CSVN Xuân – Chuyến tàu Thống Nhất chở bao mơ ước, hy vọng đổi đời của gia đình anh Lê Văn Long (Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng khai thác Tổ 7, NT 4, Cao su Phú Riềng), cũng như nhiều gia đình khác từ vùng quê Thái Bình vào Bình Phước làm kinh tế mới. Hơn 30 trôi qua, hơn ai hết, họ thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của buổi đầu khai hoang trồng mới. Và họ hiểu được rằng, cuộc sống gia đình đủ đầy, sang trang như hôm nay là nhờ gắn bó với ngành cao su.
Không đâu bằng cao su
Năm 1982, bố anh là Lê Văn Liêm, mẹ là Đào Thị Hương đã đưa theo các con từ vùng quê Thái Bình vào Bình Phước với hy vọng cuộc sống sẽ bớt khốn khó hơn. Trước khi sắp xếp hành trang lên đường, họ đã xác định rằng vào đây mới đầu khó khăn nhưng sẽ bám trụ chứ nhất quyết không bỏ cuộc giữa chừng. Trong ký ức của cậu bé 13 tuổi chỉ nhớ rằng cả gia đình anh và nhiều gia đình khác từ quê hương Thái Bình đi tàu Thống Nhất hai ngày hai đêm mới vào đến Ga Thủ Đức. Sau đó xe công ty đến đón về Bình Phước. Đường đất đỏ bụi mịt mờ, hai bên là những cánh rừng lồ ô bạt ngàn. Vào đến nơi, họ được đưa về lán đã được dựng sẵn. Mọi thứ khi ấy rất thiếu thốn, trường học chưa có, để có nước dùng thì phải xuống dưới bưng lấy lên. Một năm sau, để con em CN được đến trường, công ty mở trường học ngay gần lán ở. Chỉ là những tấm ván xẻ đôi làm bàn ghế tạm bợ nhưng công nhân cũng yên tâm và phấn khởi hơn khi con em được đến trường học chữ.
Anh cho biết: “Công việc của buổi đầu là khai hoang trồng mới. Ngày ngày bố mẹ đi làm, còn anh em chúng tôi đến trường. Lớn hơn một chút thì chúng tôi thay nhau ra lô phụ bố mẹ. Tôi vẫn còn nhớ như in tháng đầu tiên lương bố mẹ nhận được là gạo, thịt. Gia đình tôi vui mừng lắm vì từ nay không lo đói nữa. Mười năm sau bố mẹ nghỉ hưu, tôi cũng vừa kết thúc chương trình học phổ thông và đang tìm việc. Bố mẹ định hướng vào làm công nhân cao su để có thu nhập ổn định. Tôi tiếp nối nghề CN cao su từ năm 1993 đến nay. Và con trai tôi là Lê Tùng Lâm hiện là bảo vệ Nông trường 4”.
23 năm gắn bó với nghề, anh thấu hiểu: “Ngành cao su trải qua những thăng trầm, hiện nay khó khăn do đơn giá xuống thấp, nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn gắn bó với nghề. Thứ nhất là lãnh đạo VRG, lãnh đạo đơn vị rất quan tâm đến đời sống của người lao động. Thứ hai, nếu làm tốt sẽ được tuyên dương, khen thưởng động viên kịp thời. Thứ ba nữa là so với thu nhập các ngành nghề khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước thì không đâu bằng cao su”.
Quyết gắn bó với nghề
Vợ anh là chị Trần Thị Nhẫn cũng là CN khai thác Tổ 5, Nông trường 4. Hiện tại, lương của hai vợ chồng dao động 14 – 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh chị còn có 1 ha cao su. Con gái lớn của anh chị hiện là tiếp viên hàng không của Vietjet Air, còn con trai thứ hai là bảo vệ Nông trường 4. Không những gia đình anh chị mà nhiều gia đình trên chuyến tàu Thống Nhất ngày ấy giờ đây đã khá giả hơn rất nhiều. Nhìn quê hương thứ hai từng ngày đổi mới, thôn xóm thay đổi hơn anh thấy quyết định của bố mẹ vào Bình Phước là đúng đắn, và quyết định của anh và nay là con trai vào làm cao su còn đúng đắn hơn.
Anh nói: “Thời mới vào thì lạc hậu lắm, mọi thứ đều thiếu thốn. Nhưng bây giờ nhìn vào thì thấy khác hẳn một trời một vực. Thực ra, ngày trước ở quê chúng tôi vào làm kinh tế mới chỉ mong sao đủ ăn thôi, chứ chưa bao giờ dám mơ được đi du lịch nước ngoài, rồi cũng không nghĩ đến việc có ngày sẽ nhận được số tiền thưởng cuối năm lớn đến vậy, có năm giá mủ cao hai vợ chồng nhận thưởng gần cả trăm triệu. Thế nhưng điều ấy bây giờ đã thành sự thật. Không những đủ ăn mà còn có tiền để dành phòng khi ốm đau, nuôi con ăn học”.
Kỷ niệm về tháng lương làm CN cao su đầu tiên được 300 ngàn đồng, mấy anh em trong tổ dành một ít để góp tiền mua tivi xem đá banh là kỷ niệm đẹp anh thường hay nhắc đến. Chừng ấy năm gắn bó với nghề, giờ đây thành tích của anh nhận được nhiều bằng khen của VRG, UBND tỉnh, là Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh. Vợ anh cũng không hề thua kém chồng khi được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ NN & PTNT trao tặng. Dù ở đâu, dù ai dao động trước tình thế khó khăn của ngành thì với anh và nhiều người dân nơi đây vẫn quyết tâm gắn bó. Anh chia sẻ: “Ở công ty chúng tôi thì không có chuyện CN nghỉ việc giữa chừng, chỉ có ai đến tuổi nghỉ chế độ thì mới nghỉ, ở đây họ bám trụ với cao su vì thời gian thoải mái, rảnh rỗi họ có thể làm thêm việc ở ngoài. Dù lương có thấp thì vợ chồng tôi nhất quyết sẽ gắn bó với nghề”.
Quỳnh Mai
Related posts:
- "Tập đoàn đã đi đúng hướng"
- Nàng Châu Long thời hiện đại
- Dòng chảy của đời người
- "Phải chỉn chu trong từng đường cạo”
- Người công nhân mẫu mực
- Những bông hoa tiêu biểu trong thi đua vượt sản lượng
- "Giải thưởng tiếp thêm động lực để thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ"
- Điểu Sít không ngại khó
- Lò Thị Nết - gương mẫu, tận tụy với công việc
- Níu chân bởi tình cây, tình người