Trở lại với nghề

CSVN – Trước tình hình thiếu lao động khai thác, một số đơn vị vận động và thu tuyển lao động trước đây đã nghỉ việc, nghỉ hưu trở lại làm hợp đồng, vừa đáp ứng nhu cầu công việc vừa tạo cơ hội cho họ tiếp tục gắn bó với nghề.
Anh Nguyễn Văn Thanh – công nhân tổ 2, NT Trảng Bom trong giờ nghỉ giữa ca.
Anh Nguyễn Văn Thanh – công nhân tổ 2, NT Trảng Bom trong giờ nghỉ giữa ca.

Kỳ 1: Không xa được vườn cây

Thỏa lòng nhớ nghề

NT Trảng Bom, TCT CS Đồng Nai có tổng diện tích vườn cây là 1.451 ha, trong đó diện tích khai thác là 607 ha. Năm 2017, số lao động khai thác theo đúng quy định là 120 người. Tuy nhiên, NT Trảng Bom có địa bàn gần với Khu công nghiệp Bàu Xéo, nơi thu hút rất nhiều lao động của địa phương, trong đó có cả lượng CN cao su dịch chuyển sang làm CN Khu công nghiệp. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo hoạt động của đơn vị, NT đã thu tuyển thêm lao động từ Bình Lộc, Cẩm Mỹ sang làm CN với chế độ đãi ngộ tốt. Trước tình hình vẫn thiếu 31 lao động, NT đã vận động CN nhận thêm phần cây để cạo choàng.

Ông Trần Văn Hải – GĐ NT cho biết: “Lực lượng CN cao su ở đây hầu như có độ tuổi trung bình từ 35 tuổi trở lên, việc thu tuyển lao động trẻ hầu như là không có bởi họ đã đi làm ở các khu công nghiệp, ngoài ra số khác thì có sẵn rẫy vườn nên họ tự làm kinh tế gia đình. Năm nay trước tình hình lao động khó khăn, TCT có chủ trương thu tuyển trở lại những CN trước đây đã có thời gian làm cao su đã nghỉ việc”.

Năm 1991, anh Nguyễn Văn Thanh (CN tổ 2, NT Trảng Bom) vào Đồng Nai làm CN cao su. Đến năm 2008, gắn bó với nghề được 21 năm, vì mắc bệnh nên anh xin nghỉ về làm kinh tế gia đình, tập trung chữa bệnh. “Nghề cạo mủ là nghề gắn bó với tôi từ thời còn rất trẻ. Nghỉ rồi nhiều lúc đêm ngủ còn mơ đi cạo. Hồi còn đi làm không khí làm việc ở tổ rất vui, có những lúc tôi nhớ anh em, nhớ nghề muốn ra tổ thăm mọi người”, anh chia sẻ. Ở nhà chữa bệnh, anh nuôi thêm đàn bò để trang trải thu nhập. Đầu năm nay khi nghe NT thu tuyển CN, anh vui mừng xin vào làm bởi sức khỏe đã ổn định, thỏa lòng nhớ nghề.

Chị Lê Thị Hoài Hương – Tổ trưởng tổ 2, NT Trảng Bom cho biết: “Anh Thanh là CN xuất sắc, có tay nghề “lão làng”, làm việc rất hăng hái và tích cực. Trong tổ có những chủ trương, những việc gì cần tuyên truyền là tôi đều nhờ đến anh Thanh thì mọi việc đều trôi chảy hết. Tháng 7 vừa rồi năng suất anh đạt 1.758kg, đạt 185% kế hoạch, sản lượng khai thác đứng nhất của Nông trường, tháng 6 thì anh cũng đứng nhì”.

