CSVNO – Theo như chia sẻ của người dân ở đây thì họ không ngờ rằng con đường mòn giữa biển – điều tưởng chừng là bình dị, là quen thuộc họ thấy hằng ngày lại trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Điệp Sơn là một trong những xã đảo còn nhiều khó khăn thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đảo Điệp Sơn là một dãy gồm ba hòn đảo nhỏ, nằm trong vùng biển thuộc Vịnh Vân Phong. Tính đến thời điểm này, đảo Điệp Sơn đang là điểm đến nức tiếng đối với dân du lịch, họ đến đây để nghỉ ngơi, thư giãn, tận mắt nhìn thấy và đặt chân trên con đường mòn giữa biển dài hơn 700m, nối liền hòn đảo giữa với đảo Điệp Sơn lớn.
Là những người trẻ, thích được đặt chân đến khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới, hòa chung vào cơn sốt “rần rần” trên trang mạng xã hội, trên các diễn đàn du lịch, phượt… chúng tôi lên kế hoạch để đến với Điệp Sơn như là một phần thưởng tự nuông chiều cảm xúc của bản thân sau những giờ làm việc tích cực.
Ở bài viết này cho phép tôi không nhắc nhiều đến những liệt kê, những chỉ dẫn đến với Điệp Sơn như thế nào, điều kiện ăn ở của nhóm du lịch ra sao… mà đây như là cảm nhận của một người yêu biển, thích ngắm biển, thích những nơi dung dị, thân thương.
Khi đặt chân đến cảng cá Vạn Giã, chuẩn bị lên cano khởi hành đến Điệp Sơn, nhóm chúng tôi gồm 9 người cũng thấm mệt sau một đêm di chuyển trên xe khách và hành lý đem theo khá nhiều (Theo chia sẻ của các anh chị đi trước thì nơi đây còn thiếu thốn, trong đoàn có 4 bạn nữ nên chúng tôi chuẩn bị khá đầy đủ cho chuyến đi như mì gói, nước uống và thậm chí là 4 cái mền) nhưng sự hào hứng và thích thú vẫn còn rạng rỡ trên gương mặt của các thành viên trong đoàn. Phải nói 15p trên cano quả thật rất thú vị.
Được ngắm biển xanh, nắng vàng, được thả tâm hồn với thiên nhiên thì còn gì tuyệt vời hơn. Thêm vào đó, trên cano còn một nhóm bạn khác nữa, cảm xúc của họ không khác chúng tôi là mấy, nụ cười không ngớt, thay nhau chụp hình, quay video để lưu giữ khoảnh khắc đẹp bên nhau.
Lạ lắm, bình thường chụp hình, chụp ảnh các kiểu ai cũng phải thật chỉn chu, thật xinh xắn, má đỏ môi hồng mắt long lanh mới chịu, thì giờ đây không son phấn, không kẻ mắt, không viền môi nhưng chúng tôi vẫn vô tư, thoải mái để chụp hình. Tấm hình người ngồi, kẻ đứng, đồ đạc lỉnh kỉnh nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của sự hồn nhiên, dung dị vốn có.
Trước mắt chúng tôi là con đường đi bộ giữa biển hiện lên xa xa và có nhiều, rất nhiều người đang đi dạo trên con đường đó. Nhìn khung cảnh thật thơ mộng, giơ vội máy ảnh lên, chòng chành trên chiếc cano tôi vội bấm vài shoot hình, chỉ kịp thốt lên: “Nhìn đẹp và lãng mạn y như Maldives ấy các bạn ạ”.
Đến đảo khi 7h30 sáng, chúng tôi không vội đến con đường giữa biển ngay, mà chúng tôi dành phần thưởng ấy cho sáng hôm sau, khi mà mọi người cùng thức dậy sớm ngắm bình minh, ngắm cuộc sống dân làng chài trên biển và tinh thần phải thật tươi trẻ, khỏe khoắn, đặc biệt là có dư thời gian để đi hết con đường, cảm nhận hương vị cuộc sống nơi đây.
