“Dân cao su” chơi lan

CSVN – Hoa lan được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp kiêu sa, với cấu hoa cầu kỳ, nhiều hình dáng, màu sắc bắt mắt, khiến cho bao người mê, tìm hiểu cách chăm và sưu tầm nhiều giống lan tại vườn nhà. Tết đến xuân về, Cao su Việt Nam gặp gỡ một số anh chị trong ngành cao su mê chơi lan.

Chị Lý Thị Kim Liên bên cây lan chu đỉnh tím tại vườn nhà
Anh Nguyễn Văn Hải bên giò lan thanh đạm.
Lan đuôi chồn của anh Hải
Lan long tu trong vườn nhà chị Liên

Chị Lý Thị Kim Liên – Trưởng ban Nữ công Công đoàn Cao su Chư Sê nổi tiếng là “dân chơi lan”. Hiện vườn nhà chị có đến hàng trăm giống lan, đặc biệt là các dòng lan rừng. Những loại lan đòi hỏi người chơi phải biết cách thuần dưỡng, làm sao để cây trổ hoa đúng thời điểm, với mặt hoa đẹp và tỏa hương thơm.

Chị Liên kể về cơ duyên gắn bó với loài hoa này: “Từ một dịp đi dạo trên đường phố sau những ngày Tết, tình cờ nhìn thấy những khóm lan hồ điệp người chơi sau Tết bỏ trên vỉa hè, mình chợt nghĩ: “Tại sao người ta không chăm sóc để cây tiếp tục sống và cho hoa? Vốn mình đã thích ngắm hoa lan từ bé, về nhà mình dành thời gian tìm hiểu cách trồng, chăm sóc và mua hoa lan về trồng tại vườn nhà”.

Hơn 10 năm chị sưu tầm và chăm sóc hàng trăm loại lan nhiều dòng khác nhau. “Từ một ki lan (mầm lan) mình mua về hoặc trao đổi với bạn bè thì cần được chăm sóc 1 năm đến 2 năm, thậm chí 5 năm mới ra hoa, quá trình đó giúp mình thấm giá trị của sự chờ đợi, kiên trì, bền bỉ như thế nào trong cách chơi hoa lan”, chị chia sẻ.

Nhà ở vùng Tây Nguyên, khí hậu khá ưu ái cho các loại lan rừng, chị trồng những dòng lan như: phi điệp, trầm, giả hạc, hoàng lạp, địa lan…nhiều nhất là lan hài – dòng lan có mặt hoa đẹp, bền. Ngoài ra chị cũng trồng lan nghinh xuân, dòng lan có mùi hương rất thơm.

Anh Nguyễn Văn Hải – Trưởng Ban tuyên giáo Công đoàn Cao su Dầu Tiếng cũng là một “tay” chơi lan có cỡ. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Theo tôi, để cây lan cho hoa đẹp thì người trồng phải hiểu được đặc tính của loài lan, trước khi trồng cần phải thiết kế vườn đảm bảo có điều kiện tốt nhất. Cây hoa lan nên đảm bảo có khung đỡ hợp kim chắc chắn, chống gió bão nhưng cũng đảm bảo chịu được môi trường oxi hóa mạnh từ phân bón và độ ẩm cao. Mái che sử dụng lưới cắt nắng hay màng che sẽ có độ cắt nắng từ 50 – 80% tùy từng loại. Đa số cây lan có thuộc tính ưa bóng và một số lan nhiệt đới lại cần nhiều nắng để quang hợp”.

Với chị Lý Thị Kim Liên thì chơi lan không mất nhiều thời gian, chăm lan không khó, vấn đề là có thật sự yêu và tìm thấy niềm vui khi chơi hoa lan hay không. Chơi lan không thể nóng vội, mà phải hết sức kiên trì, nhẫn nại. Vào mỗi buổi chiều khi tan sở là chị Liên về nhà chăm lan, ghép lan, cắt tỉa và ngắm lan, chị coi đó như là một thú vui thanh đạm. Anh Hải cho biết thêm: “Trước đây, khai thác và trồng được một giò phong lan đẹp không phải ai muốn là được. Ngày nay với sự phát triển của khoa học qua phương pháp cấy mô đã cho ra đời nhiều loại phong lan mới, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và có thể sản xuất hàng loạt đáp ứng nhu cầu của người chơi. Còn mình chơi hoa lan là để sưu tầm và thưởng thức vẻ đẹp của nó, chơi hoa lan rất thú vị và thư giãn. Mình thích tất cả các loài lan, hiện tại vườn nhà mình đã sưu tầm được hơn 30 loại”.

Chị Liên tham gia các hội nhóm yêu hoa lan, đảm nhiệm vai trò Ban tổ chức các kỳ hội thi hoa lan trong tỉnh nhà, quản lý các hội nhóm yêu hoa lan trên mạng xã hội. Chính vì vậy đã giúp chị có thêm mối quan hệ, giao lưu với những người cùng sở thích, cùng đam mê. Có khi chị và các hội viên tham gia đấu giá những dòng lan quý để tạo quỹ từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở trong và ngoài tỉnh. Hội nhóm của chị đã thu về nguồn quỹ khá lớn để trao học bổng cho những em học sinh nghèo, vượt khó học tốt.

VŨ PHONG