VRG vững vàng vượt khó, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, đảm bảo tăng trưởng

CSVN – Nhân dịp đầu xuân năm 2023, Cao su Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG về những kết quả nổi bật của VRG năm 2022 và tầm nhìn, chiến lược phát triển của VRG trong giai đoạn tới.

Ông Lê Thanh Hưng- Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG và ông Trần Ngọc Thuận – TV HĐQT VRG, Chủ tịch Hiệp hội CSVN trao thưởng cho các đơn vị trong Câu lạc bộ 2 tấn. Ảnh: Văn Vĩnh

Thưa ông, xin ông cho biết những kết quả nổi bật của VRG trong năm 2022?

Ông Lê Thanh   Hưng:   VRG và các đơn vị thành viên thực hiện nhiệm vụ SXKD năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm chính là mủ cao su lợi nhuận thấp, dự báo giá cao su tiếp tục không thuận lợi trong thời gian tới trong khi đó các chi phí đầu vào đều tăng, đặc biệt là tiền lương công nhân và chi phí thuê đất; Diện tích cao su của VRG đang chịu áp lực về việc giảm diện tích do các địa phương thu hồi để phát triển kinh tế xã hội; Một số dự án cao su nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng còn thiếu, phải đầu tư nhiều công trình có tính xã hội nên suất đầu tư cao, chịu tác động rất lớn về điều kiện đất đai, khí hậu nên gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh; Có sự cạnh tranh trong thu tuyển lao động, nhất là những địa bàn phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức thì VRG có những cơ hội lớn. Nhờ quỹ đất quản lý lớn đủ điều kiện để phát triển các ngành nghề có hiệu quả cao; Tập trung được nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu, chương trình lớn; Xác lập được vị trí trong thương thảo với đối tác khi liên doanh để đầu tư, cung cấp sản phẩm, mua bán công nghệ, vay vốn; Có các quy chế quản lý nội bộ tương đối hoàn chỉnh trong quản trị doanh nghiệp; Có điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến sản phẩm chính như công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp cao su. Cổ phiếu GVR đang giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và xếp trong nhóm doanh nghiệp lớn VN30.

Ngay từ đầu năm, VRG đã xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng so với năm 2021. Bằng sự thống nhất, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành SXKD và quyết tâm của tập thể NLĐ, VRG và các đơn vị đã phát huy truyền thống 93 năm ngành cao su, nỗ lực vượt khó thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả khả quan. Kết quả ước thực hiện SXKD năm 2022 của VRG, cụ thể: sản lượng cao su khai thác đạt 422.923 tấn (đạt 106%), cao hơn 5% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ đạt 500.000 tấn (đạt 104%); thu mua đạt 80.000 tấn. Sản lượng gỗ các loại đạt 1.255.000m3. Tổng doanh thu hợp nhất 28.360 tỷ đồng (đạt 100,3%); tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.020 tỷ đồng (đạt 102,4% kế hoạch). Nộp ngân sách Nhà nước 3.200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân ước đạt trên 7,7 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ, chính sách của NLĐ được thực hiện đảm bảo và kịp thời. Bên cạnh việc làm và thu nhập ổn định, VRG và Công đoàn CSVN đặc biệt chú trọng đến việc chăm lo các hoạt động tinh thần cho NLĐ, tổ chức Hội thao CNVC – LĐ để NLĐ có sân chơi bổ ích. Tháng 12 vừa qua, VRG đã tổ chức thành công Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su, đây là một hoạt động truyền thống của ngành và là ngày hội lớn của đông đảo lực lượng công nhân khai thác.

Nhìn lại một năm đã đi qua, có thể nói khó khăn, thách thức vẫn có, tuy nhiên bằng niềm tin và quyết tâm của tập thể NLĐ, VRG đã vững vàng vượt qua khó khăn và thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo tăng trưởng so với năm 2021. Có được thành quả này, thay mặt Ban lãnh đạo VRG, tôi gởi lời cảm ơn, tri ân đến lãnh đạo TW và các cấp Bộ ngành, lãnh đạo địa phương, nguyên lãnh đạo VRG đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để VRG phát triển. Xin được cảm ơn NLĐ đã chung sức, đồng lòng cùng đơn vị, cùng VRG thi đua lao động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.

– Xin ông cho biết những định hướng phát triển và kỳ vọng mà VRG mong muốn đạt được trong thời gian tới?

Ông Lê Thanh Hưng: VRG xác định chiến lược phát triển trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế – Môi trường – Xã hội, thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững và có trách nhiệm với xã hội. Tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của NLĐ. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của VRG.

Mục tiêu đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của VRG tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận tăng trưởng khoảng 20%. Doanh thu hợp nhất của VRG trung bình đạt khoảng 32.300 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ Tập đoàn dự kiến tăng trung bình 7%/năm.

Để thực hiện được mục tiêu đó, VRG đã có những định hướng cụ thể:

Thứ nhất, chuyển đổi một phần diện tích cao su sang ngành nghề khác theo quy hoạch của địa phương. Duy trì diện tích cao su đến năm 2025 khoảng 360.000 – 370.000 ha, diện tích cao su khai thác khoảng 265.000 – 270.000 ha, sản lượng khai thác trên 400.000 tấn, sản lượng tiêu thụ trên 500.000 tấn, khai thác gỗ cao su khoảng 10.000 – 12.000 ha/năm, cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu ster gỗ cao su nguyên liệu. Phát triển khoảng 10.000 ha các loại cây trồng có đủ điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, khoảng 6.000 ha khu công nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục phát triển ngành chế biến gỗ và công nghiệp cao su để khai thác hiệu quả nhất chuỗi giá trị của cây cao su, duy trì thị phần gỗ MDF khoảng 50% thị trường trong nước.

Thứ ba, cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên bằng các giải pháp sáp nhập các đơn vị nhỏ, bán cổ phần ra công chúng để tăng tính minh bạch.

Thứ tư, chăm lo tốt đời sống cho NLĐ toàn VRG, đảm bảo việc làm và thu nhập, đặc biệt quan tâm đến NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…

Về kỳ vọng, VRG mong muốn sẽ là doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên thuộc nhóm đầu thế giới, tiếp tục dẫn dắt ngành cao su Việt Nam phát triển theo đúng quy hoạch với năng suất cao và chất lượng ổn định, khẳng định thương hiệu Cao su Việt Nam trên thị trường thế giới. Phát triển sản phẩm công nghiệp cao su để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với các sản phẩm vỏ xe, găng tay y tế… trên cơ sở các thương hiệu đã có của VRG và hợp nhất các thương hiệu đã có uy tín ở Việt Nam; Tiếp tục duy trì là đơn vị đứng đầu về cung cấp nguồn gỗ cao su nguyên liệu, gỗ MDF cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Khai thác có hiệu quả cao nhất quỹ đất đủ điều kiện để phát triển các khu công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu là doanh nghiệp đứng đầu cả nước trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, nâng giá trị vốn hóa của VRG không thấp hơn 10 tỷ USD.

– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

QUỲNH MAI (thực hiện)