Khúc tráng ca cao su Tây Bắc: [Bài 3] Tiếng reo vui ở Mường Trời

CSVNO – Vượt qua 15 năm gian khó, những thành quả của cây cao su trên mảnh đất Điện Biên hôm nay thực sự là ‘những tiếng reo vui ở Mường Trời’. 

Cao su hôm nay là nguồn sống của đồng bào Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Anh.
Khúc hoan ca trên rẻo cao

Tôi biết ông Phạm Đức Hiển tại Hội nghị sơ kết 3 năm phát triển cao su ở Tây Bắc được tổ chức ở Điện Biên Phủ vào năm 2010. Lúc đó ông là Giám đốc Sở NN-PTNT, nhậm chức đúng thời điểm vấn đề cao su ở Điện Biên hết sức nóng bỏng. Vẫn là vấn đề đất đai, điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu thích hợp trồng cao su hay không và câu chuyện về sinh kế đồng bào…

Còn nhớ bên hành lang hội nghị ông chủ động gặp tôi nói, báo chí phải mạnh dạn ủng hộ cao su Tây Bắc ông ạ, tôi tin tưởng chắc chắn rồi sẽ thành công. Thú thực lúc đó tôi cũng chỉ nghe thế, biết thế bởi bên trong hội trường, những ý kiến lo ngại cho cao su Tây Bắc vẫn còn nhiều lắm.

Lần này gặp lại, nhắc chuyện xưa ông cười cười nói: Nếu không phải vì niềm tin lớn “gan không núng, chí không mòn” chắc khó mà vượt qua được. Nhưng tôi nói có đúng không, chủ trương đưa cao su lên Tây Bắc đã thành công quá rồi còn gì nữa.

Nhìn lại hành trình 15 năm của cây cao su trên đất Mường Trời, ông Hiển nói thật gian khó. Mặc dù chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhưng cũng có nhiều lãnh đạo cấp cao gọi điện nói phải thận trọng đấy nhé, các tài liệu của người Pháp khẳng định cao su chỉ trồng được ở khu vực Vĩ tuyến 17 trở vào thôi. Chẳng phải từ những năm 1960, Nông trường Quốc doanh Điện Biên có trồng thử tại khu vực C10 nhưng sau đó chết gần hết trong trận rét lịch sử năm 1974 đó hay sao?

Chủ trương lớn mà nhiều cán bộ địa phương cũng không thông được. Họp bàn về phát triển cây cao su mà cứ xem nhau như đối tượng vi phạm, tìm chỗ này chỗ nọ để xét nét nhau.

Còn đồng bào lúc ấy vẫn đang trong cảnh chạy ăn từng bữa, vận động thì họ theo chứ bấy giờ chỉ thấy loại cây giống như cây trẩu, cây quế, nào có biết đó là cây gì. Ăn bát cơm còn có lúc rơi vãi huống hồ là cả một cuộc cách mạng đối với đời sống đồng bào như thế. Không đồng lòng, không đoàn kết thì làm ra làm sao.

Cao su Tây Bắc tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống đồng bào, góp phần xây dựng nông thôn mới, an ninh biên giới. Ảnh: Hoàng Anh.

Rồi cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, anh em cán bộ cùng với cao su chỉ biết động viên nhau chống chọi để vượt qua. Đến nỗi thuở mới lập Công ty Cổ phần cao su Điện Biên, cơ sở vật chất, hạ tầng không có, ông Giám đốc Sở NN-PTNT phải nhờ người sang Trung Quốc mua cuốc xẻng vì gom khắp chợ Điện Biên không đủ.

Khó khăn như thế nhưng sau 15 năm, tỉnh Điện Biên bây giờ có gần 6.000 ha cao su, 3/4 đã bước vào chu kỳ khai thác, năng suất vườn cây 1,4 tấn/ha, đứng đầu khu vực Tây Bắc. Tiền lương công nhân, tiền chia cổ phần góp đất cũng thuộc top đầu.

Hai Công ty Cổ phần cao su Điện Biên và cao su Mường Nhé những năm gần đây đều vượt kế hoạch sản lượng. Năm 2022 Công ty Cổ phần cao su Điện Biên sẽ tổ chức khai thác hơn 3.146 ha, sản lượng đạt 3.830 tấn, doanh thu dự kiến khoản 131,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.012 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/ tháng trở lên.

“Tất cả đã phơi bày, không một ai có quyền nghi ngờ gì về cao su ở Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung nữa cả”, ông Hiển nói. Cây cao su đã góp phần chuyển dịch được cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thay thế được cây lúa nương, cây ngô, cây sắn hằng ngàn đời nay. Trước đây, giá trị chỉ thu được trên dưới 10 triệu đồng/ha, nay nhờ sản xuất cao su mà giá trị thu được tăng hơn 5 – 6 lần. Nhất là đối với những hộ gia đình có đất góp với các công ty sản xuất cao su, đồng thời trực tiếp tham gia làm công nhân cao su.

