Tăng năng suất vườn cây để bù giá bán thấp

Đến hết tháng 9, hầu như các đơn vị khu vực Tây Nguyên đều đạt mục tiêu đề ra trong khai thác. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật cho rằng hoàn thành kế hoạch trong năm nay là sự cố gắng rất lớn bởi do điều kiện thời tiết và bệnh rụng lá mùa mưa ảnh hưởng nặng. Với nhiều khó khăn, các công ty vẫn tập trung vào việc khai thác sản lượng, tăng năng suất nhằm giảm khó cho khâu tiêu thụ.
Thời tiết khắc nghiệt

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khả Liễm – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, một trong những đơn vị gặp thuận lợi nhất khu vực khi hết tháng 9 đã khai thác đạt 70% sản lượng cả năm, cũng phải thừa nhận: “Hiện nay, tình hình hết sức khó khăn. Phấn trắng về cơ bản đã xử lý được, nhưng bệnh rụng lá mùa mưa thì vẫn còn là vấn đề nan giải”.

Năm 2014, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum được giao kế hoạch khai thác 13.500 tấn, đến hết tháng 9 công ty đã khai thác được 10.000 tấn. Chỉ còn 30% kế hoạch trong quý IV, quý chiếm đến 40 – 50% kế hoạch cả năm, nhưng lãnh đạo công ty cũng chỉ đặt ra chỉ tiêu phấn đấu khai thác đạt 14.000 tấn, tức chỉ vượt khoảng 500 tấn. Bởi tuy có chút thuận lợi nhưng không dám chắc chắn do thời tiết diễn biến hết sức khó lường.

Các đơn vị còn lại của Tây Nguyên hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác, nhất là Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang. Theo Phó TGĐ Trương Thanh Tuấn thì: “Tình hình của công ty vốn đã khó khăn, nay lại càng khó hơn khi năm nay kế hoạch khai thác với năng suất 1,3 tấn/ha, trong khi đó năm 2013 chỉ tiêu giao là 1 tấn/ha. Ngoài ra, năm nay chỉ tiêu khai thác lên đến 7.700 tấn nhưng hiện nay vườn cây bị bệnh rất nặng. Sau khi phục hồi được phần nào do phấn trắng thì đến lượt rụng lá mùa mưa, vườn cây dường như kiệt quệ. Mặt khác bón phân đợt 2 lại giảm so với những năm trước. Đến hết tháng 9, công ty mới đạt trên 40% vì thế việc hoàn thành kế hoạch rất khó”.

Các đơn vị đang nỗ lực vừa giữ chân người lao động, vừa phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Ảnh: N.K
Các đơn vị đang nỗ lực vừa giữ chân người lao động, vừa phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Ảnh: N.K

Tại các đơn vị khác, tình trạng rụng lá mùa mưa cũng làm cho vườn cây suy yếu. Tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông diện tích bị rụng lá mùa mưa ở cấp độ nặng lên trên 3.000 ha, do đó việc khai thác cũng gặp chút bất lợi. Hết tháng 9 công ty chỉ đạt 52% kế hoạch cả năm.

Khả thi nhất trong việc hoàn thành và vượt kế hoạch có lẽ là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê. Trưởng phòng kỹ thuật công ty, ông Bùi Duy Đốc cho biết: “Đến ngày 18/9 công ty đã khai thác được 3.633 tấn, chiếm 58,6% kế hoạch cả năm. Dự kiến hết năm công ty có khả năng vượt được 1-2% kế hoạch, tức khoảng trên 100 tấn, nếu tình hình thời tiết tốt”.

Tại Công ty TNHH MTV Cao su Ea Hleo, Trưởng phòng kỹ thuật Trần Thị Thanh Mai cũng thông tin: “Năm nay diện tích bị rụng lá mùa mưa cấp độ nặng lên đến 47% diện tích khai thác, cùng với việc nhiều công nhân bỏ cạo, xin nghỉ vì lương thấp…khiến cho việc khai thác càng trở nên khó khăn hơn, vì thế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành kế hoạch cuối năm của đơn vị”.

Cố gắng duy trì đầy đủ các chế độ cho người lao động

Với tình hình khó khăn như hiện nay, các đơn vị vẫn phải cố gắng phấn đấu duy trì các chế độ nhằm giữ chân người lao động. Theo ông Lê Khả Liễm thì: “Hiện công ty vẫn đảm bảo ăn ca cho người lao động ở mức 12.000 đồng/suất. Nhưng vấn đề tiền lương thì cũng chưa chắc chắn điều gì, bởi giá bán hiện nay vẫn đang ở mức thấp, dưới giá thành. Nếu cuối năm công ty có lãi thì người lao động được hưởng 85% lương của năm 2013, còn nếu lỗ thì người lao động phải hưởng mức lương tối thiểu”.

Khi tiền lương người lao động liên tục có sự điều chỉnh, gây nên lo lắng, một bộ phận công nhân cạo thiếu tập trung, cũng như rất nhiều những khó khăn khác đang tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.

Để vượt qua tình hình hiện nay, các đơn vị đang tập trung chỉ đạo công tác khai thác, nhằm tăng năng suất vườn cây để bù đắp phần nào cho giá thấp. Trong đó có việc giữ nguyên chế độ ăn ca, trợ cấp tiền lương qua đơn giá sản phẩm, dùng những nguồn kinh phí khác để hỗ trợ tiền lương cho người lao động… Do đó, mặc dù thu nhập của người lao động có sự biến động nhưng hầu hết vẫn yên tâm công tác, bám lô, theo sát vườn cây.

Văn Vĩnh