CSVN – Để hạn chế tác động tiêu cực của nắng nóng lên vườn cây, các đơn vị chăm sóc cao su tiến hành nhiều giải pháp như tưới nước thường xuyên, áp dụng phương pháp tủ gốc… giúp cây thêm khả năng giữ ẩm.
Nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp vườn cao su
Đầu năm 2024 đến nay, nắng nóng kéo dài xảy ra ở nhiều tỉnh Nam bộ, trong đó Bình Phước là địa phương có mức nhiệt cao, ghi nhận lên đến trên 38 độ C. Những người làm công tác chăm sóc cao su tại khu vực này cho biết, nắng nóng, khô hạn là tác nhân ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng vườn cây.
Theo chân lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật thuộc Cao su Lộc Ninh đi thăm vườn cây cao su vào một trưa tháng 3, chúng tôi mới cảm nhận rõ cái nắng nóng đến rát da trên lô mùa này. Theo ông Nguyễn Hoài Trang – Tổ trưởng Tổ 1, NT 3, Cao su Lộc Ninh, cao su là cây ưa nắng, song nhiệt độ quá nóng sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng của giống cây này ở vườn cây kiến thiết và chất lượng mủ ở vườn cây kinh doanh. Những ngày gần đây, trên địa bàn Lộc Ninh, nắng nóng dài ngày ảnh hưởng nhiều đến cây cao su. Ông Trang cho biết, nhiệt độ cao, kéo dài tác động trực tiếp đến khả năng sinh trưởng cây cao su, cả vườn kiến thiết cơ bản và tái canh. Cụ thể, với nền nhiệt cao liên tục khiến cây thiếu nước, héo lá. Đối với những cây yếu, nhiệt độ cao khiến cây sinh trưởng chậm, tán lá phát triển không đều, từ đó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mủ.
Giải pháp chăm sóc cao su cao điểm nắng nóng
Tại vườn kiến thiết cơ bản diện tích hơn 150 ha của Tổ 1, ông Trang nói từ đầu mùa nắng đến nay, nhiều cây cao su có biểu hiện héo lá do quá nóng. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết nắng nóng lên vườn cây, lãnh đạo đơn vị cho hay, từ nhiều năm nay, công ty, NT triển khai áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế cây mất nước, độ ẩm. Một trong những cách làm được áp dụng hiệu quả là tủ gốc giữ ẩm cây cao su. Theo đó, giải pháp truyền thống này sử dụng thân rơm rạ, cỏ dại… phủ vào gốc cao su, sau đó cuốc đất tủ lên. Vài năm trở lại đây, các đơn vị cải tiến dùng máy cày, tấp rơm rạ và đất tủ vào gốc cao su. Giải pháp tủ bồn giữ ẩm thường tiến hành vào giai đoạn đầu mùa khô, giúp cây chống chọi hạn, tạo điều kiện bộ rễ phát triển, tăng khả năng giữ ẩm. Trước đây, đơn vị này còn dùng màng phủ nông nghiệp để tủ gốc.
Tổ 1, NT 3, Cao su Lộc Ninh hiện quản lý hơn 320 ha cao su, gồm 150 ha diện tích kiến thiết cơ bản và 176 ha vườn kinh doanh. Lãnh đạo tổ cho biết, mùa này, ngoài áp dụng biện pháp tủ gốc giữ ẩm, đơn vị còn tăng cường thăm, chăm sóc vườn cây. Khi thấy cây có biểu hiện héo, cán bộ kỹ thuật phải tăng cường tưới nước, cung cấp đủ ẩm cho cây.
Ông Nguyễn Hoài Trang cho biết, thông thường mùa nóng kéo dài đến tháng 4. Khi cơn mưa đầu tiên đổ xuống, đánh dấu mùa khô hạn qua đi, mùa cạo mới bắt đầu. Chính vì vậy, trong thời gian này, công tác chăm sóc vườn cây phải thật kỹ càng, hạn chế hư tổn, chuẩn bị tươm tất cho giai đoạn cạo mới sắp tới.
HOÀNG KHẢI
Related posts:
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su thưởng nóng 2 đơn vị về trước kế hoạch
- Cao su Lai Châu II đạt cúp vô địch Giải bóng đá Câu lạc bộ Nhà báo trẻ tỉnh Lai Châu
- Cao su Yên Bái vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
- Sôi nổi Hội thi “Bánh chưng xanh” trong Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”
- Cao su Ea H'leo tổ chức hội thao hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty
- Tổng Công ty Cao su Đồng Nai: Chuyển đổi số toàn diện tạo nền tảng cho sự đột phá và tăng trưởng
- Ông Nguyễn Ngọc Khiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cao su Yên Bái
- Công đoàn Cao su Chư Păh hỗ trợ hơn 312 triệu đồng cho công nhân khó khăn
- Đa dạng giải pháp nhằm ổn định lao động
- Nỗ lực để thích ứng trong tình hình mới