Dựa vào dân, dẫu khó muôn lần cũng vượt!

CSVN – Đó là lời quả quyết “như đinh đóng cột” của anh Hà Văn Phủ, sinh năm 1986, đội trưởng đội 1 Nông trường Quế Phong (Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An).

Anh Hà Văn Phủ tại vườn cây mới đưa vào khai thác.
Nói dân nghe, làm dân tin

Tốt nghiệp cao đẳng dạy nghề loại giỏi, với mong muốn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Nhưng rồi anh nghĩ, nếu bây giờ mình đi thì ai chăm sóc cho bố mẹ, ông bà và 3 em đang còn tuổi ăn tuổi học, chăm ngoan học giỏi.

Năm 2006, anh tình nguyện vào làm việc ở Tổng đội Thanh niên xung phong 7 – Xây dựng kinh tế Nghệ An nay là Nông trường Quế phong trực thuộc Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An. Năm 2013 Hà Văn Phủ được bổ nhiệm làm đội phó đội 1 của nông trường, đến năm 2014 anh được đề bạt làm đội trưởng đội 1 kiêm Bí thư chi đoàn của nông trường.

Vốn không phải là chuyên ngành kỹ thuật trồng chăm sóc cây cao su nhưng với sự đam mê tìm tòi học hỏi qua sách vở, anh em đồng nghiệp và qua mạng Internet… dần dần anh đã tích lũy những kiến thức cơ bản và nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Làm việc trong ngành cao su ở địa bàn thuận tiện vất vả một thì đối với anh khi được giao ở một vùng thung lũng rộng lớn lại vất vả mười. Địa hình chia cắt, giang nứa, lau lách, dây leo, bụi rậm, đường đi không có với diện tích tự nhiên trên 500 ha, độ cao từ 200 đến 500 mét so với mặt nước biển. Điều kiện thời tiết không thuận lợi nên việc trồng mới và chăm sóc vườn cây cao su gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2013 khi cây cao su được trồng đầu tiên trên đỉnh Pù Mai, cũng là thời điểm có không ít sự hoài nghi… Nhưng thời gian đã chứng minh, đến nay vườn cây diện tích 370 ha đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Hầu hết các hộ gia đình công nhân lao động là người địa phương dân tộc Thái, Thanh, Khơ Mú. Trực tiếp phụ trách địa bàn không thuận lợi, anh Hà Văn Phủ xác định, mình có tài giỏi đến đâu nếu không dựa vào dân, không làm tốt công tác dân vận thì sẽ không bao giờ thành công.

Nghĩ thế, việc đầu tiên là phải làm sao để đi dân nhớ, ở dân thương, nói dân nghe, làm dân tin và lời nói đi đôi với việc làm. Ngay từ ngày đầu, người đội trưởng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân vào làm công nhân, giúp đỡ chia sẻ những khó khăn vui buồn, cầm tay chỉ việc cho họ. Không có khoảng cách giữa người quản lý với công nhân… Anh còn dành nhiều thời gian gần gũi để tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân bản địa.

Góp phần tạo nên diện mạo mới trên đỉnh Pù Mai

Sau nhiều năm gắn bó với người lao động trên đỉnh Pù Mai, anh Phủ luôn tâm niệm: Dù khó khăn đến đâu vẫn không để người dân mất niềm tin với cây cao su. Vất vả là không thể kể hết, nhưng anh cùng với người công nhân nơi đây đã xác định đưa cây cao su về với bản làng là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, cải tạo môi trường, giữ rừng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đứng chân của nông trường.

Ngoài công việc chuyên môn anh còn vận động hướng dẫn công nhân đào ao, đắp đập cải tạo mặt nước nuôi cá, nuôi vịt bầu (loại vịt ngon nổi tiếng chỉ có ở Quỳ Châu, Quế Phong, Nghệ An), hướng dẫn cách làm rau sạch như trồng giống cải nại, cải cay và các loại rau rừng chỉ có ở đỉnh Pù Mai.

Từ một vùng núi hoang vu đến nay Pù Mai đã mang một diện mạo mới. Sự đổi thay có ý nghĩa đối với người dân nơi đây, bên cạnh nhận được sự quan tâm đầu tư của VRG, của công ty còn là sự điều hành quản lý tận tâm, nhiệt huyết trách nhiệm của người đảng viên trẻ, người đội trưởng yêu nghề Hà Văn Phủ và sự đồng thuận của tập thể công nhân lao động nơi đây.

TRẦN HOÀI