Ông Phan Văn Lợi tự hào những cống hiến của bản thân đã góp phần giúp đời sống đồng bào góp đất trồng cao su ngày một ấm no. Ảnh: Hoàng Anh.

Như vợ chồng anh Lò Văn Một, người Khơ Mú đang là công nhân cao su Đội Mường Pồn 1. Gia đình anh Một có 5,8 ha đất góp với Công ty Cổ phần cao su Điện Biên, ngoài ra còn có 4.000 m2 ruộng, mỗi vụ chỉ cấy 2.000 m2 để lấy thóc ăn, số ruộng còn lại cho bà con trong bản mượn để cấy lúa, nuôi thêm trâu, bò, cá, sản lượng cá. Mỗi năm gia đình anh Một thu được trên 145 triệu đồng. Con cái học hành, nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ cũng là nhờ cao su.

Nhiều gia đình khác là công nhân cao su ở đội Mường Pồn 1 cũng thế. Rồi Thanh Nưa, những nơi trồng cao su đầu tiên ở Điện Biên, Mường Nhé, nơi xa xôi nhất đất nước.

Đời sống người dân góp đất trồng cao su đã thay đổi rất rõ, ổn định, ấm no. Mỗi gia đình chỉ cần hai vợ chồng làm công nhân cao su, lương từ 5-6 triệu, mỗi ngày đi cạo mủ 3-4 tiếng thì thời gian còn lại dư sức nuôi thêm con lợn con gà, làm nương làm rẫy. Mỗi tháng kiếm tầm 15, thậm chí có gia đình 20 triệu, thử hỏi có kém gì dưới miền xuôi không? 

Nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên cũng phân tích, ngoài hiệu quả rõ rệt về kinh tế, cây cao su trên đất Tây Bắc còn có những đóng góp lớn lao hơn nhiều. Giúp đồng bào biên giới ổn định sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng, biên giới lãnh thổ quốc gia…

Trước đây do không có công ăn việc làm, đất đai sản xuất ngày càng nghèo kiệt, đồng bào di dân tự do hết nơi này sang nơi khác, đi sang Trung Quốc, đi xuống các khu công nghiệp kiếm việc làm. Nhưng bây giờ vào những “bản cao su” người Khơ Mú, người Thái ở Điện Biên hay người Mông ở Mường Nhé hôm nay mà xem, khang trang hơn hẳn so với trước, bảo đi họ cũng chẳng đi. Mỗi công ty cao su có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia công nhân sản xuất cao su, đây là lực lượng quan trọng bám quê hương, bám bản, bám mường để xây dựng gia đình, bản mường, biên giới và xây dựng nông thôn mới.

“Thành tựu đó thật giá trị, thật đáng trân trọng, không ai được phép nghi ngờ. Là người con của mảnh đất Mường Trời tôi vẫn thường nghĩ, cao su Tây Bắc hôm nay là một tiếng reo vui, một khúc hoan ca trên rẻo cao”, ông Phạm Đức Hiển phấn khởi chia sẻ.

Kỳ tích ở Mường Nhé

Tháng 3 vừa rồi, ông Phan Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao su Điện Biên nghỉ hưu theo chế độ. Gần 15 năm lăn lộn với cây cao su trên vùng đất Tây Bắc, từ Lai Châu đến Điện Biên, có thể nói dấu chân ông gần như đã in khắp những vùng đất hoang sơ, những vùng đất tận cùng đói nghèo và những khổ ải. Từ thuở đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái, Cống, Hà Nhì, Khơ Mú và những đồng bào dân tộc thiểu số khác nơi phên dậu Tổ quốc còn chưa biết đến hình dạng cây cao su nó ra làm sao cho đến khi 28.000 ha cao su xanh mướt phủ khắp những núi đồi vốn là đất trống đồi trọc, rừng nghèo kiệt, chỉ có những mùa phá rừng, đốt nương làm rẫy và những cơn đói ăn triền miên của đồng bào.

Ngày chia tay cán bộ công nhân ông nói, tôi chỉ gói ghém hành lý cá nhân bước lên xe, để lại tài sản gần 50 tỷ đồng, 217 tấn mủ cho anh em công nhân và một niềm tự hào rằng những cống hiến của bản thân đã góp phần giúp đời sống đồng bào góp đất trồng cao su ngày một ấm no.

Người thay ông Lợi phụ trách công ty là anh Nguyễn Công Tám, vốn là người của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng, được điều động ra Công ty Cổ phần cao su Mường Nhé cách đây 7 năm.

7 năm lăn lộn với cây cao su ở vùng đất cực Tây của Tổ quốc, anh Tám chia sẻ: Phải tận thấy những đổi thay ở Mường Nhé hôm nay mới cảm nhận hết được thành tựu của chủ trương đưa cây cao su lên Tây Bắc. 

