Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng – hướng vào giới trẻ

CSVN – Những giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được cộng đồng quốc tế biết đến và được tôn vinh. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cồng chiêng không chỉ phụ thuộc vào sự truyền thụ của những nghệ nhân lớn tuổi mà còn là sự đón nhận, giữ lửa của lớp trẻ.
Các bạn trẻ tham gia một liên hoan cồng chiêng thanh thiếu niên do tỉnh Gia Lai tổ chức.
Các bạn trẻ tham gia một liên hoan cồng chiêng thanh thiếu niên do tỉnh Gia Lai tổ chức.
Gây quỹ mua chiêng

Từ chi đoàn làng gần như không có thành tích nổi trội, làng Jun, xã Yang Bắc (huyện Đăk Pơ, Gia Lai) bỗng nhiên được chú ý và được nhiều chi đoàn khác học hỏi. Chuyện bắt đầu từ việc gây quỹ mua cồng chiêng.

Cách đây nhiều năm, làng Jun không có bộ cồng chiêng nào. Theo những người già thì cồng chiêng của làng bị trộm cắp nên mất mát dần. Làng không thể mua một bộ cồng chiêng đến vài chục triệu đồng. Không có cồng chiêng, đó là nỗi “xấu hổ âm thầm” của những thanh niên BaNa trong làng mỗi khi đi giao lưu ở các làng khác. Vì thế, chẳng biết ai là người đầu tiên khởi xướng việc gây quỹ mua chiêng, chỉ biết thanh niên đồng loạt tham gia các hoạt động gây quỹ do chi đoàn phát động.

Họ nhận làm thuê bất cứ việc gì người dân cần như làm cỏ mía, thu hoạch nông sản… Chi đoàn còn xin thêm đất để trồng mía, phân công nhau chăm sóc. Bộ cồng chiêng đầu tiên mua được từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của thanh niên trong làng, khiến nhiều người già ưng cái bụng.

Không chỉ thanh niên “say” chiêng, nhiều đứa trẻ cũng háo hức với việc tập luyện. Một bộ chiêng dường như quá ít khi ngày càng nhiều đứa trẻ dành chiêng tập luyện. Vậy là bộ chiêng thứ hai được đưa về làng, cũng từ những đồng tiền chắt chiu từ việc làm thuê của thanh niên trong làng. Việc mua chiêng, học đánh chiêng của thanh thiếu niên làng Jun diễn ra âm thầm cho đến một ngày, nhiều buôn làng trong huyện được phen vỡ òa khi xem đội chiêng làng Jun trình diễn.

Đó là lần đầu tiên thanh niên làng Jun tham gia liên hoan cồng chiêng, và chinh phục tất cả những đội chiêng, giành giải nhất. Anh Đinh Nhất, thanh niên trong làng cho hay: “Sau này, ở những liên hoan cồng chiêng hay giao lưu văn hóa, đội chiêng của làng luôn đứng vị trí đầu. Cồng chiêng giờ không thể thiếu trong cuộc sống của thanh niên, từ sinh hoạt Đoàn đến đám cưới, lễ hội… đều nhờ tiếng chiêng mà vui hơn”.

Tiếng chiêng ở làng Jun đã vang xa đến nhiều buôn làng khác trong vùng. Làng Bung Bang, Krối, Jro Dơng… học tập làng Jun, tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ mua chiêng. Đến nay, cả 15 làng của xã đều có đội cồng chiêng thanh niên. Hiện toàn tỉnh có hàng chục chi đoàn tự gây quỹ mua chiêng, thành lập 257 đội cồng chiêng thanh thiếu niên.

Lớp học đặc biệt

Nhiều nghệ nhân, già làng từng ưu tư về sự thờ ơ với văn hóa truyền thống của một bộ phận người trẻ. Tuy nhiên, ở làng Mơ H’ra, xã Tơ Tung (huyện Kbang) hàng tuần vẫn duy trì lớp học khá đặc biệt – học cách giữ gìn, trân quý giá trị văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Đinh Trân giải thích: “Đây là lớp học cồng chiêng của làng. Hôm nay mình tập cho lũ trẻ một bài nhạc chiêng mới để chuẩn bị đi giao lưu”. Đội chiêng trẻ của làng khá đa dạng, những em 6-7 tuổi đến những chàng trai cô gái 16-17 tuổi. Con trai học đánh chiêng, con gái tập từng động tác xoang. Nghệ nhân già tỉ mỉ, kiên trì chỉ đừng động tác cho các em nhỏ mới lần đầu cầm chiêng. Thỉnh thoảng, ông dỏng tai nghe bài chiêng từ đám thanh niên đang chơi để kịp điều chỉnh khi ai đó lạc nhịp. “Mình dạy chiêng cho lũ trẻ trong làng nhiều năm rồi, hết lớp này lại có lớp khác, chỉ vì thích mà làm thôi. Lũ trẻ rất ham chiêng nên nhiều khi mình phải bỏ rẫy để dạy cho chúng”, nghệ nhân Đinh Trân chia sẻ.

Ngoài lớp học này, ở làng Bơ Yang, thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) từ nhiều năm nay, có nghệ nhân Đinh Glich vẫn miệt mài với việc truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trẻ trong làng. Đội chiêng trẻ của làng đã gây không ít ngạc nhiên cho những người quan tâm đến văn hóa truyền thống bởi khả năng trình diễn điêu luyện.

Với những nghệ nhân như Đinh Trân, Đinh Glich, thái độ của lớp con cháu với cồng chiêng chính là động lực để họ “tiếp lửa” tình yêu với văn hóa truyền thống mà không đòi hỏi sự đáp đền.

HÀ ĐỨC THÀNH