Người chọn cao su phát triển sự nghiệp

CSVN – Cơn mưa tối qua làm con đường lô sình bẩn, trơn trợt, cho nên anh bảo tôi: “Em chạy theo  xe anh nhé!”. Anh chạy trước, tôi chạy theo sau băng trong luống cao su có nhiều cỏ nên ít trơn hơn, lại không bị sình bám bánh xe kẹt cứng như tôi lúc nãy phải dắt bộ.
Anh Lê Văn Lịch - đội phó Đội III, kiêm chủ tịch công đoàn Bộ phận đang sửa lại đường mủ chảy bị lệch miệng cạo cho ngay ngắn vào chén hứng mủ cho công nhân
Anh Lê Văn Lịch – đội phó Đội III, kiêm chủ tịch công đoàn Bộ phận đang sửa lại đường mủ chảy bị lệch miệng cạo cho ngay ngắn vào chén hứng mủ cho công nhân

Xe dừng lại, trước mặt là vườn cao su rộng nhiều ha trên cái đồi đá. Lúc này mới 7 sáng, công nhân vẫn còn đang cạo mủ, trên đường thì xe cơ giới chở phân bón tập kết phân theo từng cụm, để khi công nhân cạo xong sẽ bón cao su. Anh đưa tôi đi vòng quanh khu đồi, khi lên tận đỉnh lúc xuống đáy vực, cứ đi một đoạn vài chục mét thì anh đứng đợi tôi, những lúc đó anh giúp công nhân sửa lại đường mủ chảy bị lệch miệng cạo cho ngay ngắn vào chén hứng mủ, có khi thì lượm cái dăm cạo do sơ ý rơi vào chén.

Tôi thì cứ đi từng bước một tránh những cây quýt rừng đầy gai nhọn tua tủa, né các tảng đá to, còn dưới chân là đầy dãy đá cuội, đá con lởm chởm cứ lật bàn chân, thêm nữa những cây cỏ dại buổi sáng còn đọng nước mưa và sương làm ướt giày, đất bám, trơn trợt… có lúc phải kềm chặt chân, thắng lại trước độ dốc, quá xuôi của mé đồi.

Có đi thực tế mới cảm nhận được công nhân ở đây làm việc khó khăn, vất vả thế nào. Các chướng ngại vật luôn tiềm ẩn những rủi ro tai nạn như: cây quýt rừng gai đâm trúng, va vướng đá, đồi dốc trơn trợt… mỗi khi di chuyển, thao tác cạo mủ, trút mủ sơ sẩy là bị thương tích chảy máu hoặc u đầu mẻ trán. Vậy mà, chẳng ai nề hà, duy chỉ luôn khát khao tận thu càng nhiều sản lượng  mủ giao nộp, thì thu nhập tiền lương sẽ tăng cao hơn mới đủ trang trải cho cuộc sống. Bởi vì hiện tại giá mủ thị trường vào khoảng 27 – 30 triệu/tấn thành phẩm là rất thấp” – anh chia sẻ vậy.

Thay vì anh cho tôi cuộc hẹn ở văn phòng đội hoặc nơi phần cây nào đó – anh nói thế. Nhưng anh lại chọn việc đi thực tế ở nơi vườn cây cho là khó khăn nhất mà anh từng quản lý để vừa đi vừa trò chuyện. Bởi theo anh làm người cán bộ quản lý phải luôn bám sát công việc thực tế thì mới thấy được đâu thuận lợi, khó khăn… vất vả để mà hành động. Trước khi hẹn gặp anh, tôi đã nghe qua nhiều công nhân, các vị cán bộ lâu năm và cấp trên của anh trong đơn vị nhận xét anh là người của công việc: “Nói được, làm được”.

Được biết, anh từng là công nhân cạo mủ trưởng thành từ bàn tay khéo léo cạo giỏi, với thành tích vượt sản lượng cao, cùng với hoạt động phong trào Đoàn là bí thư chi đoàn giỏi mà anh được đề bạt vào vị trí tổ trưởng quản lý. Khi nhận nhiệm vụ quản lý vườn cây khai thác được vài năm, cấp trên lại chuyển anh qua quản lý chăm sóc trồng mới.

