CSVN – Được một lần trong đời đến với vùng cao nguyên hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc, với tôi, đây không chỉ thỏa chí xê dịch, mà còn là một trải nghiệm thực tế lý thú cùng rộng dài đất nước…
>> Hành trình về phía mặt trời
1.Trên đường đến miền Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, có cảm giác con đường sao mà mỏng manh gượng nhẹ, như sợi chỉ màu bị ai đó lỡ tay làm rơi, vướng vào sườn đá uốn quanh dốc núi dựng thành cao hun hút với những khúc cua khúc khuỷu liên tiếp lẫn trong mây. Đất với trời gần như không còn khoảng cách nơi cổng trời Quản Bạ. Trong tôi, trào dâng niềm lâng lâng khó tả trước khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ đến nao lòng. Lạ thế đất nước mình, ở nơi đâu càng hoang sơ khó khăn, ít người biết đến, lại càng tuyệt đẹp!
Chúng tôi dừng lại rất lâu trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng với con đường Hạnh phúc. Đèo tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi phía Bắc, được ví như “vua” của các con đèo VN. Con đường Hạnh phúc đã được mở rộng nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo, nằm giữa trơ trọi đá, một bên là vách núi cao dựng đứng và một bên là vực sâu thăm thẳm sông Nho Quế và trải dài ngút tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối.
Tôi thực sự choáng ngợp trước toàn đá là đá trải dài ngút mắt. Cả một vùng núi đá dữ dội nơi Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại VN. Tuy có dòng sông Miên uốn lượn chảy theo, cùng với những vạt ngô xanh mướt mọc lên từ những hốc đá, nhưng vẫn không thể làm dịu đi cái sắc cảnh dữ dằn và khốc liệt.
Tôi đã rất sung sướng vượt qua 839 bậc đá lên đỉnh Lũng Cú ở độ cao khoảng 1.700 m trên đỉnh núi Rồng. Đây chính là cột cờ Lũng Cú, linh thiêng nơi tận cùng đất Việt! Tự hào và rưng rưng xúc động, khi được cùng các đồng nghiệp đứng dưới lá cờ tung bay phần phật hiên ngang giữa bầu trời lộng gió nơi cực Bắc Tổ quốc. Đứng nơi đây tôi càng thấm thía ý thức công dân với chủ quyền đất nước!
Ấn tượng khi tới thăm dinh thự vua Mèo, tại Sà Phìn, Đồng Văn. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng trên một quả đồi có dạng mai rùa. Kiệt tác kiến trúc này được xây dựng trong vòng 8 năm với chi phí lên tới 150.000 đồng bạc trắng.
Khu phố cổ Đồng Văn khác hẳn với khu phố cổ Hội An. Đa số nhà ở đây xây theo kiểu nhà trình tường, vách bằng đất sét dày từ 60 – 80cm và mái lợp ngói âm dương theo kiến trúc người Hoa. Đêm giao lưu ở Phố cổ Đồng Văn, tiếng khèn, tiếng sáo bay bổng quấn vòng theo ánh lửa bập bùng lung linh mời gọi, quyện men rượu ngô nồng nàn, khiến đêm thêm quyến rũ…chúng tôi cũng lâng lâng say say với bản sắc văn hóa hết sức độc đáo và ấn tượng của các dân tộc nơi đây.
Có điều thật tiếc, đến Hà Giang nhưng chúng tôi chưa được ngắm bạt ngàn hoa tam giác mạch, hoa mận, hoa đào tinh khôi trong những buổi sớm mùa Xuân. Chúng tôi chưa kịp mùa hoa cải rực vàng lũng núi, làm mềm đi màu đá xám xịt trơ khấc, làm con đường xa hóa thành diệu huyền cổ tích. Chưa được ngắm cho thỏa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang chuyển màu theo mùa gặt đẹp đến mê hoặc hút hồn. Không kịp dự chợ tình Khâu Vai, và chưa được dự những chợ phiên rực rỡ sắc màu từ nông phẩm đến phục trang truyền thống các dân tộc, với những cô gái vùng cao duyên dáng hồn hậu trong những bộ váy rực rỡ… Tự dặn mình phải quay lại trong niềm thương nhớ!
2. Hà Giang còn nghèo lắm. Người dân Hà Giang còn khó khăn lắm. Sự khó khăn bao trùm lên mảnh đất này, những mái nhà đơn sơ, ruộng đồng cằn cỗi, đường sá xa xôi, cách trở, nhọc nhằn. Những bản làng còng lưng dưới núi đá, những con trẻ đầu trần chân đất, áo mỏng phong phanh, đen nhẻm bé tẻo teo như cành cây
khô bên rừng, theo phụ giúp cha mẹ bán nông sản dọc đường, hay đang trên đường đến các điểm trường rải rác chon von lưng núi, xa tít đỉnh núi và xuống tận sâu ven bờ suối. Sống ở trên núi, đến cây ngô dễ trồng thế mà cũng chật vật cả năm mới bật nổi trái bắp con con, cứng đanh đâm ra khỏi thân cây gầy guộc, thì lấy đâu ra gạo thịt đủ đầy hằng ngày cho bọn trẻ to lớn phổng phao?