Tổ 2 có 20 người thì gia đình họ hàng anh Thanh chiếm 1/3 của tổ. Anh cho biết: “Trước đây vợ tôi cũng làm CN cao su nhưng rồi sau đó nghỉ việc, hiện nay tôi cùng với hai em, con rể và con gái đều làm chung tổ. Con gái tôi trước đây làm ở khu công nghiệp nhưng công việc vất vả quá nên cháu nghỉ việc về làm cao su cùng chồng. Các con tôi từ nhỏ đã biết cạo mủ vì hay ra lô phụ ba mẹ. Hiện nay kinh tế gia đình tôi cũng ổn định hơn trước nhiều là nhờ cao su cả đấy. Bây giờ được vào làm lại còn gì vui hơn nữa, nếu có chỗ khác tuyển CN lương cao hơn thì tôi vẫn kiên định ký hợp đồng làm việc cho NT đến khi nào NT không nhận nữa thì thôi”.

 Nghỉ ở nhà … “cuồng chân”

Chị Lê Thị Phương, CN Đội 1, NT Túc Trưng, TCT CS Đồng Nai được biết đến là một người “nổi tiếng” với nhiều thành tích trong quá trình làm nghề. Chị vào nghề cạo mủ cao su khi vừa tròn 17 tuổi. Khi nhắc đến những ngày tháng đầu gắn bó với nghề, chị cười bảo: “Lứa tuổi ấy trong khi các bạn bè trang lứa ngấp nghé lập gia đình thì tôi chỉ yêu nghề chứ chưa yêu người. Đến năm 25 tuổi tôi mới biết rung động với tình yêu, có lẽ tình yêu nghề quá lớn nên tôi lập gia đình muộn”.

Ngày ấy, ba mẹ chị đều làm CN cao su, trong gia đình có 5 anh chị em thì 3 người sinh sống tại đây đều gắn bó với nghề. Tháng 10/2016, chị xin nghỉ hưu theo chế độ, vậy là chị có gần 25 năm với nghề này. Ấy vậy nhưng, dường như “chân cuồng” với nghề, ở nhà nhưng chị có nghỉ ngày nào đâu, nhớ nghề chị vẫn đi làm cho tư nhân. Đầu năm nay, khi được tin NT tuyển CN, trong đó có nhận những người đã nghỉ việc vào tiếp tục hợp đồng, chị quyết định xin vào làm.

Nghề cạo mủ cao su có nhiều niềm vui khiến công nhân khó xa rời. Ảnh: Tùng Châu
Nghề cạo mủ cao su có nhiều niềm vui khiến công nhân khó xa rời. Ảnh: Tùng Châu

Chị nói: “Thực ra ở nhà cũng có nhiều việc để cho mình chọn lựa, nhưng mà mình thấy đời mình đã gắn với nghề này rồi, làm hoài thấy quen, quen quá thành yêu luôn rồi nên việc ở ngoài có nhiều tiền đến mấy vẫn không bằng vào đây làm. Làm ở đây, dù là hợp đồng nhưng mà vẫn được lãnh đạo quan tâm đến các chế độ đầy đủ như ăn ca, các chế độ độc hại đều có. Với lại, môi trường này mình đã quen rồi nên thấy thoải mái”.

Hiện nay, ngoài lương làm theo hợp đồng ở NT, chị còn có thêm lương hưu theo chế độ. Chị cho biết mỗi tháng cũng “tròm trèm” gần 10 triệu, cộng thêm phần của ông xã nữa cũng đủ để trang trải sinh hoạt và chăm cho con nhỏ bị bệnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng ở chị luôn toát lên một tinh thần lạc quan, yêu nghề. Trước đây, chị tham gia đội bóng chuyền NT, tham gia đội nữ dân quân tự vệ của NT nên thường xuyên đi thi đấu các cấp, giờ đây nhiệt huyết này vẫn chưa hề thuyên giảm mà chị vẫn cố gắng để xứng đáng với những thành tích mà mình đạt được.