Anh cho biết việc trồng mới lúc đó, công nhân phải đào hố trồng cao su bằng tay, khó khăn nhất  là là cái đồi đá này, triền dốc với nhiều đá, cây quýt rừng gai góc. Công nhân đào hố xuống là đụng đá, phải đục đá mới đào tiếp được (chứ đâu được như bây giờ có xe cuốc hố, khoan lỗ…) rồi tay bị phồng rộp, tứa máu, đau nhức.

Những lúc công nhân đau nhức như vậy là mình nhảy vô cùng đào với công nhân, trưa đến ở lại cùng công nhân ăn cơm núp lùm cây tránh nắng, còn tối về khu nhà tập thể anh em lại quây quần với nhau đem ít mồi từ thức ăn ra sương sương tí chút, rồi hát hò cho vui… để khỏa lấp cái mệt, lấy đà cho công việc ngày mai tiếp tục. Anh nói trong công việc là không có ranh giới quản lý – công nhân, mình phải xắn tay cùng làm, cùng ăn, cùng ở với công nhân vừa động viên tinh thần, vừa có điều kiện giúp đỡ kịp thời. Chính sự gần gũi, thiết thân mà vun đắp tình cảm đong đầy theo ngày tháng nên mình giao công việc gì công nhân cũng thực hiện hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.

Khi hoàn tất công việc khai hoang trồng mới,  cây cao su sinh trưởng tốt, đến chu kỳ đưa vào mở miệng cạo lấy mủ. Anh lại được cấp trên sắp xếp về đội khác nhận nhiệm vụ quản lý vườn cây khai thác sắp thanh lý, kiêm chức vụ chủ tịch Công đoàn bộ phận – khi đó tình hình ở đội mới này đang rối ren về nạn trộm cắp mủ bên ngoài lẫn trong nội bộ. Đảm nhận nhiệm vụ mới, được vài năm, tình hình công việc ổn định, nạn trộm cắp mủ dứt hẳn, vườn cây đưa vào thanh lý trồng mới, anh lại được phân công về đội khác nữa để ổn định tiếp tục.

Còn hiện tại bây giờ anh được phân công quay về điểm xuất phát, chặng đường cho một vòng quay hơn 30 năm. Đó cũng là thâm niên nghề nghiệp của anh chọn ngành cao su làm điểm dừng chân để xây dựng mái ấm gia đình, phát triển sự nghiệp. Anh cho biết rất vui khi được trở lại nơi từng gắn bó của những ngày đầu gian khó, ở đó có những công nhân một thời chia ngọt sẻ bùi, rồi có đồi đá, có cây quýt rừng gai, có cái vực sâu mà khi nhìn xuống hàng cao su dưới đáy chỉ là chóp lá xanh, cùng với những cây cỏ hoang dại mọc vô lối từ hốc đá khó trị.

Đặc biệt nữa là, anh còn được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm… và gần đây đề bạt anh vào chức vụ đội phó, kiêm chủ tịch Công đoàn bộ phận, đó cũng là nhiệm vụ mới nặng hơn, cao hơn mà anh phải tiếp tục cố gắng.

Cuộc gặp gỡ thật thú vị, tôi ngưỡng mộ, cảm kích về anh từ tinh thần trách nhiệm công việc và lòng nhiệt huyết với nghề. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia công việc với công nhân trong những lúc khó khăn, vất vả nhất để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tạm biệt anh, anh nắm tay tôi siết chặt… một cảm giác thật gần gũi, thân thương và ấm áp lan tỏa trong tôi giữa muôn trùng sắc xanh lộng gió.

(Viết về anh Lê Văn Lịch – đội phó Đội 3, kiêm Chủ tịch Công đoàn Bộ phận III, NT Xà Bang, Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa)

XÊ AI

(Bà Rịa – Vũng Tàu)