CSVN – Trước đây khi còn nhỏ, tôi đã thường được nghe bài hát “Hoa đẹp Chăm Pa”. Tôi rất thích giai điệu bài hát, mượt mà và dễ làm người ta say đắm. Sau này khi lớn lên, tôi cũng không ngờ rằng mình có cơ hội được cầm trên tay đóa Chăm Pa trên chính vùng đất Lào, xứ sở của loài hoa này.
Càng sinh sống ở đây tôi mới càng cảm nhận được vì sao đất nước Lào lại chọn hoa Chăm Pa để làm biểu tượng, giống như Việt Nam có hoa Sen, hay Nhật Bản có hoa Anh Đào… Hoa Chăm Pa có màu sắc tinh khiết, hương thơm tao nhã rất dễ khiến người ta xao động cũng như những người dân Lào hiền hòa, đôn hậu, mến khách, và đặc biệt là những người con gái Lào dịu dàng, e ấp, duyên dáng tựa những đóa Chăm Pa.
Những cô gái Lào thường được gọi tên bắt đầu bằng chữ “Nàng” để phân biệt nam nữ. Tôi thích cách gọi đó, nghe rất dễ gần và dễ gọi tên. Tôi có cơ hội làm việc chung với khá nhiều bạn gái người Lào, trong công việc hằng ngày, cũng như trong những dịp sinh hoạt văn hóa văn nghệ của ngành. Tôi thích tính cách của họ, nhiệt tình, vui vẻ, và đặc biệt các bạn ấy rất thích học tiếng Việt. Trong đơn vị của tôi có Nàng Bức, em là 1 trong 2 công nhân ưu tú Lào đầu tiên được bổ nhiệm làm cán bộ kỹ thuật.
Có thể nói ấn tượng đầu tiên về em là gương mặt xinh đẹp và phúc hậu. Ban đầu em cũng không biết tiếng Việt, nhưng từ lúc được bổ nhiệm làm cán bộ kỹ thuật của nông trường thì em bắt đầu cố gắng học, và giao tiếp với mọi người bằng tiếng Việt mặc dù còn hạn chế. Còn tôi thì cố gắng học tiếng Lào, chúng tôi thường nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng pha lẫn nửa Lào nửa Việt, mỗi bên đều cố gắng để hiểu bên kia nhiều hơn. Ngoài sự nhiệt tình trong công việc, em còn rất hào hứng tham gia vào các hoạt động của những người Việt đang sinh sống tại đây. Em tham gia vào đội bóng chuyền nữ của nông trường, các dịp lễ Tết, hoặc bất kì hoạt động nào của nông trường em đều tham dự. Nhiều lúc tôi cũng không có cảm giác em là người Lào nữa, mà là một người bạn đồng nghiệp, một người em gái.
Có thể nói từ lúc em được bổ nhiệm làm cán bộ kỹ thuật nông trường, em đã trở thành cầu nối giữa nông trường và công nhân, ngoài công tác kỹ thuật là chính, thời gian còn lại em còn giúp chúng tôi trong việc kiểm tra hồ sơ công nhân Lào, các giấy tờ văn bản bằng tiếng Lào, phiên dịch các cuộc họp công nhân. Em chưa bao giờ nề hà bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Em đi trực chống cháy cùng với chúng tôi cả ngày lẫn đêm. Em từng nói “nhờ có cao su mà đời sống gia đình đã tốt hơn rất nhiều”. Tôi hỏi em có dự định như thế nào cho tương lai không, em trả lời “tương lai của em ở đây, ở cây cao su Việt – Lào”. Tôi đùa em có muốn quay lại nghề trồng lúa hay không, em nói “em chỉ phụ giúp gia đình thôi, em đã gắn bó với cây cao su cũng gần 10 năm rồi sao có thể bỏ được”.
Từ những ngày còn là công nhân khai thác, em đã được vinh dự ngồi vào hàng ghế Đoàn chủ tịch tại Đại hội Thi đua yêu nước VRG năm 2015 nhờ có thành tích tốt tại các cuộc thi thợ cạo mủ giỏi cấp ngành. Có thể nói em và Nàng Vi – cán bộ kỹ thuật Nông trường Bachiang I là hai bông hoa xinh đẹp nổi bật nhất trong số những nữ công nhân của Công ty. Nhờ có em mà chúng tôi trở thành khách quen của bản làng, em hay mời chúng tôi về nhà chơi mỗi lần có dịp bun, lễ.
Tôi thấy mình thật may mắn và hãnh diện khi được làm việc ở đây, cùng với những người dân Lào hiền hòa, dễ mến. Cho dù khác ngôn ngữ hay phong tục tập quán thì chúng tôi vẫn cảm thấy có sự gắn bó với nhau, có thể hiểu nhau và cùng nhau làm việc, cùng nhau góp sức xây dựng ngành cao su ngày càng phát triển. Thật ra còn rất nhiều những đóa Chăm Pa khác đang góp phần tô thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc và góp phần phát triển vùng đất cao su Nam Lào. Đó là những cái tên như Nàng Súc, Nàng Phen, Nàng Bùa… Các em là những người con gái Lào dung dị, nhờ cây cao su bén duyên nay đã trở thành người thợ cạo, những nàng dâu của Việt Nam. Các em cùng với Nàng Vi, Nàng Bức đang góp phần khẳng định mình trong sự phát triển chung của ngành.
