VRG nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông nghiệp

CSVN – Thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, VRG đã tích cực triển khai chỉ đạo các công ty xây dựng đề án sắp xếp tổng thể, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.
VRG phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa các công ty cao su vào năm 2018. Ảnh: Tùng Châu
VRG phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa các công ty cao su vào năm 2018. Ảnh: Tùng Châu
Triển khai tích cực, đồng bộ

Gắn với việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu VRG giai đoạn 2012 – 2015 đã được Thủ tướng phê duyệt, hiện nay VRG đang tập hợp các đề án của các công ty nông nghiệp, hoàn chỉnh các nội dung phương án sắp xếp tổng thể theo hướng cổ phần hóa 22 công ty nông nghiệp thuộc diện thực hiện theo Nghị quyết (NQ) 30 và Nghị định 118.

Ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG cho biết: “VRG đã triển khai đồng bộ đến các đơn vị thành viên về việc thực hiện NQ 30. Trong thời gian tới, VRG sẽ tiếp tục thực hiện NQ 30, thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp lại các đầu mối quản lý, trả lại một số diện tích đất không phù hợp cho việc phát triển cao su. Trong năm 2015, VRG sẽ tiến hành cổ phần hóa 5 công ty nông nghiệp ở khu vực miền Đông Nam bộ, các công ty còn lại sẽ hoàn thành cổ phần hóa năm 2018. Năm 2017, VRG sẽ phấn đấu cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn”.

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai NQ 30 còn gặp nhiều khó khăn. Đối với VRG, do đặc thù của ngành cao su có diện tích lớn, quá trình thực hiện dự án nhiều năm, chi phí đăng ký quyền sử dụng đất khá lớn nhất là công đoạn đo đạc bản đồ địa chính. Công tác giao khoán đất trước đây tại các địa phương còn thiếu cụ thể, chủ yếu trên giấy tờ, vì vậy diện tích giao, thuê đất cho doanh nghiệp chưa thật chính xác.

Ông Lê Văn Chành – TGĐ Công ty CPCS Tây Ninh cho biết: “Công ty CPCS Tây Ninh là đơn vị được VRG chọn thí điểm thực hiện cổ phần hóa năm 2006, từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động đến nay, công ty là một trong những đơn vị làm ăn có hiệu quả của VRG. Tuy nhiên, công ty đang gặp phải khó khăn rất lớn đó là giá tiền thuê đất lên đến 5 triệu đồng/ha. Trong điều kiện như hiện nay, giá thành và giá bán chỉ chênh lệch nhau rất ít, trong khi tiền thuê đất quá cao thì công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Vườn cây Công ty CPCS Tây Ninh, đơn vị có tiền thuê đất lên đến 5 triệu đồng/ha
Vườn cây Công ty CPCS Tây Ninh, đơn vị có tiền thuê đất lên đến 5 triệu đồng/ha

Ông Lê Vĩnh Tân – Phó Trưởng Ban kinh tế TW cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện NQ 30 của Bộ Chính trị thì một số doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa thực sự đổi mới cơ chế quản lý và hình thức tổ chức sản xuất. Việc sử dụng đất đai tài nguyên rừng chưa đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững. Tranh chấp, lấn chiếm đất đai có dấu hiệu gia tăng ở một số tỉnh tại Tây Nguyên.

Về tài chính, một số doanh nghiệp chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, nguồn vốn của công ty nhỏ bé, vốn chủ sở hữu chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản xuất thiếu thống nhất, tổ chức chưa đồng bộ, công tác xây dựng, quản lý quy hoạch sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu kém”.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Khối doanh nghiệp Trung ương có 33 Tập đoàn, TCT, ngân hàng, trong đó có ba đơn vị trực thuộc là các Công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện cần sắp xếp lại theo Nghị quyết (NQ) số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định (NĐ) số 118 của Chính phủ, đó là: VRG, TCT Cà phê Việt Nam và TCT giấy Việt Nam. Ba đơn vị trên đang quản lý, sử dụng gần 587.000 ha đất nông, lâm trường, trong đó gần 160.000 ha tại Lào, Campuchia, với tổng số lao động đang sử dụng gần 149.000 người. Trong đó VRG có 22 công ty nông nghiệp, tổng quỹ đất nông nghiệp được giao quản lý gần 496.000 ha.[/stextbox]

Ông Tân cũng cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn giá nông sản xuống thấp như hiện nay, đặc biệt là giá cao su đang giảm sâu thì cần rà soát, quản lý chặt chẽ suất đầu tư, hạ giá thành sản xuất, đánh giá đúng hiệu quả đầu tư cao su ở vùng Duyên hải miền Trung và phía Bắc. Đề xuất cơ chế chính sách thực hiện tái canh cà phê, cao su, tháo gỡ khó khăn do giá xuống thấp.

Ngoài ra cần rà soát đánh giá những hạn chế yếu kém, trên cơ sở đó giải quyết triệt để những tồn tại vướng mắc trong công tác quản lý đất đai. Sắp xếp đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường khai thác tiềm năng đất đai và tài nguyên rừng. Chuyển đổi phần lớn các công ty nông lâm nghiệp theo hướng công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên nhằm tạo đột phá trong sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tăng cường hội nhập.

VRG kiến nghị cây cao su được hưởng ưu đãi đầu tư

Tại Hội nghị của Đảng ủy Khối DNTW về việc đẩy mạnh thực hiện NQ 30 của Bộ Chính trị, ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG đề nghị: “Các Bộ, ngành xem xét để miễn tiền thuê đất đối với vườn cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và miễn giảm tiền thuê đất đối với vườn cây kinh doanh trong tình hình khó khăn như hiện nay. Cây cao su được Bộ nông nghiệp đánh giá là cây rừng và đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 210 của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay cao su vẫn không được ưu đãi trong đầu tư, vì vậy chúng tôi đề nghị bổ sung thêm cây cao su vào danh mục được hưởng các chế độ ưu đãi đó. Đồng thời, để nâng cao giá trị sử dụng đất, rất mong Chính phủ, Bộ, ngành cho phép VRG được đa dạng hóa cây trồng trên diện tích đất cao su”.

Minh Nhiên