Chúng tôi không đem theo lều trại mà xin ở nhờ nhà chú Tám Lý, một ngôi nhà gần cuối đảo tính từ nơi cano cập bến. Chú Tám đón chúng tôi với nụ cười hiền “Các cháu có mệt không ? Nghỉ ngơi chút xíu rồi đi tắm rửa cho mát? Chú chuẩn bị đồ ăn trưa nay cho đoàn”. Chúng tôi nhờ vợ chồng chú đi chợ với thực đơn hàu nướng, tôm tích luộc, mực nướng – luộc và lẩu cá chép.
Trong khi chờ các thành viên tắm táp, tôi tản bộ một vòng gần đó. Theo tìm hiểu, nơi đây có khoảng 85 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, điện nước vốn thiếu thốn, điện có vào khoảng 18h đến 21h tối, nhà thì có giếng nước ngọt, nhà thì phải ra đầu làng đẩy nước về.
Trên đảo có cả trường tiểu học, các em sau khi hoàn thành bậc tiểu học thì phải ra thị trấn Vạn Giã tạm trú để theo đuổi ước mơ đến trường. Chú Tám chia sẻ: “Hầu như chỉ học cho biết con chữ, hết lớp 5 rồi nghỉ, trên đảo chỉ có số ít các em tiếp tục theo học lên nữa”. Nhìn hình ảnh các em 6,7 tuổi còn ngây thơ, ánh mắt trong veo, thân thiện tôi chợt thấy chạnh lòng thương cho điều kiện thiếu thốn của các em.
Từ ngày đảo Điệp Sơn nổi lên như một hiện tượng du lịch mới, đã có rất nhiều đoàn đến với Điệp Sơn để du lịch kết hợp với từ thiện, chúng tôi rất hi vọng một ngày nào đó các em nhỏ sẽ không phải dang dở việc học hành.
Về ẩm thực trên đảo rất tươi ngon, giá cả hợp lý. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy con mực có những nốt li ti dọc trên thân đang đổi màu. Chú Tám nói, vậy là mực tươi đó con. Rồi con ghẹ, con hàu, con tôm, con cá… tất cả được chở về tập kết một nơi để bán cho dân du lịch và chuyển ra cảng cá. Đoàn chúng tôi mỗi người một tay phụ cô chú chuẩn bị đồ ăn trưa, người nhóm bếp, người nướng tôm, người làm đồ chấm.
Ấy vậy mà một loáng sau chúng tôi đã bày lên bàn ăn đầy đủ các món theo mong muốn. Tôm tích ngọt dịu nhẹ kết hợp với nước chấm đậm đà, con hàu chắc thịt ngon mê ly… chúng tôi cứ trầm trồ khen mãi.
Cùng nâng ly thưởng thức hải sản dưới tán mận đang trổ bông, được nghe chú Tám kể chuyện về những cuộc sống người dân trên đảo, về các đoàn du lịch đến đây, chúng tôi ai cũng tràn đầy xúc cảm, xen lẫn đâu đó những câu chuyện cười làm cả bàn cứ không ngớt bàn tán, pha trò.
Và rồi, trong giây phút ấy tôi nhận ra những gương mặt thân quen, cùng làm việc lâu nay trở nên dễ thương, đáng yêu vô cùng. Chợt thoáng qua trong suy nghĩ, giá cuộc sống không có ghanh đua, bon chen thì trở nên tươi đẹp biết mấy.
Tối đến chúng tôi đốt lửa gần bãi biển, thưởng thức bữa tối ở đó luôn. Gió thổi nhẹ, hương biển dạt dào khiến tâm hồn người ta trở nên lãng đãng hơn, êm dịu hơn và tinh thần dường như tốt hơn. Trong ánh lửa bập bùng đó, tiếng hát điệu hò của mọi người cất lên trong và ấm lạ thường, những bài nhạc bolero, nhạc trữ tình hay chúng tôi còn gọi là “nhạc sến” sao hôm nay nghe hay, tuyệt đến vậy.
