Phối trộn mủ dây để sản xuất mủ SVR10

CSVN – Anh Chu Văn Công, Tổ trưởng phân xưởng SVR 10 – Xí nghiệp chế biến Cao su K’dang của Cao su Mang Yang đã có ý tưởng phối trộn mủ dây với mủ đông tạp để sản xuất ra mủ SVR 10, làm lợi hàng trăm triệu đồng cho công ty mỗi năm.

Anh Chu Văn Công kiểm tra những tờ mủ đang cán ủ sau khi phối trộn
Một ý tưởng hay

Mủ dây là loại mủ được công nhân khai thác tận thu khi tiến hành khai thác lát cạo mới, đây là loại mủ chỉ có thể sản xuất ra sản phẩm ngoại lệ do các chỉ số Po, chỉ số duy trì độ dẻo PRI không đạt theo quy định kỹ thuật cao su thiên nhiên TCCS 112:2017 của VRG. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất anh Công đã nảy ra ý tưởng phối trộn loại mủ này với mủ đông tạp để sản xuất ra sản phẩm mang tên SVR10 đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Anh Đặng Đình Trương – Phó Giám đốc xí nghiệp cho biết: “Khi anh Công trình bày ý tưởng, chúng tôi thật sự bất ngờ, ngay cả anh em của phòng kiểm phẩm (KCS) cũng không thể tin có thể thực hiện được việc này”.

Anh Công cho hay: “Nhận thấy mủ dây có thể phối trộn cùng mủ đông tạp để chế biến ra mủ SVR 10 nên tôi đã đề xuất lãnh đạo cho phối trộn mủ dây cùng với mủ đông tạp với tỷ lệ 8 – 10%/1 tấn mủ đông tạp. Sau khi phối trộn theo tỷ lệ thì mủ được mang đi cán qua thứ tự các máy 12 dao, 16 dao, máy băm búa và được trộn đều qua 3 hồ quậy và qua 3 máy cán. Tiếp theo mủ được mang đi ủ thời gian từ 18 – 20 ngày để nguyên liệu mủ dây và mủ đông tạp được đồng đều nhau, thuận tiện cho quá trình xông sấy không bị chảy nhão và đạt các chỉ tiêu theo quy định. Sau khi ủ đủ thời gian, nguyên liệu được đưa vào cán chính để ra thành phẩm mủ SVR10 đạt chất lượng theo tiêu chuẩn 112 của VRG”.

Làm lợi trên 288 triệu đồng trong năm 2021

Để chứng minh tính hiệu quả, anh Công dẫn chứng: “Mùa vụ năm 2021 bắt đầu từ tháng 5. Tổng sản lượng mủ nguyên liệu đông tạp dây đến tháng 11/2021 là khoảng 1.000 tấn, trong đó mủ dây là 48 tấn (chiếm 4,8%). Như vậy có thể thấy % sản lượng mủ dây so với mủ đông tạp tương đối nhiều. Từ đó tôi đã nghĩ ra phương pháp cán kết hợp giữa mủ dây và mủ đông tạp để mang lại hiệu quả kinh tế mà vẫn đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của VRG”.

Theo cách tính của anh Công, dựa trên số liệu của công ty cho thì trong 1.000 tấn mủ pha trộn có 48 tấn là mủ dây (loại mủ sản xuất ra sản phẩm ngoại lệ) nhân với giá 30 triệu đồng/tấn sẽ được 1 tỷ 440 triệu đồng. Còn 952 tấn mủ SVR có giá 36 triệu đồng/tấn sẽ được 34 tỷ 272 triệu đồng, tổng cộng khi chưa phối trộn sẽ có giá 35 tỷ 721 triệu đồng cho 1.000 tấn gồm 952 tấn mủ SVR10 và 48 tấn mủ dây.

Còn sau khi phối trộn thì 1.000 tấn mủ SVR10 với giá bán 36 triệu đồng/tấn sẽ có tổng số tiền là 36 tỷ đồng. Như vậy, sau khi phối trộn với tỷ lệ 8 – 10% mủ dây/1 tấn mủ đông tạp sẽ làm lợi được 288 triệu đồng. Với sáng kiến này, anh Công là 1 trong số 40 gương thanh niên tiêu biểu toàn tỉnh được Tỉnh đoàn Gia Lai tuyên dương và tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào tuổi trẻ sáng tạo được tổ chức tại Cao su Mang Yang vào ngày 29/5 vừa qua.

Không những thế, anh Công còn vinh dự là 1 trong 7 CB.CNVC tiêu biểu của Cao su Mang Yang được Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tổ chức tuyên dương cùng 120 gương CB.CNVC toàn tỉnh vào ngày 31/5/2022 tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai.

MINH HẠNH