Không sợ vất vả, chỉ sợ cây không cho mủ !

CSVN – Đến tổ 7, Nông trường Cù Bị (Cao su Bà Rịa) những ngày cuối năm, khi không khí thi đua nước rút vẫn còn khá “nóng” trên vườn cây. Điều khiến 33 công nhân dân tộc thiểu số quê ở Nghệ An và Hà Giang vào “đầu quân” háo hức, tạo động lực trong lao động vẫn là “có tiền ăn Tết to, con mình được ăn no”.

Luyện tập thể thao, nâng cao sfíc khỏe của công nhân dân tộc thiểu số tổ 7
Mong có tiền lo cho con đi học

Trong tiếng động cơ của xe chở mủ tại điểm tập kết, chúng tôi chú ý đến tiếng nói cười của anh em trong tổ khi khiêng những thùng mủ đầy đổ vào bồn chứa. Họ đang nói với nhau về những dự định mua cho con tấm áo mới, có chút tiền biếu bố mẹ khi vợ chồng đi làm ăn xa… Trong câu chuyện còn có cả dự tính về sửa lại cái nhà của anh Vàng Xuân Quang – người dân tộc H’Mông, quê ở Hà Giang khi dành dụm được gần 100 triệu đồng từ số tiền lương qua một năm làm công nhân cao su của hai vợ chồng. Được biết, hai vợ chồng anh Quang là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên đến làm việc tại tổ 7, Nông trường Cù Bị. Anh nhớ lại, cuối năm 2022 có đoàn công tác của Công ty CP Cao su Bà Rịa ra Hà Giang tuyển lao động, nghe cán bộ kể về vùng đất Đông Nam bộ, thấy thích và muốn thử sức cho biết. Hơn nữa cuộc sống làm nông ở quê nhà, vất vả mà lại kiếm được tiền rất ít. Thế là, Tết xong, đầu năm 2023 hai vợ chồng gởi 2 con cho ông bà nội, cùng vào Nam để làm công nhân cạo mủ, mong kiếm nhiều tiền gởi về quê lo cho con đi học, có “con chữ” để thoát nghèo.

“Lúc đầu cầm dao cạo cũng chưa quen, nhờ có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chỉ dạy tận tình nên thấy công việc cạo mủ cũng không vất vả lắm. Hàng tháng vợ chồng mình nhận được tiền lương nhiều là vui lắm. Ở đây, nhờ có sự quan tâm của cán bộ lãnh đạo nông trường nên chỗ ăn ở cũng thoải mái, sạch sẽ. Tháng rồi hai vợ chồng lương cũng được hơn 20 triệu đồng. Mủ nhiều, lương cao nên cứ vậy mà cố gắng làm việc. Mong rằng Tết đến có thêm tiền để về quê mua áo mới cho con…”, anh Quang phấn khởi nói.

Khác với những cặp vợ chồng dân tộc thiểu số vào lập nghiệp tại nông trường, anh Sùng Seo Phứ để vợ lại quê nhà Hà Giang lo cho 2 con còn nhỏ, một mình “xuôi Nam”, đến Cao su Bà Rịa “lập nghiệp”. Tranh thủ lúc nghỉ chờ trút mủ, anh ra một góc riêng để gọi điện về nhà. Khi chúng tôi hỏi, đi vậy có nhớ vợ không? Khuôn mặt thoáng ửng đỏ thẹn thùng. Anh nói: “Nhớ vợ ít thôi, nhưng nhớ con thì nhiều”. Anh cho biết, nghe anh em đi vào trước bảo vào làm cao su dễ kiếm ra tiền, thế là đi. “Mình mới vào làm được mấy tháng, mới đầu chưa quen việc nên cũng gặp nhiều trở ngại. Mình còn trẻ, không sợ vất vả cực nhọc mà chỉ sợ cây không cho mủ thôi…”, anh cười, hồn nhiên nói.

Niềm tin “làm công nhân cao su kiếm tiền tốt hơn” đã tạo động lực

Nhìn những đôi tay săn chắc và tác phong làm việc nhanh nhẹn của anh em công nhân trên vườn cây lúc trút mủ, mới cảm nhận đầy đủ được sự đoàn kết, gắn bó trong lao động của tập thể công nhân tổ 7. Với họ, đơn giản là cạo thật nhiều mủ để có thêm tiền lương; ước mong xuân về, Tết đến có thêm tấm áo mới cho con, trang trải cuộc sống cho gia đình. Chính môi trường lao động ấm áp tình người nơi “đất lành chim đậu” và niềm tin “làm công nhân cao su kiếm tiền tốt hơn” đã tạo động lực khiến họ bám trụ vườn cây và chăm chỉ làm việc khi cây vẫn còn cho mủ trong những ngày năm hết, Tết cận kề.