Em Ly Mi Chứ người dân tộc Mông, đã 15 tuổi nhưng gầy đét, cùng với 2 em, bé tẹo, theo phụ mẹ bán dưa hấu ruộng nhà trên con đường Hạnh phúc, ngơ ngác tròn xoe đôi mắt nhìn chúng tôi chọn mua dưa ăn giải khát. Chia tay, tôi và vài người trong đoàn tặng các cháu ít quà. Các cháu khoanh tay cảm ơn, lưu luyến. Nhìn chúng, mà thấy những chật vật cơm áo hằng ngày, có đáng gì đâu?
Trên chặng đường, chúng tôi gặp một buổi dân một bản ở xã Lào Va Chải, huyện Yên Minh đến nhận gạo cứu trợ của Chính phủ. Thật lạ, cuộc sống của họ có thể nghèo, còn thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng vẫn bộ đồ truyền thống màu sắc rực rỡ, đẹp long lanh đến nhận gạo. Đó chính là sự trân trọng, lòng biết ơn của đồng bào với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ!
3. Tạm biệt nơi địa đầu Tổ quốc, chúng tôi xuống núi về xuôi. Nhưng trong tôi vẫn cứ băn khoăn nhiều câu hỏi về vùng biên cương phên dậu của đất nước.
Ở lán Nà Nưa (Nà Lừa), nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Hướng dẫn viên Trương Mỹ Duyên nghẹn ngào: “Lúc đó, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ, khó khăn và bệnh tật, những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Cùng với công việc khẩn cấp, bộn bề, Bác Hồ bị mệt nặng. Dù được mọi người lo lắng chăm sóc thuốc men, nhưng bệnh vẫn không giảm. May thay, có một cụ ông người đồng bào đã tìm được bài thuốc và chữa khỏi bệnh cho Bác. Tiếc rằng cho đến bây giờ danh tánh ông cụ đó vẫn không xác định được!”. Chả nhẽ, một người có thể mai danh ẩn tích, trước Bác, trước mọi người xung quanh Bác, đến thế được sao? Có gì không?
Hình ảnh cây đa Tân Trào từ xưa đã in sâu đậm trong tâm trí mọi người dân nước Việt, giờ đã khác xưa. Hỏi, cô Mỹ Duyên trả lời do lâu năm, 2 phần 3 thân cây đã chết. Lại hỏi, sao nghe nói quân Trung Quốc đã nã pháo vào năm 1979 làm cây chết? Trả lời, không phải thế, (rồi bỏ lửng câu chuyện). Sao lại không có một lời giải thích xác đáng từ phía người có trách nhiệm, để mọi người đến khu di tích Tân Trào hiểu rõ ngọn ngành?
Đứng trước thác Bản Giốc, rất nhiều người cho rằng toàn bộ hai phần thác Bản Giốc vốn thuộc về Việt Nam và đã bị mất cho Trung Quốc(!?) Hiện nay, thác Bản Giốc trên sông Quế Sơn, phần thác phụ hoàn toàn nằm bên phía VN, phần thác chính có một phần thuộc TQ. Đây có phải là vấn đề “nhạy cảm” nên nhiều người cứ u u minh minh?
Lãnh đạo Hà Giang từ lâu đã cấm khai thác đá, hang động, nhũ đá và tất cả các công việc liên quan đến di sản Công viên địa chất toàn cầu. Nhưng, dưới chân Núi đôi Quản Bạ – “tác phẩm nghệ thuật” của thiên nhiên ban tặng, đã bị “xẻ thịt” lấy đá; Cao nguyên đá Đồng Văn đang đứng trước nguy cơ biến dạng bởi dự án thủy điện Nho Quế 1. Nếu vậy, những danh lam thắng cảnh nơi này sẽ ra sao ?
Hồ Trung Trực
Related posts:
- Mùa hoa trên cao nguyên đá Đồng Văn
- Trách nhiệm của người làm báo với sự nghiệp xây dựng Đảng
- Người mẹ Anh hùng trong "Huyền thoại mẹ"
- Suy ngẫm từ những chiếc đèn trung thu
- Cao su Bà Rịa tham gia Hội diễn "Tiếng hát công nhân, người lao động" tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Cao su Krông Buk - Rattanakiri đạt giải nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực Campuchia - Lào
- "Dân cao su" chơi lan
- Nơi lưu giữ nhiều hiện vật về cao su
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Trên 400 vận động viên tham gia Hội thao quốc phòng Binh đoàn 15 lần thứ XIII