Chặng đường 91 năm báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam

CSVN – Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống của công nhân cao su, cũng là kỷ niệm 91 năm báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam. Đọc lại lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam, một phát hiện đầy thú vị và tự hào về các giá trị lịch sử đó.

Phút giải lao. Ảnh: Bùi Thái Dũng

Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên – Cơ quan của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên, mở đầu trang sử truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Từ phong trào đấu tranh của công nhân cao su dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam được hình thành và phát triển sau sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đêm 28/10/1929.

Giải Thoát – tờ báo cách mạng đầu tiên của công nhân cao su

Trong Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam ghi rõ: “Để làm tốt công tác vận động và giáo dục cách mạng trong công nhân đồn điền, nghiệp đoàn bí mật ra tờ báo lấy tên là Giải Thoát. Tờ Giải Thoát xuất bản hàng tháng với số lượng vài trăm tờ, bí mật lưu hành trong công nhân, bài vở do các đảng viên trong chi bộ và các thành viên trong Ban chấp hành nghiệp đoàn Việt.

Nội dung tờ báo thường xuyên có các mục nhỏ: sinh hoạt công nhân (trong đó chú trọng phê phán các hiện tượng sinh hoạt tiêu cực như mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, đánh lộn, cướp vợ của nhau…), hoạt động Công đoàn, thời sự chính trị quốc tế (thường là trích đăng bài của báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp, báo Búa Liềm của Đông Dương Cộng sản Đảng).

Tờ Giải Thoát đã được đồng chí Ngô Gia Tự thường xuyên theo dõi và đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Với tờ báo này, chi bộ đồn điền Phú Riềng đã có thêm điều kiện để làm tốt công tác vận động công nhân tiến hành đấu tranh cách mạng. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của công nhân cao su và cũng là tờ báo đầu tiên của phong trào cách mạng ở miền Đông Nam bộ”.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, phong trào đấu tranh của công nhân cao su phát triển mạnh mẽ có đường hướng cụ thể chống áp bức bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ, đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Tất cả các sự kiện lịch sử của phong trào công nhân cao su giai đoạn này được phản ánh trên tờ báo “Dân Chúng”, “Cờ Đỏ”, “Bạn Dân”, “Lao Động” kéo dài từ cao trào 1930 -1931 đến mặt trận dân chủ 1930 -1939 và đỉnh cao giành độc lập dân tộc 1945.

Giai đoạn công nhân cao su xây dựng cuộc sống mới và tham gia kháng chiến (1945 – 1947), sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Tỉnh ủy các tỉnh chỉ đạo các đồn điền cao su thành lập ban quản trị công nhân. Tổng Công đoàn Nam bộ ra đời hoạt động công khai và xuất bản tờ báo Công đoàn, sau đó đổi thành tờ Cảm Tử. Tờ Cảm Tử phản ánh những thành quả đạt được sau Cách mạng tháng Tám, đưa tin về bước chân xâm lược của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta, hướng dẫn đồng bào và công nhân khắp nơi tích cực chuẩn bị kháng chiến và trực tiếp tham gia kháng chiến. Nhiều đồn điền cao su đã dựa vào báo Cảm Tử để hành động chuẩn bị kháng chiến.

Năm 1946, thực hiện chỉ thị của Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam bộ, các đồn điền cao su đều thành lập Liên đoàn cao su trực thuộc Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh. “Tháng 9/1946 Liên đoàn cao su tỉnh Biên Hòa được thành lập với 4.000 hội viên. Liên đoàn xuất bản tờ Sinh Lực, phát hành xuống tận phân sở, làng công nhân.

Nội dung tờ Sinh Lực phong phú, tuyên truyền lòng yêu nước, ý thức giai cấp, hướng dẫn công nhân phối hợp đấu tranh trên địa bàn toàn tỉnh. Liên đoàn còn tổ chức một trung đội dân quân cao su, võ trang bằng dao găm, lựu đạn, súng trường làm nhiệm vụ phá hoại cao su của Pháp là chính.

