CSVN – Ngày 17/10/2016 trở thành một cột mốc quan trọng khi Tập đoàn CN Cao su VN (VRG) chính thức tổ chức lễ khai thác mủ cao su tại NT Lùng Thàng (Công ty CPCS Lai Châu), đánh dấu chặng thời gian 8 năm VRG triển khai dự án phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với VRG và chính quyền địa phương, mà còn làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của đồng bào dân tộc tham gia góp đất trồng cao su.
Sẽ có câu hỏi mà nhiều người quan tâm: Cây cao su có mủ không? Câu trả lời là có. Minh chứng là một số CTCS như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… đã mở cạo và cây cao su cho mủ khá tốt.
Việc cây cao su ở miền núi phía Bắc trụ vững sau 8 năm đầy thử thách và chính thức cho mủ, là câu trả lời thuyết phục nhất đối với nhiều ý kiến hoài nghi: Cây cao su không thể tồn tại ở miền núi phía Bắc, và nếu “sống sót” thì cũng không thể cho mủ.
Có mủ thì có hiệu quả kinh tế không? Chưa thể có câu trả lời ngay, khi đây chỉ mới là thời điểm mở cạo, năng suất vườn cây còn thấp, chưa có nhà máy chế biến thành phẩm, thị trường tiêu thụ đang không thuận lợi… Cao su là cây công nghiệp dài ngày, hiệu quả kinh tế phải tính trên cả chu kỳ và xem xét trên nhiều góc độ.
Hiệu quả kinh tế còn phải chờ, nhưng đóng góp của các dự án cao su về an sinh xã hội thì rất rõ. Doanh nghiệp trồng cao su giải quyết được việc làm, trả lương cho CN và nâng cao đời sống văn hóa, y tế, giáo dục… ở vùng nông thôn. Nơi nào có dự án cao su thì nơi đó hình thành hệ thống điện – đường – trường – trạm. Công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố; hình thành nên thiết chế “kiềng ba chân”: doanh nghiệp – nông dân – chính quyền.
Cây cao su chưa thể giúp người dân miền núi phía Bắc thoát nghèo; nó cũng chưa giúp chính quyền địa phương tăng ngân sách, nhưng nó đã mở ra tư duy dám nghĩ dám làm để “đánh thức” một vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng đời sống dân sinh còn rất nghèo. Nó cũng gợi mở lời giải cho bài toán tìm cây gì để có thể trụ được trên vùng đồi núi trọc; làm gì để phát triển hạ tầng kỹ thuật khi mà nguồn lực của địa phương rất eo hẹp…
8 năm triển khai, trồng trên gần 29.000 ha cao su với số vốn trên 4.000 tỷ đồng, đó không thể là sự đầu tư hời hợt theo kiểu “thắng nhanh rút gọn”.
Khi cây cao su đã cho mủ, chắc chắn sự kỳ vọng của chính quyền địa phương và sự mong đợi của người dân sẽ lớn hơn. Vì vậy, trách nhiệm và áp lực với doanh nghiệp cao su cũng nặng nề hơn.
Không chạy theo diện tích; tập trung nâng cao chất lượng vườn cây; sắp xếp lại bộ máy tổ chức; triệt để giảm suất đầu tư; tăng cường trồng xen canh; đào tạo tay nghề khai thác cho CN; xây dựng nhà máy chế biến với chủng loại sản phẩm phù hợp… Đó là những định hướng và biện pháp mà VRG đang chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện tại các CTCS miền núi phía Bắc.
Nhưng để chương trình phát triển cao su tại miền núi phía Bắc đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, một mình doanh nghiệp không thể thực hiện được, mà cần có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương; sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương; sự ủng hộ, đồng thuận của người dân…
T.S
Related posts:
- Với Đảng vẹn tròn tin yêu!
- Danh hiệu ý nghĩa của người lao động
- Lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước trong toàn ngành
- Hóa giải bài toán thiếu hụt lao động khai thác cao su
- Thu yêu thương
- "Nếu còn gắn bó, hãy cùng chúng tôi cố gắng"
- Khí phách sáng ngời của đội ngũ công nhân cao su
- Tháng Công nhân - ngày hội lớn của người lao động
- Thư chúc mừng năm mới của Ban lãnh đạo VRG và Công đoàn Cao su Việt Nam
- Vận hội mới