CSVN – Thu nhập từ trồng xen canh cây bắp trên đất cao su mang về lợi nhuận trên 60 triệu đồng, góp phần tăng thêm nguồn động lực vượt khó để hoàn thành công việc chăm sóc và bảo vệ vườn cây. Đó là trường hợp của gia đình anh Ngô Kim Chủy (sinh năm 1963), nhân viên bảo vệ Đội 4 và vợ là chị Võ Thị Hằng CN chăm sóc Đội 4 (NT Xà Bang, Công ty CPCS Bà Rịa).
Tôi đến nhà vợ chồng anh Chủy tại ấp Công Thành, xã Quảng Thành được chị Hằng (vợ anh) dẫn đường đi thêm chừng 2 cây số nữa thì lên tới nhà Đội nơi anh Chủy trực chốt. Gửi xe ở nhà Đội có chị Hằng vợ anh trực thay, anh Chủy chở tôi đi về hướng xã Bình Giã (cùng huyện).
Xe chạy trên con đường nội đồng có trải đá puzolane, hai bên là vườn cao su non kiến thiết cơ bản chạy dài thẳng tắp, đoạn đường xe chạy ra tới vườn bắp xen canh mất 15 phút (khoảng 7 cây số). Khi xe dừng lại, trước mặt tôi là một màu xanh tít tắp trông thật đẹp mắt. Tôi lấy máy ảnh ra bấm máy liên tục về phía cánh đồng xanh của cây bắp trồng xen canh trong vườn cao su mà gia đình anh cùng nhiều công nhân lao động khác đang cố gắng nỗ lực vượt khó, cải thiện cuộc sống cho gia đình mình.
Đợi tôi bấm máy xong, anh Chủy phấn khởi khoe: “Thấy đất đồi dốc và có nhiều đá lởm chởm, chưa có ai làm cho nên tôi mạnh dạn xin lãnh đạo trồng xen canh cây bắp. Chẳng những được sự đồng ý, mà lãnh đạo còn khuyến khích tôi trồng xen canh nữa chứ. Có thêm động lực, là có thêm ý chí, sức mạnh và lòng tự tin hơn. Về nhà tôi bàn với vợ, vợ tôi hưởng ứng luôn.
Thế là vợ chồng lâu nay làm công nhân tích lũy cũng được số vốn đem ra đầu tư thuê xe cày cuốc, giống, phân bón và công chăm sóc trên diện tích là 8 ha. Qua 2 vụ thu hoạch được 190 tấn bắp (tính cả thân cây và trái). Với giá bán hiện tại là 750đ/kg ước tính thu về được khoảng 143 triệu đồng, tính trừ đi chi phí khoảng 80 triệu vốn đầu tư ban đầu cũng còn lãi hơn 60 triệu đồng.
Được biết vợ chồng anh chị có 4 người con, 2 người con đầu đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường và có việc làm ổn định, 2 người con sau đang học năm cuối cao đẳng chuẩn bị ra trường. Với thu nhập tiền lương bình quân 4 triệu/tháng – lương bảo vệ của anh; 3 triệu/tháng – lương công nhân chăm sóc với chị. Gia đình lại không có vườn rẫy để làm kinh tế thêm, nhưng anh chị vẫn trang trải đủ cho gia đình và nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Nhiều công nhân lao động đồng nghiệp với anh Chủy, chị Hằng nhận xét: “Với đức tính siêng năng, cần cù và chịu khó trong công việc được giao, cả hai vợ chồng năm nào cũng được cấp trên đánh giá cao, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ – nằm trong tốp tiêu biểu của đơn vị”.
Ghi nhận thành tích, những nỗ lực đóng góp đó là nhiều giấy khen, bằng khen của đơn vị và tập đoàn được trao tặng cho anh chị. Đặc biệt, anh Chủy còn được tặng “Kỷ niệm chương – Vì sự nghiệp phát triển ngành Cao su Việt Nam”; bằng khen Hội thao quốc phòng giải II, III – cấp Quân khu; bằng khen quốc phòng – an ninh của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu… Năm 1992 anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Trong cái nắng gay gắt đầu mùa hạ, từng luống bắp xen canh giữa 2 hàng cao su cứ nối nhau xa tít tắp tạo thành một cánh đồng mênh mông xanh biếc và đẹp mắt.
Màu xanh của đất trời, màu xanh của những giọt mồ hôi chịu thương chịu khó… cùng với nụ cười rạng rỡ thật tươi của đôi vợ chồng công nhân anh Chủy, chị Hằng.
Bài, ảnh: Nguyễn Củ Cải
Related posts:
- Trần Thanh Trung: giám đốc trẻ cháy bỏng tình yêu cây cao su
- Người công nhân nói ít, làm nhiều
- “Mong lớp trẻ hiểu được lợi ích lâu dài khi làm công nhân cao su”
- Mô hình khoán vẫn phát huy giá trị
- Di sản gia đình được gìn giữ
- Đất mến người
- Tận tâm với công việc, hết lòng vì công nhân
- Người thầy sáng tạo mô hình hữu ích
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- Trần Duy Đức: Vinh dự và tự hào khi đem vinh quang về cho đơn vị