“Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

CSVN – Đó là lời nhắn gửi tới CNVC LĐ ngành cao su trong thời điểm khó khăn hiện nay của chị Trần Thị Ron – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Cao su VN. 30 năm gắn bó với ngành cao su ở lĩnh vực Công đoàn, khi về hưu, chị vẫn luôn dõi theo ngành , buồn khi giá cao su xuống thấp, vui khi thấy người lao động tâm huyết với ngành.
 Chị Trần Thị Ron (cầm hoa) trong ngày sinh nhật 55 tuổi do Cơ quan Công đoàn Cao su VN tổ chức
Chị Trần Thị Ron (cầm hoa) trong ngày sinh nhật 55 tuổi do Cơ quan Công đoàn Cao su VN tổ chức
Một thời gian lao

Có dịp nghe chị kể về quãng thời gian khó khăn của ngành cao su sau khi đất nước thống nhất, mới thấy cảm phục một thế hệ “đồng lòng, chung sức” xây dựng ngành cao su bền vững như ngày hôm nay.

Chị chia sẻ: “Tôi làm việc ở Công đoàn CSVN từ tháng 7/1984, thời kỳ bao cấp khó khăn đủ mọi thứ, tiền lương ít ỏi, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng mọi người sống rất tình cảm, anh em đồng chí, đồng đội yêu thương nhau tận tâm, tận lực. Tôi còn nhớ như in những chuyến công tác lúc ấy. Với công việc của mình, tôi thường xuyên phải đi công tác một mình tại các công ty cao su Tây Nguyên, mỗi chuyến công tác kéo dài cả tháng ròng rã. Điều kiện đi lại, sinh hoạt thời đó vô cùng khó khăn. Đến đơn vị, bữa cơm thiếu thốn, đơn sơ nhưng đầy nghĩa tình. Anh em nhường nhịn nhau, rộn rã tiếng cười…

Tôi có rất nhiều kỷ niệm mà đôi lúc nhớ lại thấy lạnh cả sống lưng. Năm 1985, tôi đi cùng xe nhận hàng của Công ty Cao su Chư Păh về gần đến Phan Rang, cây cầu bị nước lũ cuốn trôi, may mà chúng tôi không sao, nhưng phải chờ 2 ngày, 2 đêm mới có cây cầu tạm đi qua, thiếu ăn, thiếu nước, không được tắm giặt.

Kỷ niệm thứ hai vào năm 1987, cả đoàn đi công tác gồm cô Nguyễn Thị Mẹo (Thường vụ), các đồng chí Nguyễn Minh Hai, Phạm Bá, Vũ Ngọc Hưng và tôi, 5 người đi tập huấn công tác bảo hiểm xã hội cho các công ty. Lúc về đi trên chiếc xe Oat của chú Ba Thinh – Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang. Về đến gần Đắk Lắk, xe tránh người qua đường bị lật úp bốn bánh xe đưa lên trời, trên xe có chở thùng phuy xăng; cũng may mọi người không sao chỉ bị xây xát nhẹ”.

Tất cả vì người lao động

Nói về công việc của mình, chị chia sẻ: “30 năm gắn bó công tác ở ngành cao su, với đặc thù công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với những người gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chúng tôi là nơi mà người khiếu nại, tố cáo giải bày những bức xúc, những khó khăn gặp phải tại đơn vị. Tôi luôn lắng nghe và chia sẻ giải thích để người khiếu nại hiểu, trực tiếp đối thoại, qua điện thoại hoặc qua thư từ…

Với phương châm “tất cả vì người lao động”, tôi thấy vui khi mình là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Kinh nghiệm của tôi khi làm công tác kiểm tra Công đoàn (đặc biệt là người giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo) là phải nắm bắt kịp thời các chế độ chính sách mới ban hành. Vì ngày nay phương tiện thông tin đến với công nhân rất kịp thời qua chiếc điện thoại thông minh. Và đặc biệt, phải mềm mỏng, trung thực, chính xác và khách quan”.

Hãy đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn

Công tác ở lĩnh vực Công đoàn, người chị Ron nể phục nhất là chú Đoàn Văn Dân (Nguyên Chủ tịch Công đoàn Cao su VN). Chị tâm sự: “Chú Dân rất gần gũi với công nhân, hiểu công nhân, hiểu ngành cao su; trước khi làm việc với lãnh đạo công ty chú đã đến lô cao su gặp trực tiếp công nhân; lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiểm tra về mặt kỹ thuật khai thác mủ, chế độ chính sách của người lao động, lúc làm việc với lãnh đạo công ty chú góp ý đâu là đúng đó”.

Nhắn gửi lời khuyên cho thế hệ hôm nay trong thời điểm khó khăn, chị chia sẻ: “Ông bà ta vẫn nói “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Trước tình hình giá cao su xuống thấp, ngành cao su đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tôi mong rằng mỗi CNVC LĐ hãy sẻ chia, đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng ngành cao su ngày càng ổn định, bền vững. Thế hệ ông cha ta đã đổ biết bao máu và nước mắt để xây dựng ngành cao su Việt Nam vẻ vang. Chúng ta phải chung tay xây dựng và giữ vững truyền thống vàng son ấy”.

Trần Huỳnh