Tại Tây Ninh, Liên đoàn cao su tỉnh thành lập ngày 20/12/1946 với 2.533 hội viên, trên cơ sở phát triển 2 tổ chức Công đoàn cơ sở đầu tiên ở Cầu Khởi, Bình Linh và Bến Củi. Liên đoàn xuất bản tờ báo Cao Su. Tờ Cao Su in bằng bột xu xoa, nhiều trang nội dung phong phú được nhân dân địa phương hoan nghênh tìm đọc. Ngày 30/12/1946, Liên đoàn Cao su Thủ Dầu Một thành lập, số hội viên ban đầu gồm 1.635 người, trong tổng số 12.000 công nhân toàn tỉnh. Tờ báo của Liên đoàn mang tên Cần Lao.

Đến giai đoạn 1948 – 1949, phong trào công nhân cao su phát triển mạnh với mục tiêu “Phá hoại sản xuất cao su của địch, góp phần xây dựng nền kinh  tế kháng chiến”. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị xứ ủy củng cố tổ chức Công đoàn – thành lập Liên đoàn Cao su Nam bộ. Ngày 18/9/1949, Đại hội đại biểu Liên đoàn Cao su Nam bộ khai mạc. Liên đoàn Cao su Nam bộ chủ trương xuất bản tờ báo cao su. Thành tích đạt được của công nhân cao su Nam bộ và Liên đoàn Cao su Nam bộ được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba. Giai đoạn 1950-1954, phong trào công nhân cao su tiếp tục giữ vững và phát triển trên các mặt, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Báo chí cách mạng Cao su Việt Nam phản ánh cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất

Như vậy có thể nói rằng: Từ tờ báo Giải Thoát năm 1929 đến các tờ báo khác lần lượt ra đời. Cho đến năm 1949, Báo chí cách mạng Cao su Việt Nam đã đồng hành cùng với phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của công nhân cao su. Đây là phương tiện tuyên truyền, kêu gọi, vận động quần chúng công nhân của các tổ chức Công đoàn buổi sơ khai ban đầu đến các bước trưởng thành về tư tưởng và tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Báo chí phản ánh sinh động cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất anh hùng của công nhân cao su. Truyền thống đó tiếp tục được phát huy rực rỡ trong cuộc chiến đấu mới, đấu tranh thống nhất nước nhà và cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ giải phóng miền Nam (giai đoạn 1954-1975) thống nhất Tổ quốc mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Để có được Đại thắng Mùa Xuân 1975, công nhân cao su Việt Nam nhiều thế hệ đã ngã xuống cùng với dân tộc, viết nên bản anh hùng ca độc lập tự do.

Máu xương của họ đã thấm đẫm đất nồng, cho rừng cao su xanh bạt ngàn, dòng nhựa trắng căng đầy như dòng suối mẹ hiền đất Việt. Lý giải cho một giai đoạn lịch sử dài chúng ta không thấy phản ánh trong lịch sử phong trào công nhân cao su (1954-1975) về sự phát triển của báo chí cao su Việt Nam giai đoạn này.

Đó là: Đảng đã lớn mạnh đủ sức mạnh lãnh đạo, chỉ đạo trên nhiều phương diện chính trị, quân sự, dân vận. Tổ chức Công đoàn được củng cố sâu rộng trong quần chúng công nhân, công tác dân vận phải phù hợp hơn trong điều kiện kháng chiến ác liệt. Phương tiện báo chí trong giai đoạn này khó tồn tại và phát triển. Tuy vậy Đảng lãnh đạo Công đoàn hoạt động mạnh mẽ, công nhân hưởng ứng và tham gia đã làm nên bao chiến công hiển hách đóng góp to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thắng lợi của nhân dân ta.

Từ đây, cuộc đời của công nhân cao su Việt Nam vĩnh viễn chấm dứt những năm tháng dài của kiếp “công tra” bán cả đời mình cho những tên chủ tư sản đồn điền gian ác, họ đã đứng lên cầm súng giải phóng quê hương đất nước và trở thành những người chủ thật sự của những cánh rừng cao su bạt ngàn. Với địa vị mới và với niềm phấn khởi dạt dào của người chiến thắng, công nhân cao su tích cực ra sức khôi phục lại sản xuất, cùng với rừng cao su tạo ra dòng vàng trắng làm giàu cho Tổ quốc.

