CSVN – Để chuẩn bị nguồn lao động cho những năm tiếp theo, năm nay TCT Cao su Đồng Nai đã thu tuyển lao động ở các tỉnh lân cận và đặc biệt là miền Tây Nam bộ, tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp, Kiên Giang lên làm việc. Với những nông dân vùng đồng bằng sông nước, đã quen với đồng áng, nay “chuyển nghề” cầm dao cạo mủ cao su là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời họ.
Khó hơn trồng rau, nuôi cá
Cuộc sống vùng thôn quê dường như ai cũng gắn bó với nông nghiệp từ rất sớm, cũng là đồng áng với ruộng lúa, trồng rau, chăn nuôi. Nhưng có lẽ khi quyết định “chuyển nghề” sang làm công nhân cao su nơi xa xứ ắt hẳn là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của những nông dân chính gốc. Với họ, khi chấp nhận xa quê lập nghiệp thì cuộc sống như bắt đầu lại từ đầu với công việc mới, những người bạn mới, thích ứng để phù hợp trong môi trường mới.
Để NLĐ ổn định chỗ ở và yên tâm công tác, TCT Cao su Đồng Nai đã xây dựng các dãy nhà tập thể để lực lượng công nhân mới vào làm có chỗ ở. Chúng tôi tìm đến khu nhà tập thể của Nông trường Trảng Bom để gặp gia đình vợ chồng anh Trương Thế Bình và chị Lê Thị Hiếm (quê Cao Lãnh – Đồng Tháp). Anh chị chia sẻ, ở quê cũng như bao gia đình khác, vợ chồng anh đã quen với việc trồng rau quả hoa màu, nuôi cá để sinh sống. Khi biết TCT kết nghĩa với huyện Cao Lãnh để triển khai chương trình thu tuyển lao động lên làm công nhân cao su, anh chị cũng cân nhắc lắm.
Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà tập thể nông trường, anh bảo: “Từ nhỏ đến lớn vốn đã quen với đìa tôm, đìa cá, ruộng lúa, vườn rau rồi. Công việc làm ở nhà nên nhàn lắm, rồi bà con lối xóm quanh quanh đó. Hai vợ chồng cũng có tuổi rồi, trước khi khăn gói lên đây cân nhắc dữ lắm vì quê hướng xứ sở, bao nhiêu năm rồi có đi xa đâu, nhưng mà còn lo cho con cái ăn học. Sống ở đâu cũng phải làm việc, nếu thấy công việc mới ổn định, vợ chồng tôi sẽ bám trụ lâu dài. Ở đây không như các thành phố lớn nhưng chi phí và mức sinh hoạt của người dân khá cao, lợi thế mà những người mới như chúng tôi là được hỗ trợ nhà ở, chính vì vậy cũng bớt lo đi phần nào. Công việc thì cũng không vất vả gì nhiều, phải xác định là chịu khó thì mới gắn bó được”.
Vợ chồng anh chị làm công nhân chăm sóc vườn cây, ngoài phần việc chính của mình, ai cần phụ giúp gì anh đều làm để kiếm thêm thu nhập. Môi trường mới tuy có nhiều lạ lẫm nhưng với anh thì “Việc mới mình phải học hỏi để thích nghi, ban lãnh đạo nông trường thường xuyên quan tâm, động viên nên chúng tôi cũng bớt bỡ ngỡ. Tôi vừa học xong lớp cạo mủ do nông trường tổ chức. Hơi khó hơn việc trồng rau nuôi cá một chút, chăm sóc, cạo mủ cao su đòi hỏi theo quy trình kỹ thuật, đôi tay phải khéo léo nên mình luôn để tâm vào công việc”.
Anh Bình được xem là người gương mẫu và có tiếng nói ở khu tập thể bởi anh luôn trách nhiệm với công việc. Hiền lành, chất phát nên anh được mọi người quý mến, anh em trong khu tập thể có gì thắc mắc chưa hiểu anh đều hướng dẫn, giải thích, đồng thời cũng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ để trình bày với lãnh đạo nông trường nhằm tìm tiếng nói chung.
“Làm công nhân cao su là quyết định táo bạo”
Trước khi về gia nhập “làng cao su” vợ chồng anh Lê Quang Huy và chị Nguyễn Thị Yến Linh, lên tận Đà Lạt để làm công nhân trong trang trại rau sạch, bôn ba mấy năm trời nhưng không có dư dả gì nên khi được giới thiệu về làm công nhân cao su, hai vợ chồng anh chị cũng muốn thử sức.
Anh kể: “Ai cũng muốn ở quê hương của mình nhưng khó khăn quá, con cái đến tuổi phải đi học, vợ chồng chúng tôi lên Đà Lạt làm thuê cho trang trại trồng rau sạch. Công việc không quá nặng nhọc nhưng đều đặn cứ 4h sáng là phải dậy để bắt tay vào việc. Lương thấp lắm nên khi được giới thiệu về làm công nhân cao su, hai vợ chồng cũng bàn tính, đắn đo lắm. Quyết định về làm công nhân cao su được xem là quyết định táo bạo của chúng tôi”.
Mới vào làm việc, anh chị được phân công làm công nhân chăm sóc vườn cây. Song song với đó, nông trường tổ chức đào tạo công nhân mới vào học cạo mủ cao su. Cũng là làm nông nghiệp nhưng chuyển từ việc của người chăm sóc, thu hoạch rau sang làm công nhân cao su cũng có đôi chút bỡ ngỡ, anh chị phải học từng chút một.
Anh chia sẻ: “Vất vả cũng quen rồi, hai vợ chồng xác định làm nông thì làm ở đâu đều cần phải siêng năng, chịu khó mới được. Thời gian đầu lúc nào cũng khó khăn nhưng may mắn được TCT tạo điều kiện chỗ ở không phải mất tiền thuê, điện nước đều miễn phí, chợ thì gần đây nên cũng đỡ nhiều. Mới lên nên vợ chồng chúng tôi làm trong tổ xây dựng cơ bản, thực hiện các công tác khác trên vườn cây cho lực lượng công nhân thực hiện chuyên môn hóa, thu nhập bằng 80% so với khai thác. Thu nhập cao là điều ai cũng mong muốn, nhưng mới đầu tôi nghĩ mỗi tháng mỗi người nhận được 6 triệu đồng là cơ bản đủ sống, chúng tôi hy vọng khi ổn định ở đây rồi sẽ chuyển hai con lên đây học luôn”.
Ở khu tập thể này, có nhiều gia đình Đồng Tháp, Kiên Giang, cả miền ngoài như Bình Thuận, Ninh Thuận vào lập nghiệp. Họ xác định dù có nhiều khó khăn bước đầu nhưng sẽ cố gắng và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi cũng chỉ mong vào môt tương lai không xa sẽ được gặp lại họ, được nghe họ “khoe” về những trái ngọt khi làm công nhân cao su.
MINH NHIÊN
Related posts:
- CĐ Cao su Tân Biên chăm lo tốt người lao động để vượt qua đại dịch
- Cao su Dầu Tiếng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn của một đơn vị biên giới và có hoạt động tại ...
- Nữ công nhân khai thác đạt gần 21 tấn mủ/năm
- Cao su Đồng Nai đặt mục tiêu tuyển dụng 150 lao động tại Cao Bằng
- Trở lại với nghề
- Các công ty cao su Miền núi phía Bắc vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
- Cao su Chư Sê Kampong Thom: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững
- Ông Nguyễn Ngọc Khiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cao su Yên Bái
- Cao su Đồng Phú: 2 mô hình sản xuất hiệu quả cao