 Tiếp nhận lao động đã nghỉ hưu

Nông trường Ông Quế, TCT CS Đồng Nai hiện quản lý 4.260 ha cao su, trong đó khai thác 2.261 ha, Nông trường có lao động cạo mủ 420 người so với định biên năm 2017 là 549 lao động, mặc dù thiếu lao động nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn ổn định, không bỏ phần cây trống. Từ đầu năm đến nay, nông trường thu vào 57 CN khai thác, trong đó 42 hợp đồng thời vụ.

Tổ 2, đội 4 NT Ông Quế, TCT CS Đồng Nai có 42 lao động, trong đó có 6 CN đã nghỉ việc, nghỉ hưu theo chế độ nay NT tiếp nhận vào làm công nhân hợp đồng thời vụ. Chị Trịnh Thị Thu Huệ là một trong 6 CN đó, chị nghỉ hưu tháng 4 năm nay. Khi đó, cũng có nhiều ý kiến khuyên chị nên xin vào làm CN khu công nghiệp nhưng chị không nghe, bởi với chị: “Làm ở khu công nghiệp thì giờ giấc bị quản chặt lắm, có những khi làm tăng ca về trễ nữa, mình không quen. Còn nghề cạo mủ thì mình làm được 24 năm, cũng vất vả nhưng vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Lúc NT vận động trở lại làm tiếp tục thì mình đồng ý ngay luôn, vì vừa giúp NT hoàn thành kế hoạch sản lượng, đảm bảo lực lượng lao động cho khai thác, vừa giúp bản thân mình có thêm thu nhập ngoài lương hưu. Tháng 6 vừa rồi, ngoài phần cây được giao, mình còn nhận cạo choàng thêm nữa, thu nhập được 12 triệu đồng/tháng”.

Vậy là nói nghỉ hưu nhưng chị cũng không nghỉ ngày nào, vừa giải quyết xong chế độ hưu cho chị là NT vận động ký hợp đồng để chị tiếp tục làm. Ông xã chị làm thợ mộc cũng tranh thủ thời gian phụ vợ trên lô. Tay nghề cao nên tháng nào chị cũng vượt kế hoạch sản lượng và luôn đứng trong tốp đầu của tổ. Tháng 7 vừa qua, chị thực hiện đạt 134% kế hoạch được giao.

Chị bảo: “Công việc này tôi đã quen nên cứ như vào guồng là thực hiện thôi. Những năm trước khi giá mủ bắt đầu giảm, nhiều người nghỉ việc để hưởng trợ cấp thôi việc một lần. Lúc đó, tôi không hoang mang mà vẫn quyết tâm làm để được hưởng lương hưu theo chế độ. Nay đã nghỉ hưu rồi nhưng NT vẫn tiếp tục hợp đồng, thì tôi vẫn sẽ gắn bó với nghề và hoàn thành tốt công việc được giao như những ngày tôi là CN chính thức”.

Chị Vi Thị Phương (CN đội 3, NT 4, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh) vào làm lại CN khai thác vào tháng 11/2016 sau hơn 2 năm nghỉ gián đoạn để sinh con. Hiện nay, ông xã chị cũng đã có 8 năm gắn bó với nghề. Gia đình chị cũng có vườn tiêu 1.000 trụ để làm thêm ngoài giờ trên lô.

Chị cho biết: “Vườn tiêu gia đình tôi cũng mới trồng, năm đầu thu hoạch chưa được bao nhiêu nên kinh tế vẫn chưa được ổn định lắm. Tôi mới xin vào làm hồi cuối năm ngoái để có thêm thu nhập, làm cao su thì có lương hàng tháng và các chế độ khác cũng rất tốt, sau này khi vườn tiêu vào thời kỳ cho trái nhiều thì kể cả lương và kinh tế ở nhà chúng tôi hy vọng là cải thiện hơn. Tháng vừa rồi thu nhập bình quân của hai vợ chồng được 14 triệu đồng, chúng tôi phấn khởi lắm. Tôi thấy quyết định trở lại làm CN cao su của tôi rất đúng đắn”.

 Quỳnh Mai