Công nhân cao su đọc tờ tin Công đoàn Cao su VN trong giờ họp tổ.
Tạp chí CSVN và Bản tin CĐ thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới

Đứng trước giai đoạn lịch sử mới, nhiệm vụ chính trị mới “phải có một tờ báo dành cho giai cấp công nhân cao su…”. Ngày 4/10/1982 tờ báo “Cao su Việt Nam” (nay là Tạp chí Cao su Việt Nam) chính thức ra mắt bạn đọc. 38 năm qua, trải bao thăng trầm vượt lên chính mình, vượt bao khó khăn của sự thay đổi cơ chế, Tạp chí Cao su là cơ quan ngôn luận của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Tiếng nói của công nhân lao động ngành cao su.

Từ những năm đầu, 5.000 bản/kỳ, tăng lên 30.000 bản/ kỳ và thời điểm hiện nay là 18.000 bản/kỳ. Suốt chặng đường 38 năm đầy thử thách, Tạp chí Cao su luôn là cơ quan truyền thông chính thống của Tập đoàn, thực hiện nhiệm vụ chính trị đúng tôn chỉ, phản ánh đa dạng, sâu sắc nhịp sống sôi động của ngành cao su trong suốt chặng đường Đất – Người – Rừng cao su chung sức, chung lòng dày công để tồn tại và phát triển và khẳng định “Cao su – Dòng chảy cuộc sống”.

Từ miền Đông Nam bộ đến Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, miền núi phía Bắc và nước bạn Lào, Campuchia, ở đâu cũng in dấu chân phóng viên tác nghiệp và những bài viết thấm đẫm tình đất, tình người cao su. Tính cách mạng của Tạp chí được khẳng định: Chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn, thông tin các sự kiện trong, ngoài nước, trong và ngoài ngành, thông tin cầu nối giữa lãnh đạo ngành với công nhân cao su và ngược lại.

Nghị quyết Đại hội VII Công đoàn CSVN nhiệm kỳ 2013 – 2018  khẳng  định  trong  nhiệm kỳ phấn đấu ra mắt tờ tin “Công nhân Cao su Việt Nam”. Bằng mọi sự cố gắng, ngày 26/3/2014 bản tin “Công đoàn Cao su Việt Nam” chính thức ra mắt bạn đọc, đáp ứng được tình hình phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn sôi động và hiệu quả. Với tôn chỉ mục đích “Đồng hành cùng người lao động”. Hơn 3.500 bản 1 tháng/kỳ, 69 số đã phát hành miễn phí đến tổ Công đoàn. Người lao động được thêm một món ăn tinh thần mới (Mặc dù đã có 4 trang tin Công đoàn trên Tạp chí CSVN).

Hơn 6 năm đi qua với Ban biên tập kiêm nhiệm, không có phóng viên chỉ có cộng tác viên, kinh phí hoạt động trích từ kinh phí Công đoàn cao su dành cho công tác tuyên truyền. Mỗi số 50 trang, khổ bằng tờ giấy A4, chủ yếu là tin tức, hình ảnh công nhân lao động, hoạt động Công đoàn, các bài viết về lý luận, nghiệp vụ, định hướng hoạt động Công đoàn, phong trào công nhân từng thời điểm thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát động thi đua, người tốt việc tốt, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, và 1 số chuyên trang khác…

Tờ tin Công đoàn được bạn đọc đón nhận, lãnh đạo tin tưởng và đánh giá cao. Thông qua tờ   tin có thêm 1 phương tiện truyền thông hiệu quả để thực hiện 3 chức năng của tổ chức Công đoàn hiện nay sát thực hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đồng thời chỉ đạo phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong toàn ngành phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong điều kiện ngành cao su gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.

Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống của công nhân cao su, cũng là kỷ niệm 91 năm báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam. Đọc lại lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam, một phát hiện đầy thú vị và tự hào về các giá trị lịch sử đó. Xin tưởng nhớ và tri ân những thế hệ cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và của ngành cao su nói riêng.

Thế hệ những người làm báo của Tạp chí CSVN và tờ tin Công đoàn CSVN hôm nay tự hào với truyền thống và luôn tâm nguyện thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ báo chí cũng là cán bộ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

LINH ĐAN