CSVN – Đến NT Thọ Sơn (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng), hỏi chị Huỳnh Thị Lệ Hằng, ai cũng biết và yêu mến, nể phục. Lệ Hằng không chỉ là “Bàn tay vàng” khai thác mủ cấp ngành, chị còn là gương phụ nữ “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” ở đơn vị. Chị vinh dự được CĐ Cao su VN tuyên dương danh hiệu “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú” lần I năm 2017.
Bàn tay vàng cấp ngành
Lệ Hằng sinh năm 1985 tại xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đầu năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, không có điều kiện học tiếp, chị xin vào làm CN khai thác ở Tổ 7, NT Thọ Sơn, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Hơn 14 năm làm CN khai thác, chị luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao kỹ thuật cạo mủ, luôn hoàn thành vượt mức sản lượng từ 101% trở lên, kỹ thuật khai thác đạt 0,9%. Nhiều năm liền, chị tham gia tích cực phong trào “Luyện tay nghề -Thi thợ giỏi”. Chị là gương mặt quen thuộc tại các hội thi thợ giỏi cấp nông trường, công ty tổ chức. Với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, năm 2016, chị đã đạt giải ba tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su cấp ngành và giải nhì cấp công ty, với số điểm tuyệt đối 100.
Chị chia sẻ: “Lúc mới vào làm CN khai thác cao su, mình chỉ nghĩ phải kiếm tiền mưu sinh cuộc sống, nhưng rồi yêu nghề, yêu mỗi đường dao cạo khi nào không hay. Việc phải thường xuyên rèn luyện tay nghề là khâu quan trọng nhằm nâng cao tay nghề, khai thác vườn cây đúng quy trình kỹ thuật, đúng tiềm năng sản lượng vườn cây để đạt năng suất cao, duy trì ổn định hết chu kỳ khai thác. Vì vậy, hàng ngày mình thường xuyên luyện tay nghề ngay tại phần cây của mình, cạo chuẩn từng đường dao một”.
Nhân tố điển hình của hoạt động phong trào
Không chỉ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trong các hoạt động phong trào của đơn vị, chị Hằng luôn tích cực tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao, được đồng nghiệp quý mến. Hơn 10 năm tham gia Ban chấp hành CĐ nông trường và là Tổ trưởng CĐ Tổ 7, chị luôn là nơi chia sẻ, chỗ dựa tinh thần của Đoàn viên trong đơn vị. Chị nhiệt tình giúp đỡ mọi người, không quản ngại việc khó, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa và sự phát triển bền vững của đơn vị. Chị còn là thành viên đội văn nghệ, cầu thủ bóng chuyền, cầu lông, người dẫn chương trình…
Ông Nguyễn Duy Chinh – Giám đốc NT Thọ Sơn, nhận xét: “Huỳnh Thị Lệ Hằng là gương CN cao su ưu tú, xứng đáng được học tập và nhân rộng. Nhiều năm liền, luôn hoàn thành vượt mức sản lượng, tích cực rèn luyện tay nghề để đạt giải Bàn tay vàng cấp ngành, cấp công ty. Bên cạnh đó, Hằng tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại nông trường và là tấm gương phát triển kinh tế hộ gia đình tại đơn vị”.
Gương “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”
Ngoài làm công nhân, gia đình chị hiện có 4 ha cao su đang trong thời gian khai thác. Mỗi năm từ phát triển kinh tế gia đình, chị cũng tích lũy được gần 200 triệu đồng. Ngoài thời gian làm việc, sinh hoạt ở nông trường, thời gian cùng gia đình tích cực tham gia phát triển kinh tế, chị luôn dành thời gian theo dõi dạy bảo chăm sóc các con học hành, hai con đều chăm ngoan, học giỏi. Gia đình chị liên tục được công nhận là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Với những nỗ lực cố gắng của mình, chị Lệ Hằng chính là điển hình xuất sắc, một tấm gương tiêu biểu xứng đáng với danh hiệu “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú”.
Tuệ Linh
Related posts:
- Nghĩa vụ và trách nhiệm
- "Tâm lý vững, quyết tâm cao"
- "Luôn cố gắng noi gương Bác Hồ bằng những việc làm gần gũi nhất"
- Cán bộ trẻ đồng bào dân tộc: Khi năng lực được khẳng định
- Cần nhân rộng mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình
- Võ Tá Tình - Công nhân ưu tú ở Cao su Hà Tĩnh
- Gắn bó với cây cao su là cái duyên
- Chặng đường 91 năm báo chí cách mạng ngành cao su Việt Nam
- Bùi Thị Trang - "Bàn tay vàng" lai ghép cao su
- Chuyên cần quyết định sản lượng