Cứ rôm rả, cứ chuyện trò đến 9h đêm, chúng tôi lại lóc cóc kéo nhau ôm nồi ghẹ luộc đi qua đoàn khác giao lưu. Cùng là những người trẻ, cũng là lần đầu đến đây, những con người với những công việc hoàn cảnh khác nhau qua dăm ba câu chuyện trò tưởng chừng như đã quen biết nhau lâu đến vậy. Chắc ở thành phố chạm mặt nhau không chào được một câu nhưng đến đây lại dễ mến vậy đó.
Sáng hôm sau khi tiếng gà báo thức, chúng tôi thay nhau thức dậy để chuẩn bị lướt thướt đi dạo trên con đường giữa biển. Bình minh trên đảo bình yên đến lạ, đẹp và thơ mộng biết bao, tôi cứ muốn khoảnh khắc đó kéo dài ra thêm chút xíu nữa để tha hồ mà ngắm, tha hồ mà bay bổng.
Từ nhà chú Tám đến con đường giữa biển đi khoảng 1km thôi, buổi sáng chủ nhật nên rất đông, ai ra đây cũng không thể bỏ lỡ cơ hội đi trên con đường giữa biển này được. Buổi sáng sớm, vào khoảng 6h – 9h sáng, tùy theo mùa, khi nước rút hiện lên con đường mòn nối liền đảo giữa với đảo Điệp Sơn lớn.
Bên này nhóm bạn trẻ người nước ngoài đang trầm trồ, ngạc nhiên với tuyệt phẩm thiên nhiên được ông trời ban tặng cho đảo Điệp Sơn, bên kia nhiều đôi tình nhân đang nắm tay nhau đi dạo dưới khung cảnh mộng mơ ấy, còn đoàn chúng tôi cứ í ới nhau chụp hình, chụp cho thỏa lòng mong ước. Chiều dài con đường mòn hơn 700 m, rộng hơn 1m giữa biển xanh ấy có lẽ là kiệt tác thiên nhiên dành cho Điệp Sơn và cho vùng biển Việt Nam.
Thỏa thích nhảy múa trên con đường, chúng tôi trở về chuẩn bị cho bữa trưa và tư trang trở lại Sài Gòn. Tôi hỏi: “Cô tính tiền ăn ở, nước non để bọn con gởi”. Cô đáp: “Các con gởi bao nhiêu cũng được”. Chúng tôi cũng không biết gởi bao nhiêu cho phải, thôi cứ tính theo chia sẻ của các anh chị đi trước, mà thấy áy náy lắm, cô chú nấu đồ ăn ngon và rất thân thiện nữa.
Giờ chia tay cứ quyến luyến mãi, hẹn có dịp sẽ trở lại. Về thành phố, trở về với nhộn nhịp thường ngày nhưng chúng tôi có lẽ không quên Điệp Sơn. Thân thương lắm. Yêu lắm. Bởi vậy, người ta cứ hay nhắc nhau lúc trẻ tuổi, cứ đi khi còn có thể. Cứ tìm hiểu, cứ học hỏi và cứ trải nghiệm.
Cuộc sống luôn chuyển động cũng cần có lúc lắng lòng lại để nghe những trang trải, nghĩ suy của tâm hồn. Chuyến đi này dù ngắn ngày, dù điều kiện thiếu thốn nhưng với tôi đó là nơi tưởng chừng như thân quen từ lâu, là nơi để xúc cảm lên tiếng.
Điệp Sơn ơi, hẹn ngày trở lại nhé!
An Nhiên
Related posts:
- Khi truyền thống là xung lực tinh thần
- Vượt khó
- Cô giáo mầm non có "giọng hát vàng"
- Cao su Hà Giang đoạt giải nhất Hội diễn khu vực I
- Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang
- Khai mạc Hội diễn "Tiếng hát công nhân cao su" khu vực IV
- Khi người Việt hâm mộ bóng đá
- Những bài thơ Bác Hồ viết năm Canh Dần - 1950
- Ánh sáng từ Phú Riềng Đỏ
- Chào mừng đại hội