CSVN – CBCNV ở Cao su Phước Hòa đều gọi ông với cái tên thân mật – bác Ba Chiến. Ông là người thân thiện, chu đáo và luôn gần gũi giúp đỡ mọi người. Bởi vậy, ông nghỉ hưu đã 12 năm, nhưng những câu chuyện về ông vẫn được mọi người kể mãi, với tình yêu thương chân thành.
Gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập, còn bộn bề, gian khó, đến khi công ty phát triển ổn định thì ông nghỉ hưu vào năm 2005. Trong nhiều năm công tác ở Cao su Phước Hòa, dù ở cương vị nào, ông cũng để lại nhiều bài học cho thế hệ sau.
“Bác Ba Chiến là người nghĩa tình, sống mộc mạc, gần gũi với CNLĐ. Mọi người đều quý trọng bác ở tính cách bình dị, chân thành, với ai, bác cũng hết lòng, không câu nệ, không phô trương. Và đặc biệt, bác là người quyết đoán, không ngại khó, ngại khổ, tận tụy với công việc”, chị Nguyễn Thị Kim Chi – Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Cao su Phước Hòa chia sẻ.
Tiếp xúc với ông, điều ấn tượng đầu tiên là sự thân thiện, giọng nói ấm áp và sự quan tâm, yêu quý dành cho CBCNV Cao su Phước Hòa. Ông chia sẻ về những ngày đầu thành lập, cách đây 42 năm, trên vùng đất chiến khu D lịch sử đầy bom đạn, với diện tích ban đầu chỉ từ 699 ha cao su già cỗi, tài sản không có gì, trải qua nhiều giai đoạn, đến nay Cao su Phước Hòa có trên 16.000 ha cao su, máy móc trang thiết bị hiện đại, đời sống NLĐ ổn định…
“Công nhân (CN) cao su thời nào cũng cực, ngày trước thì “Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Ngày nay, CN cao su có đời sống sung túc, chế độ đầy đủ, nhưng công việc của họ vất vả, nhiều bệnh nghề nghiệp, những hiểm nguy rình rập dưới tán rừng cao su…
Người CN cao su sống chân chất, có nghĩa có tình, cũng giống như cây cao su vậy, có chăm sóc tốt, khai thác đúng quy trình thì sức cây mới khỏe, cho mủ nhiều. Chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt những lúc khó khăn, càng khó khăn càng phải quan tâm đến người lao động (NLĐ), thì họ sẽ gắn bó bền chặt với đơn vị” – ông Chiến chia sẻ.
Khi còn làm giám đốc Cao su Phước Hòa, ông thường xuyên sâu sát cơ sở, đối thoại với NLĐ ở các nông trường, xí nghiệp. Chăm lo cho NLĐ là mối quan tâm hàng đầu với ông. Có lẽ, từ bao thế hệ lãnh đạo Cao su Phước Hòa luôn một lòng trân quý, quan tâm chăm lo sâu sắc đến NLĐ, mà những giai đoạn ngành cao su gặp nhiều khó khăn do giá mủ xuống thấp, thì NLĐ nghỉ việc ở Cao su Phước Hòa là rất ít so với các đơn vị trong ngành.
“Lãnh đạo phải sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng trực tiếp từ NLĐ để giải quyết, hỗ trợ. CN cao su cũng là nghề cha truyền con nối, rất nhiều gia đình 3 – 4 thế hệ làm CN cao su. Biết bao thế hệ lớn lên dưới tán rừng cao su và rất nhiều người CN yêu ngành, yêu nghề, yêu mỗi gốc cây cao su và gắn bó với nghề từ những điều gần gũi, giản dị ấy” – ông Chiến tâm sự.
Bác Ba Chiến rất tâm đắc với việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của ngành cao su đối với thế hệ trẻ vào mỗi dịp 28/10 trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là sự kế thừa và không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ của tuổi trẻ Cao su Phước Hòa. Mỗi dịp về lại công ty, ông đều hỏi han, dặn dò các bạn trẻ – những người mà ông cho rằng “phải không ngừng nỗ lực học tập để kế thừa và phát huy thành quả ông cha để lại”.
Huệ Văn
Related posts:
- Từ đấu tranh "tự phát" sang "tự giác"
- Trần Thị Thủy - Nữ công nhân 2 giỏi tiêu biểu
- Làm giàu từ chăn nuôi gà
- Phùng Văn Nghiêm: Đoàn viên trẻ dám nghĩ dám làm
- Dựa vào dân, dẫu khó muôn lần cũng vượt!
- Cán bộ Công đoàn phải “thở hơi thở của người lao động”
- Những tháng ngày không quên
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su
- Kỹ sư trẻ đam mê đưa khoa học vào thực tiễn
- Người "có duyên" với danh hiệu Bàn tay vàng