Thu yêu thương

CSVN – Đoàn công tác của Tạp chí CSVN đến với các công ty cao su khu vực miền Trung vừa kịp ngày khai giảng của năm học mới để trao những suất học bổng cho “con công nhân (CN) vượt khó, học giỏi, hiếu thảo” theo chương trình xã hội của Tạp chí.

>> Tạp chí CSVN trao 80 suất học bổng cho con em công nhân

>> Video Clip “Tạp chí Cao su VN trao 80 suất học bổng cho con em công nhân”

Bà Hồ Thị Tú Anh - Tổng biên tập Tạp chí CSVN lắng nghe tâm sự của một học sinh tại lễ trao học bổng "Con công nhân vượt khó học giỏi, hiếu thảo" Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh. Ảnh: Vũ Phong
Bà Hồ Thị Tú Anh – Tổng biên tập Tạp chí CSVN lắng nghe tâm sự của một học sinh tại lễ trao học bổng “Con công nhân vượt khó học giỏi, hiếu thảo” Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh. Ảnh: Vũ Phong

Sắc thu nhuộm vàng trên những cánh đồng lúa đang mùa gặt. Các con đường trải đầy rơm rạ, nhộn nhịp trâu, bò, xe cải tiến chất đầy những bó lúa trĩu hạt. Mùa vàng thơm ngào ngạt.

Từ Thanh Hóa đến Nghệ An vào Hà Tĩnh, ở đâu chúng tôi cũng gặp những dáng vẻ quen thuộc của các cháu con CN vùng quê: gầy đen vì nắng gió, xúng xính trong những bộ quần áo mới nhân ngày khai trường cùng với khuôn mặt háo hức khi được bố mẹ đưa về công ty nhận học bổng. Vẫn những câu trả lời hồn nhiên khi được hỏi về sinh hoạt đời thường: đó là việc hàng ngày các cháu phải đạp xe hàng chục ki lô mét đèo dốc để đến trường; vừa học bài vừa phải chăn cùng lúc 3 – 4 con trâu trong các khe núi hoặc dưới chân đồi; bữa ăn hàng ngày của các cháu vẫn cơm, canh, cà và thỉnh thoảng mẹ mới mua thịt; buổi sáng đến trường chỉ có ăn cơm nguội. Thế nhưng, khi được hỏi về ước mơ thì gần như cháu nào cũng mong học giỏi để được trở thành cô giáo, thành bác sĩ, thành chú công an …

Đây là lần thứ ba Quỹ học bổng do Tạp chí CSVN tổ chức về với các cháu khu vực miền Trung. Ngoài những lần trao đột xuất khi miền Trung gặp bão tố lũ lụt. Quỹ học bổng dành cho con em CN cao su khu vực miền Trung lần này có một ý nghĩa đặc biệt hơn: Đó là góp thêm vào nỗ lực chung của ngành để động viên những người CN chia sẻ và bám trụ với vườn cây cao su trong giai đoạn đang gặp nhiều khó khăn.

Trao học bổng cho các em. Ảnh: Vũ Phong
Trao học bổng cho các em. Ảnh: Vũ Phong

Khác với những điều chúng tôi hình dung trước khi tiếp xúc với những người CN cao su, khi được hỏi về đời sống hiện tại và những khó khăn. Họ không kể lể nhiều về những thứ đang giảm như: giá cao su giảm, lương giảm, suất đầu tư giảm, giá thành giảm… mà họ lại bàn bạc nhiều về những cách để khắc phục khó khăn như trồng xen cây gì ngắn ngày để có tiền thu nhập; vay được bao nhiêu tiền để nuôi bò nuôi heo; làm cách gì để tiết giảm chi phí, giảm giá thành. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe lãnh đạo công ty, nông trường, tổ đội bàn bạc về những giải pháp động viên CN bám trụ với công ty để vượt qua cơn hoạn nạn. So với các công ty cao su miền Đông, tỉ lệ nghỉ việc ở các công ty cao su miền Trung là không đáng kể.

CN cao su miền Trung ít than thở! Có lẽ chính đặc tính chịu thương chịu khó đã ngấm sâu vào máu của những con người ở vùng đất này. Càng khó khăn ý chí của họ càng sắt đá; càng gian khổ họ càng đùm bọc lẫn nhau. Về miền Trung chúng tôi mới càng thấm thía hơn câu nói của TGĐ Trần Ngọc Thuận: Giá mủ càng giảm, nghĩa tình càng tăng.

Về miền Trung càng yêu thêm những con người mộc mạc, giản dị và kiên cường trong gian khó. Chính họ mới là nguồn động viên để chúng tôi- những nhà báo có thêm nghị lực trong các chặng hành trình về với cơ sở. Phía trong những câu nói nhọc nhằn của thổ âm bản địa là nghĩa tình của những người CN cao su đang bám trụ với ngành, với công ty nơi họ đang làm việc. Về với những người CN miền Trung chúng tôi càng hiểu thêm những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết về con người và mảnh đất này: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn/ Chắt từ đá sỏi đất cằn/ Nên yêu thương mới sâu đằm đó em!”

Hồ Uyên Khanh