Báo Xuân xưa

CSVN Xuân – Nhớ lúc còn sinh thời, nhà văn Sơn Nam từng nói rằng “Báo Xuân hính là sáng kiến lý thú nhất của Sài Gòn.Hầu như trên khắp thế giới này, không hề có nơi nào báo chí ra số đặc biệt Xuân, trừ Việt Nam ta.
Bìa một tờ báo Xuân năm 1937
Bìa một tờ báo Xuân năm 1937

Ngay ở Việt Nam, xưa kia cũng chẳng có tờ báo nào “chơi” số đặc biệt như vậy, mà thường chỉ in đôi dòng “cung chúc” cùng ít bài liên quan đến Tết nhân dịp Xuân về. Mãi tới lúc đón Tết Canh Ngọ 1930, tuần báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn (do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm và ông Đào Trinh Nhất làm chủ bút) đã nảy ra sáng kiến thực hiện số báo đặc biệt Xuân, lập tức được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt. Khi đó tờ báo này đã đưa một bài thơ cùng chữ Xuân thật đậm ra ngoài bìa một.

Kể từ đó, báo chí trong Nam ngoài Bắc lần lượt noi theo, cứ hễ đến gần Tết lại tập trung bài vở cho số Xuân. Thậm chí có tờ cho lên khuôn từ tháng 10 âm lịch cả hai số đặc biệt gồm số Tết và số Xuân trước khi in số tất niên! Có thể kể ra một số tờ báo tiêu biểu như Thành Chung, Tiếng Dội, Tin Điển, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai… tổng cộng vào thời điểm những năm 1930 – 1940 có lúc xuất hiện trên các sạp báo khoảng hai mươi – ba mươi tờ báo Xuân!

Báo Xuân đúng là đặc biệt về mọi mặt: trình bày ấn loát rành mạch, rực rỡ, có tăng trang, tăng bài và dĩ nhiên cũng tăng… giá bán. Cơ cấu nội dung gồm tổng kết tin tức nổi bật năm cũ, dự đoán tình hình năm mới, sớ Táo quân, thơ Xuân, câu đối, chuyện hoa quả và thực phẩm ngày Tết, tục lệ ăn Tết gần xa, phỏng vấn các vị chức sắc và văn nghệ sĩ, đặc biệt không quên “năm nào chuyện ấy” ví dụ như năm Ngọ rặt chuyện ngựa, năm Mùi rặt chuyện dê…

Độc giả xem báo Xuân ngày nay tại Hội báo Xuân được tổ chức hàng năm
Độc giả xem báo Xuân ngày nay tại Hội báo Xuân được tổ chức hàng năm

Sài Gòn (tức TP. HCM ngày nay) cũng là nơi xuất hiện tờ báo Việt ngữ đầu tiên (Gia Định Báo – năm 1865) và là nơi đi đầu thực hiện tờ báo Xuân, cho đến nay vẫn là trung tâm báo chí sôi động của cả nước. Số lượng báo chí ở Sài Gòn vốn đã nhiều, gần Tết lại càng nhiều thêm. Mà thật ra dân TP.HCM tiêu thụ báo Xuân phải nói là ở mức “có cỡ”.

Thường nhật, mỗi người quen mua vài ba tờ báo hợp “gu”, sắp Tết liền chạy đi “vét” về nhà ca lô lốc báo Xuân. Có người cho rằng Tết nhất mà thiếu vắng tờ báo Xuân cảm thấy dường như bị hụt hẫng điều gì đó.

Nhớ đầu năm rồi, tôi ghé chúc Tết nhà một ông anh họ hiện đang làm việc ở Công ty Cao su Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) nhìn thấy trong phòng khách, bên cạnh chậu mai vàng có bày một án thư cẩn xà cừ trông rất đẹp, trên bày biện toàn báo Xuân, từ báo chí trung ương, báo địa phương, báo quận huyện và nhiều loại đặc san, tuyển tập, giai phẩm Xuân. Tỉ mẩn đếm thử không dưới… 60 tờ!

Nguyễn Sinh