Khoảng hơn 10 năm trước, Mường Nhé trở thành điểm nóng khi xảy ra bạo loạn ở thôn Huổi Khon, xã Nậm Kè. Hàng nghìn đồng bào người Mông từ nhiều xã trong huyện và ở các địa phương khác như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk… đã bán hết nhà cửa, đất đai, nương rẫy, rời bỏ quê hương bản quán để kéo về Mường Nhé nhằm thành lập “Nhà nước Mông tự trị”.

Sự việc sau đó đã được xỷ lý yên ổn, nhưng làm gì để ổn định sản xuất, ổn định đời sống đồng bào là bài toán khó. Và Cao su Mường Nhé đã góp phần để giải “bài toán” này.

Nằm trong số 62 huyện nghèo nhất nước, 11 đồng bào dân tộc sinh sống, diện tích đất sản xuất chủ yếu sườn dốc, đồi núi. Những nương lúa, nương ngô trên đất cằn cỗi bạc màu chưa bao giờ là sự đảm bảo cái ăn của đồng bào.

Cũng giống như bao vùng đất khác ở miền núi, vận động đồng bào góp đất trồng cao su là chuyện không hề đơn giản, vậy mà ở Mường Nhé, 383 hộ gia đình đã góp 1.335 ha, 1.067 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với công ty cao su để đưa Mường Nhé trở thành nơi hoàn thiện 100% các thủ tục đất đai, hợp đồng góp đất đầu tiên của Tây Bắc.

Ổn định đời sống đồng bào là thành tựu lớn của cao su trên đất Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Anh.

Năm 2018, dòng “vàng trắng” đầu tiên chảy trên mảnh đất cực Tây cũng là khi đời sống đồng bào góp đất, làm công nhân cao su đỡ khó khăn, vất vả. Có mủ là có tiền, thu nhập của người đồng bào làm công nhân cao su ở Mường Nhé luôn nằm trong tốp cao nhất khu vực, hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021 vừa rồi công ty cũng đã chi trả hơn 5 tỷ đồng tiền 10% cho các hộ dân góp đất. Năm 2022 này đưa hơn 906 ha vườn cây vào khai thác, sản lượng dự kiến 900 tấn mủ.

Gia đình anh Lù Văn Thắng ở xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) có 5ha nương, trước đây là đất trồng ngô, trồng lúa. Vất vả nhưng không đủ sống. Kể từ khi ký kết hợp đồng góp đất hợp tác trồng cao su đến nay, gia đình anh Thắng đã được chia lợi nhuận từ tiền bán sản phẩm. Anh Thắng còn là công nhân cao su, mỗi ngày lên đồi cạo mủ chừng 4 tiếng, có những tháng cao điểm thu nhập gần 10 triệu đồng.

Hay như vợ chồng Phàn Phủ Sài, Tẩn Lở Mẩy đang làm công nhân ở Đội cao su số 5 Mường Nhé, Thào A Sinh, Mú Thị Ké ở Đội cao su Mường Toong,  Giàng A Nụ, Sồng Thị Hồ ở Đội cao su Nậm Kè, Sồng A Pang, Giàng Thị Só ở Đội cao su Mường Nhé… Cả 5 đội cao su của công ty hiện có rất nhiều cặp vợ chồng là công nhân. Mỗi ngày đi cạo mủ, chăm sóc vườn cao su khoảng 4 tiếng, thời gian còn lại làm nương, nuôi lợn nuôi gà, đều đặn thu nhập khoảng chừng 15 triệu đồng.

Thái Cảnh Lý, Đội trưởng Đội cao su Mường Nhé nói, nếu so với mươi năm trước thì đời sống người dân đồng bào bây giờ phải gọi là kỳ tích. Tất cả đều nhờ vào góp đất, trở thành công nhân cao su.

Theo thống kê, năm 2021 tổng diện tích cao su khai thác ở khu vực Tây Bắc là 17.256 ha, sản lượng hơn 18.200 tấn mủ, tổng doanh thu hơn 556 tỷ đồng. Những hiệu quả rõ ràng từ chủ trương đưa cây cao su lên Tây Bắc đã được khẳng định. Nhiều địa phương trong vùng đang kiến nghị Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sơ kết đánh giá và cho phép các đơn vị mở rộng diện để tạo điều kiện giúp đồng bào miền núi ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh biên giới. Các địa phương Tây Bắc cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành tạo điều kiện cho các vườn cao su đủ tiêu chí được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp bà con đồng bào có thêm thu nhập.

theo Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam)

Khúc tráng ca cao su Tây Bắc: [Bài 2] Cuộc cách mạng ở cuối trời Lai Châu

Bài 1: 15 năm ấy biết bao nhọc nhằn