Cao su Phước Hòa: Chuyển đổi mạnh mẽ để phát triển bền vững

CSVN – Trải qua 41 năm xây dựng và phát triển (1982 – 2023), Công ty CPCS Phước Hòa đã đẩy mạnh dịch chuyển mang tính chiến lược sang nhiều lĩnh vực, trên cơ sở phát huy những giá trị cốt lõi mà công ty hiện có. Qua đó, nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho đơn vị, góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành cao su Việt Nam.

Lãnh đạo Cao su Phước Hòa thăm hỏi, động viên NLĐ tại nhà tổ trong giờ nghỉ giải lao, ăn giữa ca
Lợi nhuận đứng top cao trong toàn VRG

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào SXKD, linh động trong công tác điều hành, quản lý, bố trí lao động và chế độ cạo hợp lý, Cao su Phước Hòa đã đạt nhiều thành quả với các chỉ tiêu hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, công ty vinh dự nằm trong top 50 công ty niêm yết kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam giai đoạn 2011 – 2022.

Năm 2022, công ty có lợi nhuận đứng top cao trong toàn ngành, lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng. Công ty còn là điểm sáng trong công tác thu mua cao su tiểu điền của VRG, có 12 năm liền sản lượng thu mua trên 10.000 tấn. Mặc dù năm 2023 giá cao su giảm thấp liên tục, để thực hiện được chỉ tiêu đề ra, đồng thời hỗ trợ bà con tiểu điền, đến nay công ty đã linh hoạt điều chỉnh giá thu mua 17 lần theo tình hình thực tế, góp phần bình ổn giá mua mủ cao su trên khu vực.

9 tháng đầu năm 2023, công ty khai thác được 6.949 tấn (đạt hơn 62% KH); chế biến 10.861 tấn (đạt 51,3% KH); tiêu thụ trên 19.466 tấn (đạt 57% KH); giá bán bình quân gần 34 triệu đồng/tấn; doanh thu mủ thành phẩm 647,2 tỷ đồng. Tiền lương bình quân NLĐ 7,7 triệu đồng/ người/tháng; công ty đã chi tiền ăn giữa ca 9,67 tỷ đồng; bồi dưỡng bằng hiện vật 3,65 tỷ đồng… Toàn thể NLĐ công ty đang sôi nổi thi đua nước rút phấn đấu sản lượng khai thác 3 tháng cuối năm ít nhất 4.811 tấn (đạt 42,9% KH).

6.010 ha quy hoạch khu/cụm công nghiệp

Cao su Phước Hòa hiện quản lý 15.687 ha đất, trong đó diện tích cao su là 15.084 ha, khoảng 600 ha là diện tích khác trải rộng trên 5 huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương. Hiện nay, công ty góp 80% (trên tổng số 100 tỷ đồng vốn điều lệ) vào Công ty CP KCN Tân Bình với diện tích thương phẩm hơn 240 ha. Công ty cũng nắm giữ hơn 32,85% (trên tổng số 160 tỷ đồng vốn điều lệ) của Công ty CP KCN Nam Tân Uyên với diện tích hơn 330 ha và mở rộng giai đoạn II gần 345 ha.

Nhìn chung, công ty góp vốn vào công ty con hay công ty liên kết trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN đều rất hiệu quả. Công ty đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030 với tổng diện tích 10.702 ha và kế hoạch này đã được lãnh đạo địa phương thống nhất thông qua. Theo đó, 4.992 ha sẽ quy hoạch KCN, 1.018 ha quy hoạch cụm công nghiệp (8 cụm công nghiệp ở huyện Phú Giáo, 4 cụm công nghiệp ở huyện Bắc Tân Uyên và 2 cụm công nghiệp ở huyện Bàu Bàng), 1.300 ha quy hoạch khu dân cư, 1.400 ha quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao và 1.300 ha đất khác. Các vùng đất chuyển đổi đều là đất xấu bạc màu, hiệu quả trồng cây cao su không cao. Công ty có nhiều lợi thế trong việc chuyển đổi đất cao su sang phát triển KCN, vì vậy hiệu quả cũng cao hơn.

THIÊN HƯƠNG