CSVN – Mặc dù trồng trên đất hạng III, nhưng ngay năm mở cạo đầu tiên, lô S7 thuộc Nông trường (NT) Cầu Khởi, Công ty CPCS Tây Ninh đạt được năng suất rất ấn tượng với 2,05 tấn/ha.
Chúng tôi có mặt tại lô S7 thuộc Tổ 1, khu vực II vào những ngày trung tuần tháng 2. Đây là thời điểm vườn cây cao su đang mùa thay lá. Nhìn những chồi non mơn mởn vươn lên xanh tốt, ít ai biết rằng vườn cây này được trồng trên loại đất hạng III. Anh Huỳnh Quốc Thạnh – Tổ trưởng Tổ 1, khu vực 2 cho biết: “Năm nào cũng vậy, khi vườn cây chuyển sang mùa thay lá, chúng tôi vẫn miệt mài bám lô, bám phần cây của mình để phòng chống cháy và phun thuốc trị bệnh cho cây cao su. Các anh thấy đó, cũng như các lô khác, chất lượng lô S7 này nhìn khá bắt mắt bởi bộ lá mọc rất đều và khỏe. Điều này báo hiệu thêm một mùa bội thu!”.
Được biết, lô S7 có tổng diện tích gần 12,5 ha, trồng năm 2015 với bộ giống PB 255 (bầu 1 tầng lá). Sau 7 năm chăm sóc, năm 2022 NT đưa vào khai thác với mật độ cây cạo đạt 430 cây/ha. Và ngay năm đầu khơi dòng “vàng trắng”, vườn cây này đạt năng suất rất cao với 2,05 tấn/ha cao su quy khô.
Ông Trần Ngọc Thuấn – Giám đốc NT Cầu Khởi phân tích: “Để có vườn cây có năng suất cao như hiện nay, chúng tôi luôn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ sản phẩm cũng như đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động; vận động công nhân cạo đúng, cạo đủ phần cây của mình. Đặc biệt, trong thời gian kiến thiết cơ bản, chúng tôi luôn bám sát vườn cây nhằm thực hiện tốt công tác tỉa chồi; bón phân đúng thời điểm và đủ về số lượng cho phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này”.
Nhìn lô cao su thẳng hàng với những vanh thân đều tăm tắp, có thể khẳng định đây là kết quả của một quá trình thâm canh tốt vườn cây ngay khi mới trồng. Vì vậy khi vườn cây mới đưa vào cạo, tỷ lệ mở miệng đạt con số rất cao. Bên cạnh đó, NT Cầu Khởi đã lồng ghép thành công lợi ích kinh tế với lợi ích vườn cây. Lực lượng bảo vệ được kiện toàn và củng cố cùng với việc tăng cường mối quan hệ với các cấp chính quyền địa phương. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được ổn định. Tỷ lệ mủ tạp năm sau luôn cao hơn năm trước.
Anh Huỳnh Quốc Thạnh phân tích thêm: “Trong thời gian qua, tập thể Tổ 1 luôn tham gia đầy đủ các lớp đào tạo tay nghề do lãnh đạo NT Cầu Khởi tổ chức. Qua đó, đội ngũ công nhân khai thác không chỉ có tay nghề vững mà ý thức, tinh thần trách nhiệm công việc ngày được nâng cao. Đặc biệt, với giải pháp công nhân khai thác đồng thời tham gia chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản không chỉ tạo nên mức thu nhập ổn định mà còn tạo nên sự gắn bó giữa người lao động với đơn vị”.
Với 10 công nhân khai thác có tay nghề cao cộng với năng lực vườn cây tối ưu, trong những năm tiếp theo, lô cao su S7 là 1 trong những vườn cây chủ lực tạo nên sản lượng cao cho Tổ 1 nói riêng và cả NT Cầu khởi nói chung. Và theo tính toán của lãnh đạo NT, năm 2023 (năm thứ 2 đưa vào khai thác) năng suất bình quân lô S7 có thể đạt năng suất bình quân 2,8 tấn/ha.
NG. CƯỜNG
Related posts:
- Đội 5 - Nông trường Suối Ngô, Cao su Tân Biên về trước kế hoạch 107 ngày
- Xử lý nước thải không dùng hóa chất
- Cao su Chư Mom Ray khen thưởng đoàn thợ giỏi dự thi Bàn tay vàng 2022
- Mẹ đi cạo mủ
- Yokohama tạo ra cao su chống nứt bằng công nghệ hạt nano
- VRG tiên phong phát triển cao su bền vững ở Campuchia
- Sáng kiến "phun thuốc cỏ tự chế bằng xe máy" hiệu quả và an toàn
- “Vàng trắng” biên cương
- Giải pháp thu hút lao động Hà Giang vào làm cao su
- Phun phòng trị phấn trắng - giải pháp hiệu quả cho vườn cao su ở Tây Nguyên