CSVN – Từ năm 1917, nằm trong chiến lược tận thu tài nguyên các nước thuộc địa, tư bản Pháp đã đến vùng Dầu Tiếng (Bình Dương) mở đồn điền cao su Michelin với chính sách bóc lột hà khắc…
Có áp bức có đấu tranh, công nhân cao su Dầu Tiếng từ tự phát, rồi sau đó dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên, kinh qua nhiều gian khổ, cùng quân dân cả nước hết lòng chiến đấu cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Sau ngày 30/4/1975, đồn điền cao su Dầu Tiếng được đổi tên thành Nông trường quốc doanh cao su Dầu Tiếng. Giám đốc NT khi ấy là ông Đoàn Hữu Hòa, Phó ban cao su miền Nam; Phó Giám đốc là ông Trần Bạch Đằng, một kỹ sư cơ khí…
Giám đốc cuối cùng của đồn điền Michelin Dầu Tiếng là Patrick Hays, một chuyên gia cao su danh tiếng của Pháp như chết lặng trước sự sụp đổ của đồn điền. Công ty Michelin mất đi đồn điền Dầu Tiếng là mất đi một nguồn lợi rất lớn. Vì thế mà ông ta đêm ngày suy nghĩ để tìm cách tiếp tục giữ quyền quản lý đồn điền cao su màu mỡ này. Về Sài Gòn, ngay từ những ngày đầu giải phóng, Patrick đã vận động nhiều chủ đồn điền Pháp khác hợp tác, đề nghị Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam và Ban Cao su Nam bộ tổ chức một cuộc họp bàn về việc các công ty Pháp xin được tiếp tục đầu tư khai thác cao su ở các đồn điền.
Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1975, tại số 11 Công trường Mê Linh Sài Gòn đã liên tiếp diễn ra những cuộc trao đổi, tranh luận giữa hai bên. Phe địch do Patrick Hays đầu tàu, đề nghị cho họ trở lại khai thác cao su trên các đồn điền cũ; bên ta do hai ông Phan Văn Hựu và Trần Văn Lắc thay mặt công nhân Dầu Tiếng cùng với công nhân nhiều đồn điền khác ở miền Đông, đấu tranh với chủ cũ đòi trả “tiền thâm niên”, trả hết các khoản nợ công nhân của các đồn điền. Hy vọng được trở lại khai thác, các chủ đồn điền đã đồng ý giải quyết yêu cầu “tiên quyết” này.
Ngay tại hội nghị, Patrick Hays đồng ý trả ngay 242 triệu đồng cho công nhân đồn điền Dầu Tiếng. Những chủ khác trả cho công nhân các đồn điền khác đến 1,5 triệu France. Về việc xin tiếp tục khai thác ở các đồn điền, đại diện công nhân ta trả lời: “ Đây là vấn đề do Chính phủ hai bên bàn bạc, chúng tôi không đủ thẩm quyền quyết định”.
Nghe vậy, Patrick nản lòng, khi đã nhận ra đây là một ước mong rất khó trở thành hiện thực. Với vẻ đầy tiếc nuối, Patrick cố níu kéo: “Tôi đề nghị các ông đề đạt lên trên cho tôi được ở lại làm chuyên viên cũng được. Người Pháp chúng tôi đã bỏ rất nhiều tiền của và công sức để đầu tư phát triển cao su ở đây, và bây giờ không muốn thấy nó bị phá sản, khi phải giao lại cho người bản xứ vốn không có mấy kiến thức về kỹ thuật ươm trồng, khai thác và quản lý vườn cây cao su”.
Sự “nhiệt thành” của Patrick vươn lên từ cái mầm “dọa dẫm”, và lại thêm một lần ông ta không được toại nguyện. Cay đắng nhất là ông ta đã lầm khi chủ quan đánh giá thấp đối thủ.
Nông trường quốc doanh cao su Dầu Tiếng dần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống công nhân, vượt qua muôn vàn gian khổ của bóng đêm buồn bã đón bình minh nắng lên. Ngày 21/5/1981, Công ty Cao su Dầu Tiếng ra đời, cũng là lúc đảm nhận công trình hợp tác với Liên Xô trồng mới 20.000 ha cao su trong kế hoạch 5 năm 1981 – 1985.
Với 4 phương án hoạt động thiết thực, cụ thể: Một là tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, kể cả chuyên viên thời trước giỏi về cao su. Hai là mạnh dạn đề bạt cán bộ quản lý trẻ, có năng lực giữ các chức vụ chủ chốt phòng ban và nông trường. Ba là đưa cơ giới vào khai hoang, kết hợp cơ giới và thủ công; trồng mới bằng 3 phương pháp stump bầu, stump trần, trồng hạt.
Bốn là thực hiện chế độ khoán sản phẩm để khuyến khích sản xuất, lấy năng suất, chất lượng công việc, sản phẩm làm thước đo năng lực và phẩm chất lao động – Công ty Cao su Dầu Tiếng đã hoàn thành xuất sắc Hiệp định hợp tác Việt – Xô trồng 20.000 ha cao su trên đất Dầu Tiếng. Trong 5 năm 1981 – 1985, công ty đã trồng được 20.000,87 ha cao su, vượt kế hoạch Nhà nước giao. Bình quân mỗi năm công ty trồng được 4.001 ha, gấp 32 lần so với người Pháp. Chỉ trong 5 năm ấy, công ty đã trồng số cây gấp 3 lần số cây người Pháp trồng trong 60 năm.
Với một chuyên gia từng bỏ cả đời cho cây cao su, hẳn là khi về Pháp, Patrick Hays vẫn tiếp tục dõi theo nhất cử nhất động của Cao su Dầu Tiếng. Và hẳn ông ta sẽ phải bất ngờ, sửng sốt đến tròn xoe con mắt trước tốc độ phát triển cao su thần kỳ của những người mà ông ta từng cho là chẳng biết gì về làm cao su!
Sáu Vườn Ươm
Related posts:
- Chiến công oanh liệt của công nhân Cao su Dầu Tiếng
- Nơi địa đầu Tổ quốc
- Cao su Việt Lào giành giải nhất Hội diễn Khu vực III
- Lễ cúng cầu mưa: Nghi lễ độc đáo, giàu bản sắc
- Hội thao là sân chơi thực chất của người lao động VRG
- Những cây cao su đầu tiên tại Thảo Cầm Viên - Sài Gòn
- Xúc cảm trước tượng đài Phú Riềng Đỏ
- Khèn Mông xuống chợ
- Chuyện của "chị bếp 3 tại chỗ"
- Văn hóa đọc ở Phố Núi