Hãy giữ niềm tin với cây cao su

CSVN – Từ Hội phó Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ea HLeo, tỉnh Đăk Lăk,vì hoàn cảnh gia đình, bà Nay HTe – nguyên Phó GĐ, Chủ tịch Công đoàn NT EaSol (Công ty TNHH MTV Cao su Ea HLeo) quyết định gắn bó với cây cao su. Nhờ bà tích cực vận động tuyên truyền, người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã đặt niềm tin vào sự phát triển của cây cao su, mà họ từng buông bỏ một lần để trở về với hoa màu.
 Bà Nay HTe (thứ hai từ trái qua) và gia đình trong Lễ tốt nghiệp Y khoa của con gái
Bà Nay HTe (thứ hai từ trái qua) và gia đình trong Lễ tốt nghiệp Y khoa của con gái
Mong muốn bà con dân tộc thiểu số sẽ có cuộc sống tốt hơn

Khi chủ trương phát triển cao su của VRG triển khai lên Tây Nguyên, trong tiềm thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, với cái đói cái nghèo đang bám đuổi mỗi ngày thì mong muốn lớn nhất là không phải thiếu ăn nữa. Những năm đầu, tại xã EaSol có Đội SX EaSol 1, Đội SX EaSol 2 và NT EaBLong được thành lập để trồng cao su. Tuy nhiên, việc triển khai trồng cao su vẫn còn nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, bà con không thiết tha với cây cao su vì chưa thấu hiểu lợi ích của nó…

Do đó, nhiều người thời kỳ đầu gắn bó nhưng sau đó bỏ việc để trở về trồng hoa màu, diện tích cao su trồng được rất ít. Đến năm 1995 khi tỉnh ĐăkLăk có Nghị quyết đẩy mạnh việc phát triển cao su, mỗi ngày bà cùng với chính quyền địa phương đi đến từng buôn để vận động, tuyên truyền bà con góp đất mở rộng diện tích trồng cao su, tạo công ăn việc làm ổn định cho người đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà kể: “Những ngày đầu đi tuyên truyền, chúng tôi vẫn nhận được ánh nhìn hoài nghi của bà con, bà con sợ bị lừa nên vẫn còn nhiều ái ngại. Chúng tôi cũng không trách được vì cao su là loại cây hoàn toàn mới với người dân, họ cũng chưa hình dung được trong 5 – 6 năm chờ thu hoạch mủ thì họ sống bằng gì. Nhưng chúng tôi cứ kiên trì, hàng ngày vẫn cầm nghị quyết, đơn giá tiền lương, kế hoạch khoán công, khoán sản phẩm đi vận động. Dần dần, bà con tin tưởng, mới đầu có ít người vào nhưng sau đó lượng lao động tăng lên rất nhiều, thời đó 90% NLĐ là người đồng bào dân tộc thiểu số”.

Trong quá trình làm việc, bà vẫn luôn mong muốn để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, có việc làm, con em công nhân được đến trường, ốm đau được đến cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, ai chưa biết cạo, bà hướng dẫn tận tình, ai chưa hiểu rõ về chế độ chính sách lương thưởng, bà giải thích cặn kẽ, để họ yên tâm và tin tưởng mà gắn bó với cây cao su.

Nhiều người dân mang ơn cao su

Nghĩ lại thời kỳ đầu gian nan không kể hết nhưng với tấm lòng nhiệt huyết của người cán bộ, nhiều hộ gia đình đã chọn cao su là nghề gắn bó với gia đình, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là niềm phấn khởi. Bà kể: “Trước đây, khi trồng lúa trồng ngô, bà con chỉ làm tàng tàng, được đâu hay đó, chỉ mong đủ ăn. Với suy nghĩ đó nên mãi không khá lên được. Khi vào làm công nhân cao su, với chế độ chính sách khen thưởng rõ ràng, mọi người ai cũng thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản lượng được giao, tận thu mủ, tham gia các phong trào rất tích cực. Giờ đây họ xem công việc là niềm yêu thích, là công việc gắn bó và mang tính chất quyết định thay đổi đời sống của họ, nhiều người dân nơi đây mang ơn cao su”.

Những năm gần đây giá cao su giảm liên tục kéo theo thu nhập của NLĐ cũng giảm dần, bà vẫn động viên công nhân thôn buôn tiếp tục bám trụ với cao su. Bởi theo bà: “Nếu chỉ làm lúa làm ngô thì không thể nào có thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt hàng ngày, nói gì đến nuôi con ăn học. Người ngày càng đông, diện tích đất đai thu hẹp dần, nếu không bám trụ vào nghề đã giúp mình khấm khá hơn thì sống bằng gì. Rồi sau này con cái vất vả hơn nữa, bây giờ bố mẹ làm công nhân cao su, khi về hưu thì con cái vẫn tiếp tục được làm công nhân cao su. Như vậy họ đã truyền nghề được cho con cái họ. Khó khăn nhưng làm sao khó bằng thời gian trồng mới ngày trước, tôi tin rằng cao su sẽ ổn định, khi tìm được thị trường mới giá sẽ nhích dần lên”.

Quỳnh Mai