CSVN – Vài năm trở lại đây, thú chơi lan rừng đã trở thành trào lưu rộng rãi. Đi ngược lại với trào lưu ấy, chàng trai Võ Văn Công ở TP. Pleiku, Gia Lai đã tìm cách đem hoa lan trả lại rừng sau hơn hai mươi năm gắn bó với loài cây này.
Vườn lan Công Danh của chàng trai trẻ Võ Văn Công từ lâu đã trở thành địa chỉ tụ họp của những người yêu hoa lan không chỉ ở Gia Lai mà còn cả nước. Họ đến để gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu về nhiều loài lan quý vốn chưa từng được thấy, với trên dưới 800 loài. Đây cũng có thể xem là một trong những vườn lan đa dạng nhất Việt Nam hiện nay.
Nhìn nhận anh là một tay chơi lan chuyên nghiệp, giới chơi lan, sành lan ở trong nước luôn nể anh từ sự chịu khó lặn lội rừng sâu tìm lan cho đến sự am hiểu về phong lan rừng. Để có được bộ sưu tập lan quý như hiện nay, có lẽ chưa một cánh rừng nào chưa in dấu chân anh. Hễ nghe thông tin có vùng rừng nào còn lan quý là Công lại chuẩn bị hành trang, tất tả tìm đến.
Cũng chính trong những lần xuyên rừng tìm hoa lan ấy, Công đã có một cách nhìn nhận khác để rồi quyết định của anh được người chơi lan cho là gàn dở. Anh tâm sự: “Trước đây chơi lan thì đa số là mang lan về nhà, nhưng giờ mình làm một ngược đời là mang những hạt giống lan nhà về rừng. Mình hy vọng tương lai con cháu sẽ còn những giống lan quý”.
Vài năm qua, đã có hàng trăm quả giống của các loại phong lan như Mạc Lan, Thanh Ngọc, Hoàng Thảo Đơn Cam, Long Tu, Giáng Hương…đã được Công thụ phấn từ vườn để đưa trở lại rừng. Tuy kết quả chưa thật sự rõ ràng nhưng anh tin trong số hàng triệu hạt giống kia sẽ đem lại hy vọng hồi sinh cho những loài hoa đang gần như tuyệt chủng. Anh bộc bạch: “Mình hy vọng sẽ góp một phần công sức để bảo vệ nguồn gen của lan rừng được bền vững”.
Để có điều kiện tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trả lại mầm sống cho lan trong môi trường tự nhiên, anh kinh doanh hoa nhưng có nguyên tắc bất di bất dịch là không bán lan rừng, dù được trả với bất kỳ giá nào. Bởi anh tin, sẽ có một ngày, cái việc mà mọi người cho là gàn dở kia sẽ đem lại kết quả. Từ việc trả nghĩa rừng, trả lại mầm sống cho tự nhiên này, hy vọng mọi người cũng có ý thức bảo vệ những loài lan rừng trước nguy cơ bị tận diệt.
Hà Đức Thành
Related posts:
- Người lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử của Cao su Chư Prông
- Mê bóng đá nhưng không quên nhiệm vụ
- Dấu ấn tuổi học trò
- Ngọn lửa thiêng Phú Riềng Đỏ anh hùng!
- Một Thanh Hiếu khác trong lục bát "Một mình"
- Cao su Chư Prông: Tổ chức giải bóng đá mừng ngày doanh nhân
- Phụ nữ ngành cao su phấn đấu hoàn thành sứ mệnh trong thời đại mới
- Khai mạc Trại hè Thiếu nhi Ngành cao su lần thứ 18
- Cao su Bình Long tổ chức hoạt động thể thao chào mừng ngày lễ lớn năm 2022
- Hào hứng trước Hội thi “Tiếng hát công nhân cao su” khu vực I