CSVN Xuân – Có lẽ trong thời gian công tác chúng tôi chưa từng được tham dự một buổi đối thoại hay và nhiều ý nghĩa như vậy. Cũng thông báo tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, cũng lắng nghe tâm tư – nguyện vọng của người lao động nhưng đâu đó còn đọng lại trong tâm trí người tham dự những trăn trở, băn khoăn.
Trong thời buổi tất cả các ngành nghề đều rơi vào những khó khăn do các nguyên nhân chủ quan khách quan thì vấn đề được quan tâm và giữ chân người lao động nhiều nhất chính là thu nhập. Sản xuất kinh doanh càng có lợi nhuận thì thu nhập người lao động càng cao. Vào thời kỳ hoàng kim của ngành cao su, khi mà giá mủ giữ mức kỷ lục thì chỉ nhắc đến cao su người ta nghĩ ngay đến sự giàu có. Nhưng thời điểm này, giá mủ liên tiếp giảm sâu kéo theo thu nhập người lao động giảm.
Trong khi đó, bên ngoài kia các KCN, các doanh nghiệp nước ngoài với những chiến lược thu hút nhân tài, thu hút người lao động đang là một hấp lực lớn đối với những ai đang lung lay trước sự đi hay ở lại với ngành. Trước tình hình này, vị thủ trưởng cơ quan nói: “Ngành cao su đang gặp khó khăn, không phải nói nhiều thì ai cũng hiểu điều đó. Thu nhập bị ảnh hưởng, mặc dù các đơn vị đã có nhiều giải pháp, lãnh đạo cơ quan cũng rất trăn trở, quý vị đừng nghĩ rằng làm lãnh đạo là sung sướng. Tôi nói ra đây không phải là than thở mà là chia sẻ và cần lắm sự cộng đồng trách nhiệm, cảm thông và chung tay xây dựng đơn vị của toàn thể CBCNV. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, ai mà không lo. Nhưng một khi bên ngoài lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn thì họ có quyền rời bỏ nơi này để tìm một nơi khác tốt hơn”.
Bộc bạch thẳng thắn vậy, nhưng vị thủ trưởng này cũng muốn nhắn nhủ với những người còn đang ở lại rằng: Ngành cao su trước đến nay vốn là một ngành rất nghĩa tình, giá trị truyền thống được đúc kết qua bao giai đoạn, bao thế hệ, đã có những lúc ngành còn gặp nhiều khó khăn hơn lúc này, lương không có mà trả nhưng rồi ngành chúng ta vượt qua hết. Vậy nên, ai còn gắn bó, ai còn nặng nghĩa tình hãy cùng chúng tôi chung sức đồng lòng vượt khó”.
Nghe những lời gan ruột này, hội trường hầu như là CBCNVC – LĐ trẻ lặng đi, bởi họ hiểu được làm việc ở môi trường có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, được cơ quan tạo điều kiện cho học tập nâng cao trình độ, con cái ốm đau, ma tang hiếu hỉ đều được lãnh đạo cấp trên quan tâm thăm hỏi.
Tiếp đến, ông băn khoăn: “Ngành cao su gặp khó khăn, chúng tôi hiểu và chia sẻ với người lao động khi thu nhập giảm đi trong khi nhiều thứ cần phải chi trong gia đình. Người đứng đầu mỗi doanh nghiệp không bàng quan như định kiến một số người vẫn nghĩ mà là chúng tôi vẫn luôn trăn trở làm thế nào để giữ mức lương cho người lao động. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã đề ra tiêu chí từ đầu “giảm gì thì giảm tuyệt đối không giảm lương của người lao động”, cho thấy sự quan tâm đối với NLĐ là yếu tố quan trọng nhất của mỗi đơn vị”.
Kết thúc buổi đối thoại, người thủ trưởng này nhắn nhủ: “Chúng ta có điều kiện tốt hơn các thế hệ trước gấp nhiều lần nên phải làm sao để xứng đáng. Xứng đáng trước tiên đó là làm tốt công việc chuyên môn của mình, đừng để một văn bản phải bị trả lên trả xuống nhiều lần do làm không đúng kết cấu, không đúng yêu cầu, cũng đừng để sai những lỗi căn bản nhất, sơ đẳng nhất trong công việc. Thêm vào đó, luôn ý thức trân trọng công việc và tích cực nâng cao trình độ”.
Minh Nhiên
Related posts:
- Vươn tới mục tiêu "Tập đoàn mạnh, công nhân giàu"
- Với dân vẹn tròn chữ Hiếu
- Mãi mãi tỏa sáng truyền thống “Phú Riềng đỏ”
- Thi đua nước rút - Nhiều ý nghĩa từ một phong trào
- Nông nghiệp 4.0 trước bẫy '4 không'
- Nữ công nhân cao su ưu tú giúp chị em phát triển kinh tế gia đình
- Danh hiệu ý nghĩa của người lao động
- Các công ty cao su khu vực Campuchia đang trong đà tăng trưởng
- Giải pháp tiêu thụ ngành gỗ năm 2024: Những dấu hiệu lạc quan
- Phát huy truyền thống - nhân rộng niềm vui, lan tỏa thành tựu!