Gia đình 4 thế hệ yêu ngành, yêu nghề

CSVN – Gia đình ông Nguyễn Khắc Trúc – Nhân viên Tổ cơ khí điện – nước trực thuộc văn phòng Xí nghiệp chế biến cao su, TCT Cao su Đồng Nai có 4 thế hệ đã và đang gắn bó với ngành cao su qua nhiều năm tháng. Với ông ngành cao su có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ngoài công việc chuyên môn, chị Nguyễn Ngọc Trâm (Thứ 4 từ phải qua) cũng là một thành viên rất sôi nổi trong các hoạt động VHVN – TDTT tại đơn vị. Chị vừa đạt 2 giải nhất môn cầu lông (đôi nam nữ và đôi nữ) tại hội thao CNVC LĐ TCT năm 2024
Tự hào về truyền thống gia đình

Trong quá trình ghi nhận và viết bài về những gia đình 3, 4 thế hệ theo ngành cao su, chúng tôi đã được giới thiệu đến Xí nghiệp chế biến cao su, TCT Cao su Đồng Nai. Tại đây, chúng tôi đã có cơ hội được gặp ông Nguyễn Khắc Trúc, một công nhân xuất sắc đã đóng góp cho sự lớn mạnh ngành trong suốt 27 năm. Ông Trúc chia sẻ: “Nhà tôi gốc ở Đồng Nai, lâu nay vẫn được mệnh danh là mảnh đất anh hùng với những cánh rừng cao su xanh bạt ngàn. Khi còn nhỏ, tôi luôn ước mơ trở thành một thành viên trong đại gia đình cao su, theo bước chân của ông bà, cha mẹ trong gia đình. Nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy lo lắng, vì việc xin vào làm việc trong ngành cao su thời điểm đó khá khó khăn. Vì vậy, tôi quyết định đi học nghề thợ hàn để có thêm một lựa chọn nghề nghiệp. Năm 1997, khi tôi đã trưởng thành, tôi tình cờ nghe nói về việc tuyển dụng tại Xí nghiệp chế biến cao su. Tôi quyết định nộp hồ sơ để thử vận may. May mắn thay, ngành học của tôi lại phù hợp với yêu cầu công việc và tôi đã được chọn để làm việc tại đây. Một cảm giác vui mừng và hân hoan tràn đầy trong tôi khi nhận được tin này. Tôi biết rằng việc gia nhập ngành cao su không chỉ là ước mơ của tôi, mà còn tiếp tục truyền thống gia đình”.

“Gia đình tôi đã có nhiều thế hệ gắn bó với công việc cao su từ lâu. Ông nội tôi, ông Nguyễn Văn Vệ, là một công nhân cao su tại Bình Lộc từ thời kỳ đồn điền. Tiếp sau ông là cha mẹ tôi, ông Nguyễn Văn Bình và bà Bùi Thị Thủy, cũng đã dành cả đời để phục vụ trong ngành cao su ở vị trí công nhân khai thác cao su tại NT An Lập. Từ khi bắt đầu làm việc trong ngành cao su, tôi đã cống hiến hết mình và trân trọng công việc của mình. Nhiều năm liền được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua tại đơn vị”. Vừa dứt lời, ông Trúc lại vui mừng chia sẻ với chúng tôi: “Tôi rất tự hào khi cả hai người con của tôi đều đang phục vụ trong ngành công nghiệp cao su. Đặc biệt, năm 2023 con gái tôi được tuyển dụng vào làm công nhân bộ phận xử lý nước thải nhà máy Cẩm Mỹ. Điều này làm cho mong ước của tôi trở thành hiện thực – một mong ước kéo dài qua 4 thế hệ của gia đình chúng tôi, các thế hệ sau lại tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trong ngành cao su”.

Ông Trúc cần mẫn trong công việc hằng ngày
Tình yêu sâu sắc với cao su

Chúng tôi đã đến gặp gỡ hai người con của ông Trúc để hiểu rõ hơn về truyền thống gia đình có 4 thế hệ làm việc trong ngành cao su. Ngày gặp gỡ, chúng tôi được đón tiếp nồng hậu bởi ông Trúc và hai người con của ông. Chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ ấm cúng và trò chuyện vui vẻ với nhau về truyền thống gia đình 4 thế hệ sắt son gắn bó với ngành cao su.

Ông Trúc tâm sự rằng mong ước này không chỉ đơn thuần là sự theo đuổi công việc, mà còn là một sự kết nối với quá khứ và là minh chứng một tình yêu sâu sắc với cao su. Ông nhìn thấy sự đóng góp và giá trị của ngành cao su trong sự phát triển của mảnh đất nơi mình sinh sống và muốn gia đình mình tiếp tục kế thừa phát huy những giá trị này cho thế hệ tiếp theo.

Anh Nguyễn Hoài Thanh – Tài xế tại Nhà máy mủ Xuân Lập, TCT Cao su Đồng Nai (Con trai ông Trúc) chia sẻ: “Tôi lớn lên trong môi trường mà hình ảnh cây cao su đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Tôi luôn cảm thấy tự hào về truyền thống gia đình và cả những đóng góp của gia đình đối với ngành. Và quyết định theo đuổi sự nghiệp trong ngành cao su để tiếp tục truyền thống của gia đình. Năm 2015 tôi xin vào làm bảo vệ tại NT An Lộc đến năm 2017 thì chuyển sang làm tài xế tại Nhà máy mủ Xuân Lập. Nhiều năm làm việc trong ngành cao su tôi thấy đây là một công việc tốt, có mức lương ổn định, chăm lo tốt cho đời sống của gia đình nên quyết tâm gắn bó đến cùng”.

Chị Nguyễn Ngọc Trâm – Nhân viên xử lý nước thải, Nhà máy Cẩm Mỹ (con gái út ông Trúc) cho biết: “Là một người trẻ vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, bản thân tôi có nhiều sự lựa chọn trên con đường sự nghiệp nhưng tôi vẫn quyết chọn vào làm việc trong ngành cao su. Bởi việc gia nhập ngành cao su không chỉ là một công việc, mà còn là kế thừa truyền thống và theo định hướng của gia đình. Tôi cảm nhận được tình yêu ngành, yêu nghề của cha tôi và các thế hệ trước trong gia đình nên muốn tiếp tục tiếp nối những giá trị tốt đẹp này”.

“Cha tôi thường nhắc nhở chúng tôi rằng ngành cao su mặc dù có những thăng trầm nhưng vẫn ổn định hơn nhiều so với các ngành khác. Các thế hệ trước đây trong gia đình chúng tôi đã sống một cuộc sống tốt đẹp nhờ công việc này nên chắc chắn rằng chúng tôi cũng sẽ có tương lai tốt hơn nếu theo đuổi nghề nghiệp này” – chị Trâm tự hào khi nói về điều này.

Cuộc trò chuyện đã cho chúng tôi cái nhìn sâu sắc về tình yêu, sự kế thừa và tận tụy của gia đình ông Trúc đối với ngành cao su. Mong ước kéo dài qua 4 thế hệ đã trở thành một truyền thống quý giá, một dòng chảy của tình yêu, đam mê và cả sự cam kết với sự phát triển của nghề cao su trong tương lai.

HẰNG NY