Để có được sức mạnh đồng thuận trong lao động của các thành viên tổ 7, không thể không kể đến công sức “mưa dầm thấm lâu” và tinh thần “chia sẻ ngọt bùi” với anh chị em công nhân từ những ngày còn lạ lẫm, bỡ ngỡ bước chân vào nông trường của chị Lê Thị Mỹ Nhật – Tổ trưởng tổ 7. “Chị tổ trưởng rất giỏi về kỹ thuật khai thác, lại rất tâm lý, sống hòa đồng, gần gũi với anh em công nhân trên vườn cây; quan tâm đến đời sống của các thành viên trong tổ, nhất là lúc có công nhân ốm đau, bệnh tật…”, chị Sùng Thị Sáo nhận xét.

Là “lính mới” gia nhập vào “ngôi nhà chung” làm công nhân được gần 4 tháng, vợ chồng anh Tẩn Seo Phì đã thấy gắn bó với công việc và nhận ra rằng Cao su Bà Rịa “là quê hương thứ 2” bởi sự nhiệt thành của anh em đồng nghiệp, sự tận tâm chỉ dạy kỹ thuật khai thác của cán bộ kỹ thuật nông trường. “Lúc đầu mới vào làm cao su, hai vợ chồng chưa quen việc nên cũng gặp nhiều trở ngại. Chính nhờ sự chỉ dạy tận tình của cán bộ trong tổ về kỹ thuật khai thác, nay chúng tôi cũng đã quen việc. Giờ giấc làm việc cũng thoải mái, chỗ ăn ở thuận lợi, lại có tiền để dành nên thấy vui và gắn bó vườn cây. Tháng rồi vợ chồng cũng có tiền gởi về quê cho con hơn 2 triệu mua sách vở, áo quần mới…”, anh Phì chia sẻ.

Chị Lê Thị Mỹ Nhật – Tổ trưởng tổ 7 kiểm tra hàm lượng DRC
Nhiều chính sách đặc thù để giữ chân người lao động

Để giữ chân người lao động trong điều kiện nguồn lao động khan hiếm, lãnh đạo nông trường xác định, công tác chăm lo đời sống cho công nhân đồng bào thiểu số là quan trọng, để họ “an cư lạc nghiệp”, nông trường bố trí cho mỗi gia đình công nhân chỗ ăn ở thuận tiện gần chỗ làm, có nhiều chính sách đặc thù về tiền lương, tiền thưởng để người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị.

“Chính sự quan tâm, khen thưởng động viên kịp thời sẽ tạo động lực, khích lệ tinh thần làm việc chuyên cần của người lao động. Trong tổ, anh em người đồng bào mình làm tuy chậm nhưng độ bền cao; phần đông ham học hỏi và tiếp thu nhanh. Càng gần đến Tết, không khí làm việc khẩn trương hơn vì ai cũng mong sớm được về quê ăn Tết”, chị Nhật nói.

Chị Nhật còn cho biết thêm, với diện tích được giao gần 183 ha, năm 2023 tổ đã thực hiện được 300.000/271.833 tấn mủ, về trước kế hoạch 10 ngày. Lương bình quân của người lao động trong tổ được 9 triệu đồng/người/tháng. Những cá nhân vượt kế hoạch sản lượng cao như anh Vàng Xuân Quang, anh Sùng Seo Phứ, chị Tẩn Thị Doa, chị Sùng Thị Sáo, anh Tẩn Seo Cháng và anh Vàng Seo Phừ…

Đi giữa vườn cao su xanh mát, đâu đó có những tán lá đang chuyển màu và chiếc lá vàng chuẩn bị rời cành nhường chỗ cho chồi non của mùa vụ mới. Bất giác chúng tôi liên tưởng đến mùa ra quân mới, ở đó “ngôi nhà chung” sẽ có thêm những thành viên mới. Bởi “đất lành chim đậu”, nơi “đất khách” họ trở thành chủ nhân của vườn cây, vững vàng tay dao, gắn bó với nghề. Bởi theo như lời của chị Lê Thị Nga – Giám đốc nông trường: “Người đồng bào xa quê mưu sinh, vì vậy thái độ hành xử của nông trường đối với họ rất quan trọng. Mình phải quan tâm, sống hòa đồng, coi họ như người nhà, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với họ, để họ tận tâm với công việc và an tâm gắn bó với đơn vị”. Nắng xuân tràn ngập trên con đường mai vàng dọc tuyến Quốc lộ 56 (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chúng tôi mang theo về phố không khí làm việc rộn ràng trên vườn cây ngày cuối năm, mang theo hương vị Tết từ những chậu hoa xuân mà người nông dân đang miệt mài chăm bón và cả tinh thần lao động “không sợ vất vả chỉ sợ cây không cho mủ” của các công nhân dân tộc thiểu số tổ 7 theo gió xuân miên man….

NGUYỄN LÝ