Để ngành gỗ bứt phá

CSVN – Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, tiềm năng ngành gỗ không dừng lại ở đó.
Ngành gỗ VN còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Vũ Phong.
Ngành gỗ VN còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Vũ Phong.
Lợi thế khi có chứng chỉ FSC

Theo bà Đỗ Thị Bạch Tuyết – Tổng Giám đốc Công ty Woodsland, tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện nay rất lớn, tuy nhiên các đối tác ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là về vấn đề nguồn gốc gỗ, điều kiện sản xuất, đảm bảo môi trường. Vì thế, hiện công ty đang tập trung ưu tiên nhập nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và hợp tác cùng người dân để mở rộng diện tích rừng có FSC.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào nhóm hộ có chứng chỉ rừng trồng FSC, ông Nịnh Văn Lìn – Trưởng nhóm FSC của Hợp tác xã (HTX) Tiến Huy (Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cũng không hiểu nhiều về chứng chỉ FSC, chỉ trồng rừng theo tập quán cũ, nghĩa là cứ xuống giống rồi bỏ đấy, bao giờ cây to thì gọi thợ vào chặt bán. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia FSC, có rất nhiều cái lợi như được tỉnh hỗ trợ giống, chất lượng, sản lượng gỗ tăng lên, thời gian thu hoạch rút ngắn xuống còn 7 – 8 năm”.

So với rừng không có chứng chỉ, việc tham gia FSC giúp các hộ trồng rừng có thu nhập tăng lên nhờ giá trị gỗ tăng từ 1,3 lên 1,5 triệu đồng/m3 gỗ. Cũng vì thế, từ chỗ chỉ có 4 hộ tham gia vào nhóm trồng rừng FSC, sau chưa đầy 4 năm, đã có tới 668 hộ trong HTX Tiến Huy tham gia vào nhóm hộ này.

Sản xuất tại Công ty CP Gỗ Tây Ninh. Ảnh: Tùng Châu
Sản xuất tại Công ty CP Chế biến XNK Gỗ Tây Ninh. Ảnh: Tùng Châu
Để VN trở thành “công xưởng đồ gỗ của  thế giới”

Tại diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”, tổ chức vào tháng 2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo. Đây là hội nghị thứ 2 về xuất khẩu gỗ, lâm sản được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ hội nghị tổ chức hồi tháng 8/2018. Thủ tướng đề nghị một số vấn đề. Đầu tiên là nhận diện đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của ngành để phát huy, tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững, đạt hiệu quả.

Về cơ chế chính sách, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương có nhiều nỗ lực triển khai một số giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản cần nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, tận dụng được tối đa nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thủ tướng nêu rõ: “Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào số lượng các doanh nghiệp như hiện nay thì rất khó sau 10 năm nữa có thể chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Chúng ta phải kêu gọi, phải hợp tác thật nhiều với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tầm trung và cả các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới. Chúng ta cần biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Làm như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được khát vọng đưa ngành chế biến lâm sản Việt Nam tiến bước xa hơn”.

QUỐC KHÁNH