Có lẽ vạn sự trên đời đều bắt nguồn từ chữ “duyên”. Cái duyên đưa tôi đến vùng đất Champasak này từ những ngày còn là một cô sinh viên vừa tốt nghiệp đến nay trải qua 10 năm, đã có nhiều vui buồn, nhiều gian nan thử thách, thế nhưng điều đọng lại trong lòng tôi vẫn là nỗi nhớ cây cao su. Nỗi nhớ vô hình nhưng luôn thôi thúc mỗi lần đi xa nơi này. Những ngày đầu tiên lo lắng không thể hòa nhập cùng với người dân Lào, và lo người dân Lào không tiếp thu được kỹ thuật cạo, không quen nề nếp ngành cao su đã trôi qua lúc nào không hay. Những người công nhân Lào hiện nay hầu hết có cuộc sống sung túc và no ấm. Rất nhiều hộ gia đình sắm được xe ô tô. Những bản làng với mái lá liêu xiêu đã thay bằng những ngôi nhà sàn khang trang. Xe máy, xe ô tô ra vào đông vui chứ không còn cảnh đi bộ, cưỡi ngựa lên nương rẫy. Đó là động lực khiến cho người dân Lào ngày càng tin tưởng vào cây cao su. Họ đã nhận ra được giá trị của cây, và muốn gắn bó lâu dài.
Niềm tin của người công nhân là thành công của công ty, và cũng là động lực khiến cho chúng tôi càng vững niềm tin hơn nữa vào sự phát triển của vùng đất này nói riêng và sự phát triển chung của ngành. Tôi cùng với những anh chị em đồng nghiệp luôn cảm thấy tự hào vì đã truyền được tình yêu cây cao su đến với những người dân nơi đây. Tôi thường nói với Nàng Bức rằng em hãy cố gắng giải thích và động viên người công nhân phải biết tiết kiệm vật tư lao động, như kiềng chén máng, mỗi năm phải cố gắng giảm tỉ lệ hao hụt xuống một chút. Những hành động nhỏ như vậy nhưng được cả tập thể đồng lòng sẽ trở thành một con số biết nói. Tiết kiệm trong lao động và chắt chiu từng dòng nhựa trắng là cách mà chúng tôi đang cùng nhau thực hiện, cũng là cách để chúng tôi góp phần tạo nên một mùa “vàng trắng” bội thu.
Tháng 3 đang về trên Bachiang, mùa hoa cao su đang vẫy gọi ong bướm khắp nơi về làm mật. Có loài cây nào được như cây cao su, cho đời dòng nhựa trắng, cho đời những mật ngọt. Bao nhiêu lời hát, bao nhiêu ý thơ đã nảy nở từ những vườn cây. Bao nhiêu những câu chuyện tình cũng được ươm mầm từ đây. Có loài cây nào lại vừa có giá trị kinh tế, vừa có sức quyến rũ làm người ta phải say mê như vậy. Ai đã từng một lần đi dưới những hàng cây mùa cao su thay lá, chắc hẳn không thể nào quên được. Sắc đỏ của lá hòa với ánh nắng tạo nên một khung cảnh thơ mộng, hữu tình.
Một mùa cạo mới sắp đến, một mùa đầy hứng khởi và sự phấn khởi hiện lên rõ trong ánh mắt của người công nhân. Họ tíu tít cười nói đi trang bị, thước rập để chuẩn bị một hành trình dài, tôi gọi vui đó là hành trình “đem vàng về nhà máy – đem ấm no về bản làng”. Giữa những tiếng cười nói văng vẳng đâu đây câu hát “Ô đuông chăm pa vê la xôm noọng nức hiên phẳn xoong…” – “ Hoa đẹp chăm pa, đã bao tháng ngày, hoa đây người đấy…”. Thì ra là tiếng hát của Nàng Bức, cô gái Lào đáng yêu, em đang hướng dẫn công nhân trang bị và thước rập đúng quy trình kỹ thuật của công ty.
Tôi tin rằng niềm vui của em và của những người công nhân cùng với tình yêu cao su luôn chảy trong tim tôi sẽ là động lực giúp chúng tôi hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, ngày càng trưởng thành hơn, xứng đáng với bề dày truyền thống hào hùng của ngành cao su. Câu ca dao “cao su đi dễ khó về” dường như là đúng với trường hợp của tôi – vì quá yêu cây mà không nỡ rời xa nó – thật “khó” để về.
Bachiang, ngày 20 tháng 03 năm 2019
H.N
(CÔNG TY CAO SU VIỆT – LÀO)
Related posts:
- Bóng đá Sài Gòn: Chọn "con nuôi", bỏ rơi "con đẻ"?
- Cao su Mang Yang K: Ấm tình hữu nghị từ Hội thi Bàn tay vàng
- Sáng ngời tương lai
- Hãy giúp đỡ cháu bé bị ung thư máu
- Hơn 250 vận động viên tham gia Hội thao CNVC - LĐ Khu vực IV
- Trường Cao đẳng nghề 21 giới thiệu gần 4.000 việc làm cho học viên
- Cười người hôm trước hôm sau người cười
- Nói ngược
- Nhắc ngay cộng đồng
- Bàn tay công nhân