CSVN – Phát huy truyền thống Phú Riềng Đỏ, rất nhiều thợ giỏi của “giai cấp công nhân (CN) cao su” đã vượt lên trong lao động xây dựng ngành, làm giàu cho đất nước. Dưới đây là hai gương mặt xuất sắc của lớp thợ giỏi đầu tiên.
Bà Nguyễn Thị Ngời tức Năm Ngời sinh năm 1931, quê Biên Hòa, Đồng Nai, vào làm CN cao su khi mới 17 tuổi. Năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, lúc ấy đã 44 tuổi, bà tiếp tục làm CN tại Nông trường Hàng Gòn (Đồng Nai). Mấy chục năm theo nghề, bà được bạn bè, đồng nghiệp thương quí, bởi dù đã có tuổi nhưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm.
“Ở” lâu với cây cao su, phát sinh tình thương nên bà biết tính biết nết gần như từng cây một trong phần cạo trên 1.000 cây của mình: cây nào cho mủ nhiều, cây nào cho mủ ít, cây nào mắc bệnh nên cho mủ thất thường… Vì thế với cây mủ nhiều thì cạo trước, cây mủ ít cạo sau, cây bị bệnh thì lo “dưỡng thương” cho nó. Nhờ vậy mà bà luôn có được năng suất cao từ hiểu biết vườn cây chứ không bằng cạo thúc, cạo phạm… Bình quân mỗi ngày bà cạo được 40 lít mủ, vượt hơn người bình thường từ 7 đến 12 lít. Sáng sáng ra lô, bà chịu khó nhặt nhạnh, bóc hết mủ chén, lượm hết mủ bèo, rồi lau chén cho thật sạch để khi dòng mủ mới chảy vào không bị chua, bị pha lẫn tạp chất. Thấy cái máng cái kiềng nào bị hư hỏng, bà chịu khó góp nhặt sửa lại… Chiều chiều, sau lần trút mủ cuối, trước khi rời vườn cây, bà còn nán lại phát dọn cỏ, chịu khó tìm cách gỡ từng cái ổ rồng đeo bám trên cây, bởi cái thứ tầm gởi này sẽ hút, sẽ cướp đi dòng nhựa trắng quý báu. Bà thường nói vui: “Đây là những kẻ ăn bám, phải diệt nó!”. Cứ chắt chiu chắt chiu như vậy, mỗi năm bà Ngời luôn vượt định mức từ 15 đến 30% với chất lượng mủ loại tốt. Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, nhất là với cánh thợ trẻ, bà luôn khiêm tốn, sẵn lòng truyền đạt những kinh nghiệm của mình qua mấy chục năm gắn bó cùng vườn cây cao su. Ở Nông trường Hàng Gòn, nhiều CN người dân tộc như Thị Thẻ (người K’Ho), Thị Loan (người Chơ Ro), Kha Ly Nhung (người Khơmer)… rất “ái mộ” bà Ngời. Họ nói: “Má Ngời làm giỏi mà không kiêu căng, ngược lại luôn chân tình giúp đỡ mọi người. Người dân tộc chúng em rất quý những người có cái bụng như vậy”.
Cứ lặng thầm trong công việc mà luôn đạt hiệu quả cao, lại nhân hậu với mọi người, bà Năm Ngời được đồng nghiệp mến yêu, cấp trên quý trọng. Tháng 8/1985, qua đề đạt của Tổng cục Cao su, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là cá nhân đầu tiên trong ngành vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này.
Những năm đầu thập niên 1980, chị Phạm Thị Liên, CN Nông trường Bình Lộc (Đồng Nai) rất nổi tiếng sau sự kiện là CN cao su duy nhất trong toàn ngành được cử đi dự “Hội nghị sáng kiến toàn quốc” tại thủ đô Hà Nội vào năm 1981. Chị Liên là người CN duy nhất được chọn, bởi chị đã có một sáng kiến rất tuyệt: “Cạo ba vòng quay”.
Cạo ba vòng quay tức vòng một cạo cây nhiều mủ trước, vòng hai cạo cây cho mủ trung bình, vòng ba cạo cây ít mủ còn lại, nhằm có thể thu được lượng mủ tối ưu, chứ không theo cách cạo truyền thống là cứ đi từ đầu tới cuối lô. Sáng kiến này của chị Liên nhằm “tạo điều kiện” cho những cây cao su tốt, khỏe có thời gian cho mủ dài hơn, còn những cây yếu thì dù có cạo trước cũng chẳng cho mủ nhiều, để vòng cuối cạo cũng vẫn dư thời gian cho chúng nhỏ mủ. Chính từ sáng kiến này mà chị Liên đã nâng năng suất của mình lên trên 6 tấn/năm, cao gấp ba lần người thợ khác trong thời điểm đó.
Nhưng để thành công cùng phương pháp “cạo ba vòng quay” là chuyện không dễ dàng, bởi người thợ phải có hai yếu tố cơ bản: một là phải có sức khỏe để di chuyển tới lui liên tục trong phần cây; hai là phải thông hiểu “tính nết” của hàng trăm hàng ngàn cây cao su trong phần cây của mình (cây nào khỏe, cây nào yếu, cây nào mủ ít, mủ nhiều, cây nào đang bệnh…).
Từ sáng kiến này mà chị Phạm Thị Liên đã được ngành cao su cử đi Hà Nội. Tại Hội nghị sáng kiến 1981, chị đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngợi khen là “Người nữ CN cao su đẹp nhất, có sức làm việc bằng ba người bình thường”, và được tặng một chiếc xe đạp của Đức, thời điểm ấy rất có giá trị.
Sau khi từ Hội nghị sáng kiến toàn quốc trở về, Phạm Thị Liên nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp. Chị đã được bồi dưỡng rồi đề bạt lên làm Phó GĐ Nông trường Bình Lộc. Thế nhưng làm việc chỉ được mấy tháng thì chị thấy “nhức đầu”, và thẳng thắn nói: “Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo, nhưng thật tình, tôi không đủ năng lực làm cán bộ. Tôi xin trở lại làm CN, bởi đó mới đúng là vị trí của tôi”.
Thế là từ đấy, Chiến sĩ thi đua toàn quốc Phạm Thị Liên trở lại với vườn cây một nắng hai sương, và chị tiếp tục hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm cho đến ngày nghỉ hưu, trong tình cảm trân trọng, thương quí của mọi người.
Phạm Thị Liên là trưởng nữ trong một gia đình có “ngũ long công chúa” ở Tân Uyên, Bình Dương. Mẹ chị cũng là một CN cao su. Năm 1964, chị theo chân mẹ bước vào nghề cạo mủ.
SÁU VƯỜN ƯƠM
Related posts:
- Thành công nhờ tâm huyết và sáng tạo
- "Gà mẹ đẻ gà con" - Hướng đi phù hợp cho chương trình phát triển cao su tại Tây Nguyên
- Tận tâm với công việc, tâm huyết với ngành
- Đậu Văn Thao - Tấm gương trong lao động sản xuất
- Đức Nghiệp và Nàng Thoon
- 15 năm làm đội trưởng
- Gia đình 4 thế hệ yêu ngành, yêu nghề
- Điểu Sít không ngại khó
- Cán bộ trẻ đồng bào dân tộc: Khi năng lực được khẳng định
- Dựa vào dân, dẫu khó muôn lần cũng vượt!