thường quân, chủ lực là Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, các bạn bè, các nhà hảo tâm để xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ học tập cho các thế hệ học sinh; tiếp tục xây dựng quỹ học bổng “Dương Kỳ Hiệp”.

Trong những năm qua, học bổng “Dương Kỳ Hiệp” đã huy động được 2,4 tỷ đồng, trao hơn 1.000 suất học bổng, góp phần giải quyết khó khăn cho các học sinh nghèo hiếu học… Với lòng nhiệt huyết vì sự nghiệp giáo dục quê nhà, gia đình đ/c Ba Trung đã đóng góp xây dựng Trường Trung học cơ sở cấp II Dương Kỳ Hiệp ở huyện Long Phú, Trường Trung học cơ sở Dương Kỳ Hiệp ở thành phố Sóc Trăng…

Đ/c Ba Trung, một trong những người anh cả của ngành cao su đã đi vào cõi vĩnh hằng. Vẫn biết sống và chết là quy luật của tạo hóa, song ngành cao su Việt Nam luôn ghi nhớ đậm nét một đ/c, một anh Ba Trung rất dễ gần, dễ mến, để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Một đ/c Ba Trung tận tụy trung thành với Đảng, một tấm gương sáng để cán bộ, công nhân viên ngành cao su sống, học tập và làm việc như các bậc tiền bối, như đ/c Ba Trung đã làm, hết lòng cống hiến vì sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành cao su Việt Nam.

THANH LA