CSVN – Hôm nay là chủ nhật, được nghỉ cạo, tôi có dịp sắp xếp lại các dụng cụ tạm thời không sử dụng nữa, phòng trong tương lai cần đến là có ngay. Trong số đó có con dao cạo “Mã Lai” là loại dao chuyên dụng dùng để cạo miệng úp cây nhóm 3.
Bạn bè đồng nghiệp vẫn xem tôi là người đầu tiên truyền bá rộng rãi công cụ này. Nhìn con dao mới ngày nào đã từng gắn liền với mình, với những câu chuyện vui xen lẫn chút tự hào về nghề nghiệp, bất chợt tôi lại mỉm cười một mình.
Hồi ấy, khoảng mười năm trước vì vài lý do khách quan tôi chuyển từ một nông trường khác về công tác tại Đội 1 Nông trường Thái Hiệp Thành thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Lúc này phần lớn diện tích cao su nông trường thuộc cây nhóm 3 và chuẩn bị thanh lý nên công việc khai thác khó khăn hơn, nhất là miệng cạo úp đã ngoài tầm kiểm soát, cán dao rất dài có khi tới năm đến sáu mét.
Nhiều công nhân tỏ ra ái ngại bởi vì lâu nay họ cạo bằng lưỡi dao máng truyền thống theo quy trình kỹ thuật, nay đã không còn phù hợp nữa bởi miệng cạo đã quá cao, mất nhiều công sức và thời gian mà hiệu quả không cao.
Về phần tôi, ở nơi làm việc cũ tôi đã kinh qua giai đoạn này và “bửu bối dao CẠO Mã Lai” được đem ra sử dụng nên công việc hết sức trôi chảy và hiệu quả rất cao. Cũng nhờ tính năng vượt trội của công cụ mà tôi nhận thêm nửa vườn cây để cạo mà vẫn đảm đương được tiến độ. Đồng nghiệp sát vườn cây của tôi thấy con dao lạ mà lại cạo nhanh mới tò mò xem rồi truyền miệng nên trong tổ ai cũng biết.
Xin nói thêm về cái tên của con dao, thực sự tôi không rõ xuất xứ, nhưng những người thợ rèn họ đã gọi như vậy. Má dao ngược lại với loại dao kéo thông thường, đặc biệt nếu dùng loại thép tốt như chốt nối xích xe tăng của Mỹ thì dao trở nên sắt ngọt và lợi hại vô cùng.
Ban đầu, một người đếnhọc hỏi cách sử dụng rồi dần dần cả tổ, cả đội hầu hết đều sử dụng con dao này. Kết quả thật mỹ mãn, trong vòng một năm với công cụ mới phù hợp đã tiết kiệm được công sức cho người công nhân và năng suất lao động được đẩy lên rõ rệt.
Lúc này, lại nảy sinh ra một vấn đề là tìm người rèn dao khi bị hư hỏng vì thợ rèn tại chỗ họ chưa biết cách làm, thế là sau vài lần về nơi công tác cũ để mua và sửa dao giúp các bạn đồng nghiệp tôi lại quyết định làm một việc là tư vấn cách rèn dao cho những người thợ tại chỗ. Kết quả là sau vài lần chỉnh sửa và thực nghiệm, những người thợ đã nắm bắt được kỸ thuật rèn, chúng tôi yên tâm hơn vì từ nay không phải lo lắng và đi xa khi dao “Mã Lai” bị hư nữa.
Mãi đến năm 2017 thì Nông trường Thái Hiệp Thành đã khai thác dứt điểm cây nhóm 3 chuyển qua cạo cây nhóm 1 và cây dao “Mã Lai” của tôi đã hoàn thành tốt công năng của mình.
Trong những năm vừa qua, nhiều năm liền nông trường nằm trong tốp đạt sản lượng cao, thu nhập của công nhân cũng khá hơn nhiều, thiết nghĩ một phần cũng có sự đóng góp nho nhỏ của một thứ công cụ có cái tên hơi lạ ấy.
Đó là kỉ niệm đẹp về nghề mà tôi cảm thấy rất vui trong những năm tháng làm công nhân khai thác cao su của mình.
NGUYỄN HƯNG
(Nông trường Thái Hiệp Thành – TCT CS Đồng Nai)
Related posts:
- Thợ giỏi "Sao vuông" ở cao su Phú Riềng
- Tự hào với truyền thống 4 thế hệ công nhân cao su
- "Hành trang là ý chí thoát nghèo"
- Người công nhân say mê sáng tạo
- Thủ đoạn của bọn mộ phu
- Cuộc sống ý nghĩa hơn khi được làm công nhân cao su
- Bùi Quốc Hùng: Gương điển hình từ sức trẻ
- Tết ABC
- Chị Ngô Thị Hồng – Công nhân khai thác Nông trường An Lộc, TCT Cao su Đồng Nai: Tấm gương điển hình ...
- Tô thắm màu xanh tình hữu nghị vững bền