CSVNO – Dân tộc Việt Nam từ bao đời nay có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, truyền thống ấy trở nên thiêng liêng, vĩnh hằng trong tâm thức người Việt. Hằng năm, cứ đến tháng 11, trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng có tâm trạng xốn xang, bồi hồi khi nghĩ về người thầy đáng kính của mình, người truyền đạt kiến thức, thổi bùng khát vọng, đam mê, dạy ta biết sống tốt, sống đẹp.
Lúc sinh thời Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã dạy: Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người. Đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nguyên khí của đất nước, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục. Nghề dạy học mãi mãi được xã hội trọng vọng và tôn vinh.
Cuộc đời mỗi chúng ta từ lúc sinh ra, lớn lên ai lại không có những ký ức tuyệt vời về tình cảm thầy trò.“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – công lao của thầy không thể nào cân, đong, đo, đếm. Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên”, môi trường giáo dục chính là vườn ươm “luyện đức luyện tài” cho bao thế hệ tương lai của đất nước. Một đất nước với nền kinh tế trí thức thì vai trò người thầy lại trở nên quan trọng và cần được xã hội tôn vinh.
Một thực tế mà mỗi chúng ta ai cũng nhận thấy, đó là nội dung giáo dục trong nhà trường hiện nay còn nặng về “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức về “dạy người”…Vần còn đó bao vụ tiêu cực liên quan đến nhà giáo; hiện tượng “mua bằng bán điểm”, vấn nạn chạy trường, chạy lớp, dạy thêm, học thêm… những lối sống, cách ứng xử thiếu mô phạm của một số thầy cô làm tổn thương, ảnh hưởng uy tín của người thầy, là những vết xước làm nhức nhối tâm can bao người thầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
Thiết nghĩ, việc dạy làm người phải được bắt đầu từ những cải cách của ngành giáo dục, của mỗi trường học; từ đổi mới cách giảng dạy; từ lối sống, làm việc của thầy cô; từ sự phối hợp giữa nhà trường – xã hội và gia đình… để đào tạo ra những công dân gương mẫu, những người vừa có tài, vừa có đức – chủ nhân tương lai của đất nước.
Dân tộc Việt Nam đã có biết bao người thầy mẫu mực như thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành… và hôm nay vẫn còn đó bao tấm gương không ngại khó khăn gian khổ để đi bất cứ nơi đâu “gieo chữ”.
Đạo lý thầy – trò với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được bao thế hệ Việt Nam nâng niu, gìn giữ. Tình cảm ấy cao khiết vô cùng. Những ai đã chọn cho mình sự nghiệp gắn bó với bục giảng, với mái trường đều không thể so tính thiệt – hơn. Nếu để cho bất kỳ phép tính nào hiện diện trong đời sống tinh thần của mình, người thầy sẽ không sao trụ lại nổi với nghề mà mình đã chọn. Sự thay đổi của đời sống xã hội và biến động của kinh tế thị trường đã để lại, gieo vào môi trường giáo dục không ít những tiêu cực. Rồi giây phút ưu phiền ấy cũng qua mau, tất cả sẽ được khỏa lấp bởi lòng yêu nghề và bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn. Xin được trích một đoạn thư cuả một học sinh gởi nhân ngày NGVN: “Cuộc đời của một nhà giáo thật giàu có biết chừng nào, kiến thức thầy trao cho con là cả tài sản quý giá để con vững tin bước vào đời. Trước đây, sau này sẽ có biết bao thế hệ sẽ có chung những kỷ niệm ngọt ngào về thầy..” Vâng, vốn tài sản mà nghề giáo có được đó chính là sự chắt chiu suốt cả cuộc đời bằng ánh sáng của trí tuệ, của tình thương, của lương tâm và trách nhiệm.
Hạnh phúc của người thầy chính là từng ngày chứng kiến sự trưởng thành về tri thức và nhân cách của mỗi học sinh. Và những thành tích các em đạt được đó chính là sự tri ân chân thành, sâu sắc nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam!
MINH KHÔI
Related posts:
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Sẵn sàng cho mùa tuyển sinh 2018
- Pha sơn từ dầu hạt cao su – thời khởi nghiệp của ông Lê Văn Kiểm
- Đêm Kampong Thom nghe câu vọng cổ
- Chuyện của "chị bếp 3 tại chỗ"
- Người Ka Dong cúng lúa mới: Cảm tạ thần linh, mong điều tốt lành
- Vườn cao su Lô 9: Minh chứng sống qua hàng thế kỷ
- Măng Đen: điểm du lịch hấp dẫn du khách
- Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VRG khu vực V: "Anh cả" tranh tài
- Cao su Đồng Nai giải nhất Hội diễn Khu vực V
- Video Clip Hội thi 85 năm khu vực II