Người nữ đội trưởng “đi đường Cồi” (*)

CSVN – “Đường Cồi ai mạnh nấy đi/Làm thân con gái chớ đi đường Cồi”. Ấy vậy mà chị vẫn cứ đi. Từ nhà đến đội sản xuất trên 25 km, chị miệt mài với công việc, bám trụ vườn cây. Chị là Nguyễn Thị Mai, Đội 2, Nông trường Anh Sơn 2 – Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An.

Chân dung nữ đội trưởng Nguyễn Thị Mai.
Sáng tạo nhiệt tình trong mọi lĩnh vực công tác

Trưởng thành từ công nhân lao động ở Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn, từ năm 2004 đến năm 2010, khi sắp xếp chuyển đổi dự án trồng cây cao su tại Nông trường Anh Sơn, chị đầu quân sang làm việc tại nông trường cho đến ngày hôm nay.

Vốn không phải là chuyên ngành trồng chăm sóc khai thác mủ cao su, nhưng với bản tính siêng năng, cần cù chịu khó, sáng tạo nhiệt tình trong mọi lĩnh vực công tác, chị đã nắm bắt công việc nhanh, năm 2010, chị Mai được phân công làm đội trưởng đội sản xuất số hai – Nông trường Anh Sơn.

Dù trải qua những tháng ngày vất vả, gian nan, với thời tiết nắng nóng gió Lào, mưa bão… Đường giao thông đi lại khó khăn, từ nhà đến đội sản xuất trên 25 km, mỗi ngày cứ sáng đi chiều về hầu như không có ngày nghỉ. Cứ thế, chị miệt mài với công việc, bám trụ vườn cây. Nhiều người ví von con đường mà thường ngày chị vẫn luôn qua lại: Đường Cồi ai mạnh nấy đi/ Làm thân con gái chớ đi đường Cồi

Và rồi “Đất không phụ công người”, từ những ngày đầu khai hoang trồng mới chăm sóc vườn cây cao su kiến thiết cơ bản, cho đến khai thác mủ chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện tại đội sản xuất của chị được giao quản lý chăm sóc khai thác mủ cao su 304 ha, trong đó diện tích chăm sóc kiến thiết cơ bản 97 ha, diện tích khai thác 207 ha, số lao động là 28 người chủ yếu là lao động dân tộc thiểu số. Đến nay diện tích vườn cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt cho sản lượng mủ tương đối cao so với toàn công ty.

Tìm hiểu tâm tư nguyện vọng công nhân để có tiếng nói chung

Ngày ngày đeo bám vườn cây, gần gũi, hướng dẫn anh em trong đội sản xuất khai thác đúng kỹ thuật, tối về lo cơm nước cho cả nhà, dạy con học bài, cho con ngủ, rồi chị lại chong đèn làm báo cáo, phân tích công, sản lượng mủ cho từng người lao động…

Do phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc địa phương, lực lượng lao động làm việc trên vườn cây không ổn định, nên chị luôn xác định: Muốn giữ chân người lao động, trước hết người cán bộ phải làm tốt công tác dân vận, chăm lo tốt cho người lao động và con em của họ. Bên cạnh đó, phải tìm hiểu phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng chính đáng của họ, để từ đó có tiếng nói chung, có như thế, thì công tác quản lý điều hành sản xuất sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ngoài việc công ty bố trí nhà ở, điện, nước, thì những vật dụng thiết yếu như đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người lao động và con em của họ cũng rất thiếu, chị Mai đã đứng ra kêu gọi các tổ chức đơn vị trong và ngoài công ty, đóng góp ủng hộ: chăn, ga, gối đệm, bếp ga, xoong nồi… quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho công nhân và con em của họ mỗi khi bước vào khai giảng năm học mới.

Khi người lao động trong đội sản xuất ốm đau, đi viện hay cần mua sắm mà chưa có tiền, chị đứng ra mua hộ, thăm hỏi động viên kịp thời, nên người lao động rất yên tâm gắn bó với công việc và tin tưởng, yêu quý chị.

Với những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi, năm 2015 người đội trưởng gương mẫu Nguyễn Thị Mai được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chị vinh dự được công ty cử đi học Đại học Lâm nghiệp, và là một trong những nữ đội trưởng tiêu biểu của Cao su Nghệ An.

TRẦN HOÀI

(*) Đường Cồi: tên con đường đi vào đội sản xuất số 2