Cao su Dầu Tiếng: Nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh ổn định cuộc sống

CSVN – Qua 2 năm Cao su Dầu Tiếng triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong tuyển thu lao động và thực hiện tốt các các chính sách đãi ngộ hợp lý, hỗ trợ các điều kiện thiết yếu để lao động ngoại tỉnh ổn định cuộc sống, tuy nhiên vẫn không đủ để giữ chân NLĐ. Vì vậy, công ty kiến nghị Tập đoàn cần có chủ trương bao phủ toàn ngành về tuyển thu và ổn định lao động.

Lãnh đạo Cao su Dầu Tiếng khảo sát khu nhà ở công nhân đồng bào dân tộc thiểu số của công ty
Thực hiện tốt thu tuyển lao động ngoại tỉnh

Ông Nguyễn Đức Hiền – TGĐ Cao su Dầu Tiếng, cho biết, công ty đang thiếu hụt lao động cạo mủ. Đến hết tháng 3, công ty đang thiếu 421 lao động, tương đương 16% nhu cầu cạo mủ năm 2024. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản lượng, công ty phải tuyển thu trên 550 lao động cạo mủ mới đám ứng nhu cầu thực tế.

Từ năm 2022, công ty bắt đầu thiếu hụt lao động khai thác và đây cũng là năm đầu tiên công ty thành lập Tổ tuyển thu lao động. Công ty đã đẩy mạnh công tác tuyển thu tại các tỉnh Nghệ An, Hà Giang. Đặc biệt, tại tỉnh Hà Giang, công ty trực tiếp tuyển thu tại “Hội chợ việc làm” ở 5 huyện vùng cao: Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh. Công ty cũng đã đưa 1 cán bộ của Công ty CPCS Hà Giang vào Tổ tuyển thu lao động và đặt trụ sở tuyển thu lao động công ty tại đây với mức chi phí hỗ trợ 3.500.000 đồng/ tháng, khi tuyển thu được 1 lao động công ty sẽ hỗ trợ thêm 500.000 đồng/lao động.

Sau khi thu tuyển, công ty rất quan tâm đến việc đào tạo tay nghề cho NLĐ, đặc biệt đối với lao động ngoại tỉnh là người đồng bào. Đối với NLĐ chưa biết kỹ thuật cạo mủ, công ty tổ chức đào tạo miễn phí, trong quá trình đào tạo được hỗ trợ tiền ăn trưa và chi phí đi lại bằng tiền mặt với giá trị 50.000 đồng/ngày, thời gian đào tạo trong 15 ngày. Tổng chi phí hỗ trợ 750.000 đồng/người.

Ngoài ra, đối với lao động ngoại tỉnh đến làm việc, công ty đầu tư xây dựng mới nhà ở cho công nhân hoặc tận dụng các công trình công cộng chưa có nhu cầu sử dụng để bố trí làm nơi ở cho CNLĐ, với tổng giá trị đã thực hiện 966 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 200.000 đồng/người/ tháng, hỗ trợ tiền đi và về quê vào dịp cuối năm từ 900.000 – 4.150.000 đồng/người. Công đoàn công ty thăm hỏi tặng quà (đường, gạo, nước mắm…) với trị giá 350.000 đồng/suất. Thực hiện linh động việc tạm ứng tiền lương trong thời gian đầu vào làm việc (khoảng 15 ngày công).

Cần có chủ trương bao phủ toàn ngành về tuyển thu lao động

Qua việc tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp, ưu tiên giải quyết chế độ chính sách, tuy nhiên vẫn không đủ để giữ chân NLĐ. Tiền lương thu nhập trong ngành khai thác và chế biến cao su không ổn định giữa các tháng trong năm, nhất là việc trả lương theo sản phẩm, sản lượng; yêu cầu của việc khai thác mủ phải là lao động có tay nghề, phải thực hiện đúng nội quy lao động, có xếp hạng kỹ thuật tay nghề cạo mủ là một cơ sở để thanh toán lương hàng tháng. Việc này dẫn đến sau khi được tuyển dụng, trực tiếp làm việc thì NLĐ tự ý bỏ việc do vi phạm, chưa có tay nghề cao dẫn đến sản lượng giao thấp, lương thấp, chưa có thói quen theo kỷ cương, kỷ luật trong lao động…

Bên cạnh đó, cạnh tranh về lao động của các khu, cụm công nghiệp tại địa phương và vùng lân cận về môi trường, thời gian làm việc, về tiền lương và các chế độ khác… nên việc dịch chuyển lao động từ ngành cao su sang ngành nghề khác diễn ra thường xuyên.

Chính vì vậy, công ty kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo tổ chức thực hiện việc tuyển lao động ngoại tỉnh đối với các đơn vị thành viên thông qua việc thống nhất chủ trương, kết nối các đơn vị và các địa phương có nguồn lao động để thực hiện việc tuyển thu lao động cạo mủ cao su; không thực hiện nhỏ lẻ, riêng biệt sẽ dẫn đến không đạt kết quả như mong muốn về việc này.

BÍCH NHƯ