Vẫn trọn tình yêu với cây cao su

CSVN Xuân – Giá mủ cao su xuống thấp trong thời gian dài, trong khi giá hạt tiêu ở mức cao, nhiều nông dân không còn kiên nhẫn với cây cao su, đốn bỏ cả những vườn chưa đến tuổi khai thác để trồng tiêu. Dù vậy, anh Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch UBND xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) vẫn thủy chung và đặt niềm tin vào cây cao su.
Anh Nguyễn Thành Trung bên vườn cao su
Anh Nguyễn Thành Trung bên vườn cao su

Anh Nguyễn Thành Trung sinh năm 1979, quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Học xong THPT, do điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, anh đành gác mộng thi vào các trường đại học, cao đẳng như chúng bạn cùng trang lứa mà khăn gói vào Tây Nguyên lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Năm 1996, anh đến làm việc tại một xưởng mộc ở xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Qua thời gian làm việc miệt mài, chăm chỉ và biết tích góp nên anh đã dành dụm được một khoản tiền mua được 8 sào đất để trồng cao su.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh tập trung đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây cao su hiện có. Tiền thu được hằng năm vợ chồng anh gom lại, đến năm 2000, khi có nguồn vốn trong tay anh tiếp tục đầu tư mua thêm 15 ha cao su. Năm 2004, anh liên kết với công ty lâm nghiệp trồng thêm 10 ha cao su trên diện tích đất rừng trống. Cũng từ những năm đó trở lại đây, với sự chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất, học tập thêm nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực chăm sóc vườn cao su tiểu điền của gia đình, nên vườn cây phát triển ổn định, sản lượng mủ thu được hằng năm luôn có chiều hướng tăng lên.

Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình hiện nay ngày càng khá giả, nhưng anh biết quý trọng giá trị đồng tiền do mình lao động, sản xuất bằng mồ hôi và công sức lao động nên trong chi tiêu gia đình hết sức tằn tiện. Bởi theo anh, “tiền có bao nhiêu tiêu xài phung phí mà chẳng hết” nên vợ chồng anh tiếp tục nhân giống tài khoản của mình ngày một tăng. Đến năm 2012, 2013 trong khi nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền bán vườn cây cao su, chặt cao su để trồng tiêu, anh bàn với vợ tranh thủ lúc giá thành cao su giảm, đây là thời điểm thích hợp để mở rộng diện tích cao su. Nói là làm, anh cùng với vợ gom vốn và mượn của anh em, bạn bè và ngân hàng mua thêm 10 ha cao su để trồng và chăm sóc.

Khi được hỏi, vì sao trong lúc nhiều hộ gia đình đua nhau chặt cao su tiểu điền để trồng tiêu, vợ chồng anh lại mua và mở rộng diện tích cao su? Anh cười vô tư cho biết: “Trong lúc giá thành cao su ở mức cao, điều kiện kinh tế của gia đình không có khả năng mở rộng diện tích lớn. Nhưng hiện nay, giá thành hạ, nên việc đầu tư vào mở rộng diện tích cao su là hợp lý. Đơn cử như năm 2009 cứ 1 cây cao su giống có giá 30 ngàn đồng, nhưng hiện nay chỉ có 12 ngàn đồng/1cây. Dù hiện nay giá mủ cao su xuống thấp, nhưng anh có niềm tin trong thời gian không lâu nữa giá cao su sẽ dần tăng trở lại.

“Chính quyền địa phương có chủ trương quy hoạch, phát triển cây cao su và khuyến cáo bà con nhân dân không nên chặt hạ cây cao su để trồng tiêu. Là Chủ tịch UBND xã, muốn nói cho người dân nghe trước tiên mình phải làm đã chứ. Vì vậy mình không chặt hạ diện tích hiện có mà còn mở rộng diện tích cao su là nh ư vậy”. Hiện nay, gia đình anh đang sở hữu 35 ha cao su, trong đó có 15 ha cao su đang khai thác. Với giá thành như hiện nay, mỗi năm trừ các khoản chi phí, vườn cao su của gia đình anh Nguyễn Thành Trung còn cho lợi nhuận bình quân khoảng 500 triệu đồng.

Trường Ngữ