CSVN – Năm 2017 là năm đánh dấu 120 năm cây cao su có mặt tại Việt Nam (1897 – 2017). Nguồn gốc, lai lịch cây cao su đầu tiên được người Pháp đưa vào VN như thế nào, nơi đâu trồng những cây cao su đầu tiên này…là vấn đề được đông đảo bạn đọc quan tâm. Kể từ số báo này, Tạp chí Cao su VN mở chuyên mục “120 năm cây cao su di nhập vào Việt Nam” nhằm giới thiệu đến bạn đọc những tư liệu lịch sử này.
Cây cao su có mặt ở VN vào lúc nào? Vấn đề này có liên quan đến sự thành lập Vườn thực vật Sài Gòn (nay là Thảo Cầm Viên – TP.HCM).
Ngày 10/6/1863, chuẩn Đô đốc de Lagrandière, Tổng đốc và Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Nam kỳ quyết định thành lập Vườn thực vật và Vườn thú Sài Gòn, 4 năm sau khi chiếm thành phố Sài Gòn, một năm sau khi ký Hiệp định Sài Gòn (bắt buộc triều đình Huế nhượng 3 tỉnh Nam bộ, quần đảo “Poulo Condore” (Côn Đảo), và 8 năm trước ngày Pháp thôn tính toàn bộ xứ Nam kỳ…
…Năm 1875 theo ông Haffner thì Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có một cơ sở thứ 2 gọi là Ferme experimentale des mares nằm trên vùng đất mà người Pháp gọi là Camp des mares, một vùng sình lầy, nằm đối mặt với đường Nancy (bây giờ là Nguyễn Văn Cừ). Nhìn chung thì Thảo Cầm Viên Sài Gòn nằm trên 2 vùng đất, một phần khá lớn là ẩm thấp.
Ông J.B. Luois Pierre, con một nhà trồng tỉa ở đảo Re1union, một nhà thực vật học giỏi đã có 2 năm kinh nghiệm ở Vườn thực vật Calcutta xin vào làm việc ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ông viết trong đơn xin việc: Vũ khí đã tạo cho nước Pháp sự thống trị xứ Nam kỳ và trong tương lai một xứ thuộc địa sẽ được xây dựng, như vậy các nhà khoa học có khả năng đi sâu tìm hiểu châu Á, nơi đã có một lịch sử lâu đời.
Ông Pierre làm giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn từ năm 1865 đến năm 1877 ông về Pháp. Ngoài việc gửi các loại thú và cây trồng cho Viện Bảo tàng ở Pháp, ông Pierre đã dành thời gian và sức lực đi khảo sát, điều tra để viết quyển “Thực vật cho rừng Nam kỳ” và di nhập nhiều loại cây kinh tế vào nước ta. Trong số này ông Pierre cũng có thử nghiệm cây cao su. Theo lời kể của ông Josselme, giáo sư trường Trung học Chasseloup Laubat, một người rất quan tâm đến cây cao su, thì trong danh mục các cây trồng tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1878 có 2 cây cao su H.Brasiliensis (dưới cái tên Siphonia Brasiliensis – Kunth).
Những cây này do ông Pierre nhập năm 1977, từ nguồn hạt của Wickham. Nhưng về sau người ta không còn thấy các cây này, có thể chúng bị loại bỏ trong các đợt tu chỉnh Thảo Cầm Viên. Ông Paris, Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Nam kỳ có nhắc lại một cách chua chát: “Một việc làm dã man để phục vụ cho một mục đích kỹ thuật đã đưa người ta đến chỗ chặt bỏ 2 cây cao su, chỉ là để cho có một tầm nhìn hay một đường cong dễ chịu hơn” (Báo cáo của Phòng Nông nghiệp Nam kỳ gởi cho Thống đốc Nam kỳ ngày 29/3/1910).
Trước năm 1884, ông Lãnh sự Pháp ở Indonesia trong các công hàm gửi cho Thống đốc Nam kỳ thường nêu tầm quan trọng của cây cao su. Năm 1884, một số cây con được gửi từ Indonesia về Sài Gòn, trong đó có cây cao su H.B do Vườn thực vật Buitenzorg cung cấp. Ông Lãnh sự Pháp nhấn mạnh: Cây H.B cho một loại cao su rất được ưa chuộng; cây này mọc trong các vùng ẩm thấp, cả trong vùng sình lầy.
Chi tiết cuối cùng này của nhà ngoại giao Pháp có thể đã hướng Thảo Cầm Viên Sài Gòn mang trồng các cây cao su nhận từ Indonesia tại cơ sở 2 của mình, một vùng ao hồ. Lúc này người ta tập trung vào cây gutta percha. Năm 1881, ông Bộ trưởng Bộ Bưu điện và Viễn thông Pháp, cử kỹ sư Seeligmann đi vào các vùng Malaysia, Sumatra, Boeneo nghiên cứu khả năng nhập giống cây này để trồng ở Nam kỳ.
Ông Seeligmann xác định rằng cây cao su mang lại nhiều lợi nhuận hơn cà phê và mía đường, lúc ấy đang hưng thịnh. Ông gửi về Sài Gòn 50 cây cao su vào tháng 12 năm 1881. Năm đầu tiên còn sống 5 cây. Ông gửi lại lần thứ 2 nhưng đến tháng 6 năm 1883 chỉ còn lại vài cây đang sống dở chết dở. Và các cây cao su do Seeligmann gửi về Sài Gòn cũng cùng chung số phận với 2 cây cao su của ông Pierre: chúng dần dần mất tích.
T.S
(trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)
Related posts:
- Chi hội Nhà báo Tạp chí góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Suy ngẫm từ những chiếc đèn trung thu
- Thời kỳ vàng son nhờ kế hoạch Stevenson
- Cầu thủ "đá cặp" với showbiz: Mối quan hệ "cộng sinh"?
- Kỳ đại hội khó quên
- Ai sẽ là giọng ca vàng của núi rừng Tây Nguyên?
- Thi đua sôi nổi qua phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao
- Phòng truyền thống VRG - Nơi cô đọng lịch sử ngành cao su
- Ký ức trường mầm non cao su
- Bình minh trên những cánh rừng cao su