CSVN – 38 năm gắn bó với ngành cao su, trải qua bao thăng trầm, ông Trương Minh Tuấn cho rằng bản thân gắn bó ngần ấy năm với cao su đó là duyên nghiệp.
Vậy nên, khi ngành cao su cần, với tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết của mình, ông đã xa gia đình, xung phong nhận nhiệm vụ ở vùng đất mới với cương vị Tổng Giám đốc Công ty CPCS Sơn La từ ngày 15/5/2020.
Xung phong nhận nhiệm vụ mới
Ông Trương Minh Tuấn chia sẻ: “Cao su là một phần của cuộc đời tôi, là sự nghiệp của tôi. Còn 5 năm nữa nghỉ hưu, tôi sẽ cố gắng dành hết khoảng thời gian còn lại để phục vụ, đóng góp sức mình cho trọn tình, trọn nghĩa với cây cao su”.
Ông Tuấn quê gốc ở TP.HCM, lớn lên và trưởng thành trên vùng đất Dầu Tiếng anh hùng. Năm 1982, ông xin vào làm công nhân Nông trường Long Hòa, Công ty Cao su Dầu Tiếng. Qua 38 năm làm việc, ông đã đảm trách nhiều chức vụ khác nhau: từ công nhân đến cán bộ kỹ thuật Nông trường Long Hòa, Bí thư ĐTN công ty, Phó Giám đốc Nông trường Long Hòa, Long Nguyên, rồi Giám đốc Nông trường Minh Hòa.
“Trong tình hình khó khăn hiện nay của ngành, với tinh thần trách nhiệm và “cái nghiệp” với ngành cao su nên tôi quyết định lên đường nhận nhiệm vụ mới ở Công ty CPCS Sơn La”, ông Tuấn chia sẻ.
Khi được hỏi về những lo lắng, khó khăn khi nhận nhiệm vụ ở vùng đất mới, với nụ cười hiền chân chất, ông Tuấn cho rằng: “Lo lắng cũng có đấy, khó cũng có đấy, nhưng càng khó thì mình càng phải nỗ lực hơn. Tôi sẽ cố gắng ổn định về mặt tổ chức, phấn đấu đưa Cao su Sơn La hoàn thành kế hoạch SXKD, nâng cao đời sống NLĐ, góp một phần nhỏ vào sự ổn định và phát triển của ngành”.
Quyết tâm hoàn thành kế hoạch SXKD
Chia sẻ về nhiệm vụ mới, ông Tuấn cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ ở Cao su Sơn La, tôi luôn tích cực giám sát vườn cây, thực hiện nhiều biện pháp để tăng năng suất lao động. Bởi năng suất lao động tăng thì sẽ tăng năng suất vườn cây, tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần ổn định việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ. Đây là vấn đề mấu chốt để giữ chân NLĐ”.
Chính vì vậy, sau 2 tháng nhận nhiệm vụ, ông Tuấn dồn tâm sức hướng dẫn công nhân củng cố vườn cây, năng suất, sản lượng, kiện toàn lại bộ máy quản lý, lãnh đạo từ công ty đến nông trường để áp dụng các biện pháp quản lý kỹ thuật, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Bên cạnh đó, xây dựng tốt mối quan hệ với địa phương, huyện, tỉnh để nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế.
Vẻ mặt phấn khởi, giọng nói đầy tin tưởng, ông Tuấn cho biết: “Nhờ tập trung quản lý vườn cây, chú trọng công tác khai thác nên sản lượng hiện nay đã có chiều hướng tăng. Kế hoạch sắp tới là phải nâng cao năng suất vườn cây. Hiện tại năng suất dưới 1 tấn/ha, phấn đấu sắp tới năng suất sẽ trên 1 tấn/ ha và từng bước tăng lên dần theo các năm”.
Công ty CPCS Sơn La hiện có 5 nông trường, 1 nhà máy chế biến Cao su 28/10 công suất 6.000 tấn/ năm, chế biến mủ SVR10 chất lượng tốt, được các tổ chức quốc tế kiểm tra và công nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn. Công tác tiêu thụ thuận lợi, hiện công ty không có hàng tồn kho.
Chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao cho công ty năm 2020 là 4.000 tấn, năng suất 1,02 tấn/ha. Năm nay do bệnh phấn trắng kéo dài từ đầu năm ảnh hưởng đến tiến độ khai thác và sản lượng của đơn vị, tuy nhiên công ty đã nỗ lực vận dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào vườn cây, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ SXKD.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Họ đã làm gì?
- 349 người lao động nhận quà trong chương trình Tết sum vầy
- Câu lạc bộ 2 tấn/ha: Vì mục tiêu năng suất - chất lượng - hiệu quả
- Truyền thống gia đình là động lực phấn đấu
- Liberia tiếp tục cấm xuất khẩu cao su chưa qua chế biến
- Cao su Bình Long sôi nổi ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Không sợ vất vả, chỉ sợ cây không cho mủ !
- Xuất khẩu cao su vượt 1 tỷ USD sau 5 tháng
- Khúc tráng ca cao su Tây Bắc: [Bài 3] Tiếng reo vui ở Mường Trời
- Ngày mới hăng say thi đua lao động sản xuất ở Cao su Bình Long