Truyền thống gia đình là động lực phấn đấu

CSVN – Anh Trần Nguyễn Nhân – Công nhân bảo vệ NT Bình Minh, Cao su Bình Long là thế hệ thứ tư trong gia đình gắn bó với ngành cao su. Gia đình anh tự hào được vinh danh “Gia đình truyền thống công nhân cao su tiêu biểu” do VRG tổ chức nhân kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành CSVN (28/10/1929 – 28/10/2014).

Anh Nhân và mẹ luôn trân trọng giữ gìn phần thưởng ghi nhận gia đình truyền thống công nhân cao su tiêu biểu

Anh Nhân có bà cố ngoại (bà Nguyễn Thị Ruộng, sinh năm 1911), ông ngoại (ông Nguyễn Văn Giang, sinh năm 1930), bà ngoại (bà Trần Thị Hoa, sinh năm 1930) và mẹ (bà Nguyễn Thị Tươi, sinh năm 1959) đều làm công nhân cao su qua các thời kỳ khác nhau. Năm 2006, anh Nhân khi đó 19 tuổi (sinh năm 1987) được tuyển dụng vào làm công nhân khai thác mủ tại Đội 3, NT Đồng Nơ. Đến năm 2007 thì chuyển về Đội 2, NT Bình Minh. Trong quá trình làm việc, anh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác mủ đơn vị giao; trình độ tay nghề luôn xếp loại giỏi.

Bên cạnh đó, anh luôn tích cực tham gia phong trào thanh niên xung kích bảo vệ vườn cây, sản phẩm và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn đơn vị quản lý. Năm 2008, anh Nhân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau khóa huấn luyện tại Tiểu đoàn 208, anh được biên chế về phòng Hậu cần (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước). Đến năm 2010, anh xuất ngũ trở về tiếp tục làm công nhân khai thác cao su. Là một thanh niên xông xáo và đã qua môi trường quân đội nên đầu năm 2015, ban lãnh đạo NT đã chuyển anh qua làm công nhân bảo vệ. Ngày 27/3/2015, anh vinh dự được kếp nạp Đảng. Trong câu chuyện về quá khứ, hiện tại và tương lai của người công nhân cao su, bà Nguyễn Thị Tươi (mẹ anh Nhân) kể: “Trước giải phóng, cả ba bà cháu (bà ngoại, mẹ và bản thân bà) đều làm công nhân cao su cho chủ tư sản đồn điền ở vùng này. Thời đó, giới chủ chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên bản thân tôi khi ấy chỉ mới 12 – 13 tuổi vẫn được chúng “tuyển” vào làm công nhân. Từ sau Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh ngày càng ác liệt. Được sự tuyên truyền, giác ngộ của bộ đội giải phóng, gia đình tôi cũng như cũng như nhiều công nhân cao su ở đây đã trở thành cơ sở cách mạng, sẵn sàng nhường “cơm lô” (cơm trưa của công nhân cao su thời bấy giờ) cho bộ đội ăn no đánh giặc. Năm 1972, cả gia đình phải sơ tán sang Campuchia. Sau khi ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973) gia đình trở về sinh sống tại vùng Liên xã giải phóng (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Lúc này, Ban Cao su Nam Bộ đã tiếp quản đồn điền cao su ở Lộc Ninh và tôi được tuyển vào làm công nhân cao su ở đây trong 3 năm (1973 – 1975), sau đó chuyển về Cao su Bình Long làm công nhân khai thác mủ (1976 – 1994)”.

Như chợt nhớ ra điều gì, bà Tươi mở tủ lấy ra cho chúng tôi xem những giấy tờ đã ố vàng theo thời gian. Đó là giấy chứng nhận bà tham gia dân công hỏa tuyến trong chiến dịch lịch sử mùa khô 1974 -1975 và giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp kỹ thuật cạo mủ cao su do Quốc doanh Cao su Quản Lợi tổ chức từ ngày 14 – 28/3/1976. Bà xem những giấy tờ này như báu vật của đời mình nên cất giữ rất cẩn thận.

Vợ chồng bà có sáu người con đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. So với mặt bằng chung thì kinh tế gia đình thuộc hộ khá, đã xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt. Nhớ lại sự kiện được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành CSVN (tổ chức tháng 10/2014), anh Nhân xúc động cho biết cảm thấy mình rất vinh dự và tự hào, tự hứa với lòng sẽ luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của gia đình và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp.

NGUYỄN BẢO