Gỗ MDF VRG Kiên Giang vượt khó về đích sớm 30 ngày

CSVN – Sản lượng sản xuất gỗ của Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang tính đến ngày 28/11 đã đạt hơn 110.000 m3 gỗ ván các loại, về trước kế hoạch (KH) hơn 30 ngày. Đây là kết quả của sự nỗ lực, vượt khó, vươn lên trước thực trạng ngành gỗ trong nước đang gặp rất nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Ngọc Mùi – Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam trao thưởng thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch ở Gỗ MDF VRG Kiên Giang, ngày 6/12
Sản xuất trong điều kiện khó khăn bủa vây

Trước tình hình lạm phát và khủng hoảng biến động khó lường đã tác động nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ. Tình hình chiến sự tại Châu Âu tiếp tục leo thang khiến cho thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm trong năm 2023. Hiện tại đơn hàng xuất khẩu còn hạn chế, nhiều nhà máy sản xuất gỗ nguyên liệu phải tạm dừng sản xuất để giảm lỗ. Một số khác còn hoạt động cũng rất khó khăn do lãi suất cho vay tăng, tiền khách hàng trả chậm không đủ dòng tiền để hoạt động.

Mặt khác, giá hàng tiêu chuẩn Carb tại các công ty như Dongwha, Kim Tín bán rất thấp, chênh lệch từ 10-15% so với giá của MDF Kiên Giang nên công ty khó cạnh tranh được dòng hàng này. Giá hàng nhập khẩu từ Thái Lan và các nước khác tiếp tục giảm cạnh tranh với hàng trong nước. Dự kiến giá bán trung bình duy trì ở mức 5,4 triệu đồng/m3 do các khách hàng truyền thống giảm sản lượng, hoặc chuyển sang dòng ván giá rẻ hơn.

Nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào của công ty gặp khó do các thương lái trong khu vực thu mua cây tràm, bạch đàn và một số loại cây khác làm chất đốt, băm dăm, làm viên nén… Bên cạnh đó, gần đây một số công ty ở miền Đông đã về thu mua nguyên liệu từ chính các nhà cung cấp truyền thống của công ty với số lượng lớn, khiến cạnh tranh về lượng và giá ngày càng gắt gao…

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả trong sản xuất

Xác định giá bán cạnh tranh và chất lượng sản phẩm là mục tiêu chính trong giai đoạn khó khăn hiện nay, lãnh đạo, ban điều hành MDF Kiên Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tiến hành rà soát trong quản lý thiết bị, thông qua việc phân nhiệm quản lý chuyên biệt mảng kiểm soát thiết bị với mảng sản lượng, chất lượng sản phẩm, kiểm soát thời gian vận hành tăng đến mức tối đa.

Duy trì việc áp dụng các công thức phối trộn nguyên liệu phù hợp cho từ loại ván để đáp ứng tình hình thiếu gỗ, không để bị động trong kiểm soát chất lượng kết hợp kiểm soát keo. Nhà máy tiếp tục thử nghiệm dòng ván giá rẻ, chạy đơn hàng ván đặc thù ít sản xuất nhằm tăng đơn hàng trong tình hình nhu cầu thị trường đi xuống, đa dạng hơn về sản phẩm giá thấp. Tận dụng tối đa thời gian thị trường thấp điểm để tổ chức sửa chữa, cân chỉnh thiết bị, nâng cao hiệu quả vận hành, tăng sản lượng lúc thị trường khởi sắc lại. Xây dựng thêm tài liệu hướng dẫn trong công tác sản xuất, giúp kiểm soát chất lượng đầu ra. Triển khai áp dụng các cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các phần mềm quản lý thiết bị, quản lý bảo trì tránh thất thoát, sai sót về mặt kỹ thuật. Bám sát tình hình thị trường, giá bán của các công ty cùng ngành khác để điều chỉnh mức giá phù hợp. Duy trì sản xuất các đơn hàng từ khó đến dễ, đơn hàng giá rẻ được ưu tiên, đảm bảo sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, tránh tình trạng tồn kho. Phát triển thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác marketing quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu công ty uy tín, chất lượng.

Với nhiều giải pháp vượt khó, dự kiến hết năm 2023, sản lượng của công ty trên 119.000 m3 gỗ ván ép các loại. Doanh thu trên 762 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 23 tỷ đồng (vượt 23% KH), nộp ngân sách đạt 100% KH. Đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ.

PHONG VŨ