Kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp: Lĩnh vực cốt lõi

CSVN – Hoạt động kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) của VRG phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả cao và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận.

Một góc KCN Long Khánh. Ảnh: Đào Phong

Đây là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, góp phần gia tăng và phát huy hiệu quả sử dụng đất. Kết quả SXKD của VRG có sự đóng góp rất lớn của KCN, năm 2020, các KCN nộp ngân sách Nhà nước 1.548 tỷ đồng (vượt 92% kế hoạch).

Nhiều kết quả khả quan

VRG đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN (8 công ty  thành  viên: Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Nam Tân Uyên, An Điền, Tân Bình, Long Khánh, Đầu tư Sài Gòn VRG, KCN Cao su Bình Long và 3 công ty liên kết).

Với 16 dự án, tổng diện tích hơn 6.566 ha, nằm tập trung tại các tỉnh/thành: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bức tranh toàn cảnh các KCN của VRG hiện diện nhiều mảng màu tươi sáng, tiếp tục đánh dấu hiệu quả khả quan trong nỗ lực thực hiện kế hoạch SXKD.

Hầu hết các KCN đều đạt và vượt kế hoạch, đóng góp không nhỏ vào doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn. Các chỉ tiêu ước thực hiện năm 2020 các đơn vị của KCN đều đạt kết quả khả quan. Doanh thu trên 1.465 tỷ đồng (vượt 9% KH); lợi nhuận trước thuế 1.009 tỷ đồng (vượt 16% KH); lợi nhuận sau thuế 844 tỷ đồng (vượt 27% KH); tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân là 60%; nộp ngân sách Nhà nước 1.548 tỷ đồng (vượt 92% KH); tiền lương bình quân trên 11,1 triệu đồng/người/tháng (vượt 7% KH).

Công ty CP KCN Nam Tân Uyên là một trong những đơn vị dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận nhiều năm liền. Năm 2020, ước đạt doanh thu trên 455 tỷ đồng (vượt 10% KH), lợi nhuận sau thuế hơn 262 tỷ đồng (vượt 10% KH), nộp ngân sách Nhà nước 50 tỷ đồng (vượt 15% KH), thu nhập bình quân trên 14 triệu đồng/người/tháng (vượt 12% KH). Đến nay, KCN Nam Tân Uyên đã phủ kín diện tích đất thương phẩm của cả 2 giai đoạn.

Theo ông Huỳnh Hữu Tín – Phó TGĐ Công ty CP KCN Nam Tân Uyên: “Hiện nay công ty đang trong quá trình triển khai mở rộng giai đoạn 3 với diện tích 345 ha. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư vốn vào các KCN khác như Bắc Đồng Phú, Minh Hưng 3, Dầu Giây, Tân Bình, Sài Gòn VRG. Các KCN này đem lại hiệu quả và chia cổ tức ổn định”.

Dù mới đi vào đầu tư xây dựng chỉ 5 năm, nhưng KCN Tân Bình (TBIP) đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Hiện giai đoạn 1 của dự án với diện tích 352,5 ha  đã  gần như được lấp đầy, vì thế giai đoạn 2 sẽ được triển khai sớm hơn kế hoạch ban đầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng   số dự án đầu tư  tại KCN là 61 doanh nghiệp/64 dự án (trong đó 33 dự án trong nước và 31 dự án nước ngoài). Hiện có 52 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó 22 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 1.833 tỷ đồng và 30 dự án  nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là 237,7 triệu USD. Tổng số lao động toàn KCN là 11.300 người, trong đó có 450 chuyên gia nước ngoài.

Năm 2018, TBIP chia cổ tức 15% mệnh giá, năm 2019, TBIP chia cổ tức 100% mệnh giá. Năm 2020, ước đạt doanh thu trên 385 tỷ đồng (vượt 1% KH), lợi nhuận sau thuế hơn 191 tỷ đồng (vượt 27% KH), nộp ngân sách Nhà nước 197 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 12 triệu đồng/người/tháng (vượt 24% KH).

Dự án KCN Bắc Đồng Phú, hiện nay đã thu hút 43 nhà đầu tư, trong đó 31 dự án trong nước, 12 dự án nước ngoài.

“Hàng năm, công ty luôn hoàn thành kế hoạch SXKD; tiền lương, thu nhập, đời sống NLĐ không ngừng được nâng lên, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời từ quỹ phúc lợi, công ty còn tham gia cùng địa phương, các ngành các cấp làm tốt công tác xã hội, đền ơn, đáp nghĩa…” – ông Phạm Phi Điểu – TGĐ Công ty CP KCN Bắc Đồng Phú, chia sẻ.

Toàn cảnh KCN Tân Bình. Ảnh: Đào Phong
Đẩy mạnh mở rộng quy mô

VRG hiện đang sở hữu quỹ đất khoảng 407.800 ha. Lĩnh vực đầu tư KCN đang được Tập đoàn đẩy mạnh phát triển. Với định hướng tập trung chuyển đổi đất cao su thành KCN, quỹ đất của Tập đoàn có lợi thế tiết kiệm thời gian và chi phí đền bù so với các KCN khác, nằm ở các khu vực kinh tế phát triển năng động; chi phí đầu tư rẻ; hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh; giá thuê đất cạnh tranh…

Trong những năm tới, VRG tập trung khai thác hiệu quả các KCN hiện có, đồng thời mở rộng giai đoạn hai các khu vực đã có quy hoạch. Về phía các công ty KCN, để khẳng định vị thế của mình, đã và đang thực hiện các thủ tục để đầu tư mở rộng thêm trên 5.000 ha, trong đó KCN Tân Bình thực hiện mở rộng giai đoạn 2 lớn nhất trong các đơn vị còn lại với 1.055,83 ha.

Tại Bình Dương, VRG triển khai các dự án KCN Tân Lập 1 (400 ha), KCN Hội Nghĩa (560 ha) và KCN Minh Hưng 2 mở rộng (590 ha). Tại Bình Phước, triển khai hai dự án gồm KCN Bắc Đồng Phú mở rộng và KCN Nam Đồng Phú mở rộng với tổng diện tích 800 ha. Các dự án còn lại bao gồm KCN Dầu Giây mở rộng (75 ha), KCN Long Khánh mở rộng (500 ha) tại Đồng Nai và KCN Nam Pleiku mở rộng (200 ha).

Thực hiện chủ trương của VRG, Công ty CP Cao su Phước Hòa sớm triển khai chuyển đổi đất kém hiệu quả sang đầu tư KCN. Ông Huỳnh Kim Nhựt – Chủ tịch HÐQT Cao su Phước Hòa, cho biết: Việc chuyển đổi từ đất cao su sang đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, cụ thể là KCN Nam Tân Uyên và KCN Tân Bình góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho những khu vực đất xấu, bạc màu, vườn cây già cỗi, đóng góp tích cực vào việc tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động SXKD và chăm lo đời sống NLĐ của công ty.

Cụ thể, năm 2018, KCN Tân Bình chia cổ tức 15% mệnh giá giúp Cao su Phước Hòa thu về 19,2 tỷ đồng. Năm 2019, KCN Tân Bình chia cổ tức 100% mệnh giá giúp Cao su Phước Hòa thu về 128 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng KCN trên đất cao su góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách cho địa phương…

Với tiềm năng, thế mạnh về hạ tầng, vị trí thuận lợi, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, nguồn lao động ổn định… các KCN thuộc VRG sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

TUỆ LINH