Bình minh trên những cánh rừng cao su

CSVN – Ngày mai là bình minh – bình minh của những cánh rừng cao su xanh mát, con mang theo cả niềm kiêu hãnh, tự hào về dòng chảy lịch sử…

Ảnh: Bùi Thái Dũng

Nửa đêm theo mẹ vào rừng cao su, những cơn gió thu nhè nhẹ cùng với hơi sương se lạnh, loáng thoáng ánh đèn pin và tiếng bước chân xào xạc của những công nhân đang khai thác mủ, ánh sáng đèn rọi vào mặt cạo trắng, toát lên niềm tin, hy vọng cho những dòng mủ tràn tô.

Mẹ tôi, đôi mắt chăm chú dõi theo từng lát dao, tập trung để sao cho những lát cắt vừa đủ cho mạch mủ tuôn ra, mái tóc xanh của mẹ ngày nao đã lốm đốm sợi bạc, như lẫn vào màu trắng oai hùng của dòng chảy mủ cao su.

Đâu đó, gió bắt đầu thổi, tiếng lá cây lào xào, mẹ ngừng tay dao, tìm chỗ thoáng nhìn lên trời, bầu trời đêm đen kịt không một ánh sao, giọng mẹ thất vọng “lại mưa”.

Trời mưa ở xứ cao su thật đáng sợ, mưa là kẻ cướp trắng mồ hôi, công lao của công nhân khai thác, do đó trời đêm nay mưa đồng nghĩa với công sức cả đêm tảo tần của mẹ mất trắng.

Mưa bắt đầu đổ, mẹ vơ vội cái thùng nhựa, đôi tay thoăn thoắt dành lại những tô mủ trước sự cướp trắng của ông trời, nhưng đôi chân ấy, đôi tay ấy dù có nhanh đến đâu thì cũng không thể qua nổi cơn mưa thu nặng trịch đang ùa về, mẹ trút được nửa hàng cây, mưa đã nặng hạt, những hạt mưa xuyên qua ánh đèn pin như những viên đạn găm xuống tô làm mủ bắn lên trắng xóa, chốc lát từng tô mủ sũng nước, tràn ra ngoài trắng xóa gốc cây cao su.

Mẹ ngưng trút mủ lấy tấm ni lông che thùng mủ cẩn thận, rồi khẽ đặt nhẹ nhàng xuống đất trân trọng những gì còn lại mà mẹ giành giật với ông trời. Chạy vội vào lán trú mưa, tay áo mẹ ướt sũng quệt vội giọt nước chảy dài trên mặt, có lẽ là nước mưa lẫn với mồ hôi và cả nước mắt của mẹ, thở dài một nhịp, đôi mắt mẹ nhìn xa xăm vào hàng cây đang trắng xóa mủ tràn xuống đất như khoảng không vô định.

Trời bắt đầu tỏ dần, mưa cũng tạnh, mẹ tôi vẫn ngồi đấy,    đôi mắt nhìn xa xăm, mẹ buông một câu nói trống không: “Mủ xuống giá, dịch bệnh đe dọa, công nhân đã khổ, trời còn không thương…”, tôi chợt nhìn mẹ kỹ hơn, dáng vóc gầy gò tần tảo của người công nhân nửa đời gắn bó với cây cao su, sâu trong đôi mắt thăm thẳm xa xăm ngấn lệ.

Bất chợt tôi nhớ lại, chính đôi mắt mà trong tiềm thức ngày nào mẹ kể với tôi những đêm mưa gió ngóng cha lên rừng khai hoang trồng mới, với niềm tin vào cây cao su, rồi cha tôi cũng trở về, mang theo màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng cao su, dâng cho đời dòng nhựa trắng và chính tôi đã lớn lên trong tình yêu của cha mẹ và cũng là tình yêu bao la, niềm tin mà cha mẹ tôi gửi cho những cánh rừng cao su.

Tôi bước đến, nắm đôi bàn tay thấm mưa của mẹ: “Mẹ còn nhớ không, ngày xưa một thời cha con khai hoang trồng mới, chẳng ai tin cha sẽ thành công, chỉ có niềm tin của mẹ, thế mà chính từ những rừng cao su ấy đã nuôi con khôn lớn, xóm làng ta cũng giàu đẹp từ những giọt mủ cao su.

Mẹ thấy không, mưa rồi sẽ tạnh, ngày mai mủ lại tràn tô, ngày mai giá mủ lại cao, rồi ngày mai em con, con con lại lớn lên, trưởng thành ở đây, quê hương ta lại giàu mạnh từ chính những dòng nhựa trắng…”. Bỗng thấy bàn tay mẹ ấm áp lạ thường, có lẽ niềm tin hơn 30 năm về trước đã về trong mẹ.

Mủ vẫn từng giọt trắng tô, những giọt nước còn lại trên lá vẫn lộp độp… Trời sáng hẳn, khuôn mặt mẹ ửng sáng lên niềm tin, niềm tin ấy mẹ gửi lại cho con và chúng con lại sẽ tiếp nối niềm tin của cha và mẹ, tin vào cây cao su, tin vào ngành nghề đã chọn.

Ngày mai là bình minh – bình minh của những cánh rừng cao su xanh mát, con mang theo cả niềm kiêu hãnh, tự hào về dòng chảy lịch sử mà bao nhiêu thế hệ đã gửi lại trong từng chồi non, chiếc lá, thân cây và từng dòng mủ cao su trắng ngần.

MAI CHI