CSVN – Sau 5 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết 6a của CĐ CSVN về việc đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong CNVC-LĐ đã đạt được hiệu quả to lớn. Phong trào này nhận được sự đồng thuận cao trong toàn ngành, góp phần tiết giảm giá thành suất đầu tư và tăng thêm nguồn thu nhập bền vững cho NLĐ.
Góp phần giảm suất đầu tư
Sự ra đời Nghị quyết 6a của Công đoàn CSVN có ý nghĩa quan trọng, trở thành một phong trào được nhân rộng hầu khắp các đơn vị trong ngành cao su. Qua 5 năm triển khai thực hiện, thu nhập từ nguồn kinh tế gia đình đã góp phần tăng thêm đáng kể và giúp ổn định cuộc sống NLĐ. Tùy thuộc vào tình hình thực tế, ban chấp hành CĐ các đơn vị trực thuộc đã tích cực phối hợp cùng chuyên môn triển khai Nghị quyết với những mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thực tế.
Nhiều đơn vị giúp CNLĐ đầu tư chăn nuôi, trồng xen từ nguồn Quỹ phúc lợi của Tập đoàn, của công ty, cho công nhân (CN) vay không tính lãi và các nguồn vốn xoay vòng, quỹ trợ vốn, phong trào giúp nhau bằng cây, con giống hay kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc. Hiện đã có 29.986 CNLĐ tham gia chương trình kinh tế hộ gia đình tại 33 đơn vị với các hình thức đa dạng như: Xen canh trên vườn cây cao su, chuyên canh hoặc chăn nuôi. Bên cạnh đó, có không ít CNLĐ lựa chọn cách kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ để cải thiện thu nhập gia đình.
Việc trồng xen các loại cây khác trong vườn cây cao su đem lại nhiều lợi ích như giảm lây lan bệnh hại, cải tạo đất, chống xói mòn, đặc biệt là góp phần tiết giảm giá thành suất đầu tư. Đơn cử tại Công ty CPCS Bà Rịa giảm 40% suất đầu tư, hay tại Cao su Krông Buk trong 6 năm đầu trước khi vào khai thác đã tiết giảm được bình quân 11,5 triệu đồng/ha. Tính đến nay đã có trên 13.000 ha diện tích vườn cây cao su KTCB được các đơn vị khuyến khích, vận động NLĐ tham gia trồng xen canh. Bên cạnh hình thức xen canh, còn có 15.882 CNLĐ trồng chuyên canh nhiều loại cây như cao su giống, cà phê, hồ tiêu, điều, sầu riêng, bơ, măng cụt, khoai lang…
Trước đây ở một số đơn vị, mô hình kinh tế gia đình đã được các hộ gia đình chủ động thực hiện. Nhiều gia đình có điều kiện về vốn và đất đã đầu tư làm dự án chăn nuôi lớn đạt hiệu quả cao, trở thành một phần thu nhập chính và ổn định của gia đình. Bên cạnh những mô hình nhỏ lẻ, ít vốn, đã có nhiều CNLĐ mạnh dạn huy động vốn, tận dụng nguồn lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ để đầu tư vào những mô hình lớn hơn như làm nhà nuôi chim yến, nhà kính hoặc nhà lưới để trồng các sản phẩm nông nghiệp sạch mang lại giá trị kinh tế cao.
Đa dạng phong trào phát triển kinh tế gia đình
Có thể kể đến những điển hình trong phong trào này như Cao su Bình Long có 3 hộ gia đình đã xây dựng mô hình trồng dưa lưới thành công, được các công ty uy tín thu mua với số lượng lớn, thu nhập bình quân hằng năm 180 triệu đồng/hộ. Hoặc mô hình nuôi chim yến thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Có hộ gia đình tại Cao su Kon Tum thu nhập 340 triệu đồng/năm từ việc trồng và chăm sóc cà phê. Việc trồng cây công nghiệp dài ngày cũng mang lại giá trị kinh tế cao tại nhiều đơn vị như một số hộ gia đình của Cao su Chư Sê thu nhập khoảng 175 triệu đồng/ha/vụ, tại Cao su Chư Păh có hộ thu nhập lên đến 200 triệu đồng/vụ.
Đối với những vùng còn nhiều khó khăn như Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc thì Nghị quyết này là động lực để NLĐ phấn đấu kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Ông Mai Xuân Thạnh – Chủ tịch Công đoàn Cao su Quảng Trị cho biết: “Khu vực miền Trung với điều kiện đất đai, khí hậu khá khắc nghiệt, vì vậy để tăng thêm thu nhập CNLĐ tích cực phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều NLĐ ở NT Trường Sơn, Cồn Tiên đã trồng xen canh các loại cây trồng và xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, thỏ với nguồn thức ăn phong phú từ chính những cây rau màu được trồng xen canh. Hàng năm, mô hình này đã đem lại hiệu quả cao, có một số hộ thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên”.
Một trong những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao tại miền núi phía Bắc là trồng cây nghệ vàng đan xen dưới tán cây bưởi và kết hợp sản xuất tinh bột nghệ của ông Lê Chí Trường – Công ty CPCS Hà Giang với sản lượng từ 15 – 20 tấn/ha, thu nhập từ 75 – 200 triệu đồng/ha. Riêng Cao su Sơn La đã hỗ trợ CNLĐ nuôi ong lấy mật trong vườn cao su từ một số nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng của địa phương trả cho công ty hàng năm và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi ong. Hiện tại, mô hình này đang phát triển tại NT Mường La, Châu Quỳnh, Châu Thuận với tổng số gần 300 đàn ong.
Phát biểu tại Hội nghị BCH CĐ CSVN lần thứ 6 mở rộng, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN nhấn mạnh: “Bước sang năm thứ 6 thực hiện Nghị quyết 6a, CĐ các cấp phải tiếp tục bám sát, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chuyên môn trong việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm giúp CNLĐ hiểu rõ về việc ban hành Nghị quyết 6a. Đó là việc động viên, khuyến khích NLĐ tận dụng những nguồn lực về đất đai, nguồn vốn của bản thân để cải thiện bữa ăn gia đình thay vì dùng tiền lương để mua lương thực, thực phẩm hoặc tạo thêm thu nhập nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và gia đình, chứ không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ CNLĐ về nguồn vốn. Đó chính là sự khác biệt giữa chủ trương phát triển kinh tế gia đình theo Nghị quyết 6a so với các chính sách cho vay hỗ trợ vốn khác dành cho NLĐ”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- "Làm nữ công không khó, chỉ sợ không có lòng"
- Cao su Đồng Phú: Nồng ấm Tháng Công nhân
- MDF VRG Kiên Giang chăm lo tốt đời sống người lao động
- VRG và các đơn vị đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài
- Phát động phong trào thi đua đặc biệt
- Quà Tết đã đến với công nhân cao su Tây Nguyên
- Cao su Sa Thầy tuyên dương 122 học sinh xuất sắc trong học tập
- Công đoàn Cao su VN trao quà công nhân các đơn vị tại Campuchia
- Tổ chức Tháng công nhân hiệu quả thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm
- Tuyên truyền vận động tốt góp phần giúp tổ đạt nhiều kết quả tích cực