CSVN – Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Hôm nay, 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội”.
Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.
Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan và 63 địa phương; Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Các Ủy ban của Quốc hội: Kinh tế, Tài chính – Ngân sách, Pháp luật; Kiểm toán Nhà nước; Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng các Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của hơn 40 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước.
DNNN luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đất nước đang thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chúng ta đã và đang thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH.
Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và của doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng ta xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển KTXH”, Thủ tướng nói.
Với những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã báo cáo tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, DNNN luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nền kinh tế nhiều thành phần, DNNN luôn giữ vững vai trò quan trọng, then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Tuy nhiên, khu vực DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình.
Rất cần nhận diện những điểm nghẽn
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”, Thủ tướng chỉ rõ, “rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển KTXH thời gian tới”.
Gợi ý các nội dung thảo luận, Thủ tướng đặt vấn đề: Vì sao các DNNN chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ? Tại sao lại có tình trạng như vậy, nguyên nhân là gì, chủ quan và khách quan như nào? Do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện hay do con người? Phải chăng là do các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển ngành nghề chính của mình hay vì nguyên nhân nào khác?
Vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đã tốt chưa, vướng mắc những gì? Mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải như thế nào để phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước?
Tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc vấn đề gì, nên thoái vốn ở những loại hình doanh nghiệp nào? Xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa? Vì sao thời gian qua làm chưa đạt yêu cầu, mong muốn, để người dân, xã hội có ý kiến liên quan đến lĩnh vực này?
Đặt vấn đề về công tác quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, Thủ tướng nêu rõ, thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm… “Vậy nguyên nhân là gì, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không? Hay do cơ chế, chính sách hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành hay do chỉ đạo? Những vấn đề yếu kém, vướng mắc chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp”.
“Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DNNN như thế nào để phù hợp, nhất là ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này?”.
Thủ tướng cũng lưu ý thêm, trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới, sự phát triển nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, những cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu … tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các DNNN nói riêng. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, đưa ra các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN để có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp và hành động quyết liệt, hiệu quả.
Ngay sau Hội nghị hôm nay, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ với các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển KTXH.
DNNN đóng góp hơn 29% GDP
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 09 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con.
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh).
Quy mô tài sản bình quân của 01 DNNN là 6.095 tỷ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, cảng biển và logistic…
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng.
Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
theo baochinhphu.vn
Related posts:
- Cao su Chư Sê khen thưởng cho 210 cá nhân, 18 tập thể
- Quyết liệt, khẩn trương thực hiện lộ trình tái cơ cấu
- VRG đạt giải 3 thi an toàn, vệ sinh lao động giỏi toàn quốc
- Thống nhất để Cao su Kon Tum tiếp tục tái canh
- Quán triệt triển khai quy định, hướng dẫn của Trung Ương về tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước
- Miền núi phía Bắc tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thành viên VRG phát triển
- Cơ khí Cao su duy trì thu nhập cho người lao động ở mức cao
- Bệnh viện Cao su Đồng Phú nhận cách ly tập trung phòng dịch Covid-19
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành cao su
- Cao su Ea H'Leo: 3/7 nông trường, đội hoàn thành kế hoạch trước 25 ngày