Hội thi “Bàn tay vàng” là Festival đặc biệt của ngành cao su

CSVN – 10 năm giữ chức vụ Phó TGĐ VRG, 5 lần làm Trưởng Ban tổ chức Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su – ông Lê Minh Châu – Nguyên Phó TGĐ VRG đã chia sẻ với Tạp chí Cao su VN về những kinh nghiệm tổ chức thành công hội thi và những kỉ niệm ông nhớ mãi qua các hội thi thợ giỏi.
Ông Lê Minh Châu (phải) kiểm tra trường thi năm 2014 tại Công ty CPCS Phước Hòa. Ảnh: Tùng Châu.
Ông Lê Minh Châu (phải) kiểm tra trường thi năm 2014 tại Công ty CPCS Phước Hòa. Ảnh: Tùng Châu.

Năm 2005, tôi được bổ nhiệm giữ chức Phó TGĐ Tổng công ty Cao su VN (nay là VRG). Từ đó đến khi nghỉ hưu, tôi được giao nhiệm vụ Trưởng ban tổ chức Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su (nay là Hội thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su), qua 5 mùa hội thi: năm 2006 ở Phú Riềng, năm 2008 ở Đồng Phú, năm 2010 ở Dầu Tiếng, năm 2012 ở Tây Ninh và năm 2014 ở Phước Hòa.

Hội thi thợ giỏi từ lâu đã trở thành một ngày Hội lớn của toàn ngành cao su Việt Nam, là ngày vui sum họp của những gương mặt kiện tướng, là buổi giao lưu thi tài giữa những tấm gương điển hình xuất sắc của các đơn vị. 24 năm nay, Hội thi thợ giỏi toàn ngành đã được tổ chức đều đặn định kỳ 2 năm một lần, nội qui và qui chế Hội thi ngày càng chặt chẽ hơn. Với số lượng đội tuyển và thí sinh ngày càng đông, qui mô ngày càng lớn, Hội thi không chỉ gói gọn trong Tập đoàn mà đã được mở rộng ra các đơn vị có nhiệm vụ phát triển cây cao su trong cả nước.

Theo tôi, ngành cao su càng khó khăn thì càng phải tổ chức tốt, tổ chức chu đáo hội thi bàn tay vàng khai thác mủ cao su. Bởi vì, hội thi còn gắn kết các đơn vị, thể hiện sự chung sức đồng lòng vượt khó của ngành. Kinh nghiệm của bản thân tôi, để tổ chức thành công hội thi thợ giỏi, cần các yếu tố: Ban tổ chức phải phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo (lãnh đạo Tập đoàn), nắm sát tinh thần, ý nghĩa, qui mô của hội thi. Mặc dù mỗi năm khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ các nội dung trọng tâm, đặc biệt là công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của ngành cao su.

Ban tổ chức phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị đăng cai, đặc biệt là trường thi (theo dõi sát sao về phần cây, số lượng, độ đồng đều…), vì trường thi thực hành quyết định kết quả của hội thi một cách khách quan nhất. Bộ đề thi phải được chuẩn bị chu đáo, bổ sung, chỉnh sửa qua các hội thi, vì từ năm 2014, hội thi có sự tham gia của các thí sinh Lào và Campuchia. Phải làm nổi bật Hội thi thợ giỏi là ngày hội đua tài nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện để có đội ngũ công nhân tay nghề giỏi, vườn cây đạt năng suất cao – sản lượng vượt. Đồng thời cũng là dịp để các thí sinh cũng như các CBCN giữa các đơn vị gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, không ngừng góp phần nâng cao năng suất và sản lượng vườn cây.

Qua 5 lần tổ chức hội thi, điều tôi quan tâm nhất là tâm lý, sức khỏe các thí sinh. Tôi nhớ có lần, sau khi hoàn thành xong phần thi đã có thí sinh ngất xỉu tại lô cao su. Nhiều thí sinh say xe trên quãng đường di chuyển, ăn uống, sinh hoạt bị xáo trộn, thêm nữa là tâm lý căng thẳng trước giờ thi. Đa phần các thí sinh chia sẻ với tôi là họ không ngủ được khi ngày thi gần kề. Khẩu hiệu của hội thi luôn là: “Bình tĩnh, tự tin” nhưng nhiều thí sinh mang tâm trạng hồi hộp, căng thẳng. Chính vì vậy, mỗi lần tổ chức hội thi, chúng tôi đều chú trọng công tác tư tưởng cho thí sinh thông qua các trưởng đoàn.

Kỷ niệm nhớ mãi với tôi là những giọt nước mắt xúc động của các thí sinh đoạt giải cao. Hội thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su do VRG tổ chức đã vượt khỏi khuôn khổ của một hội thi tay nghề và thực sự trở thành một ngày hội truyền thống của công nhân cao su. Lá cờ truyền thống hội thi sẽ tiếp tục nối kết các đơn vị, tiếp tục thắp sáng những ước mơ tốt đẹp vì mục đích phát triển ngành cao su bền vững!

Ngọc Cẩm (ghi)